Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn

Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn
3 giờ trướcBài gốc
Tình yêu dành cho Bác Hồ không chỉ là sự kính trọng một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc mà còn là động lực để mỗi cá nhân, tập thể sống tốt đẹp hơn, cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cùng với tình cảm thiêng liêng dành cho Bác và trách nhiệm vì sự phát triển của quê hương, đất nước, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc Lào Cai vẫn luôn khắc ghi lời dạy của Bác khi Người về thăm cách đây 67 năm “Thi đua làm cho tỉnh nhà ngày càng thêm phồn thịnh và sung sướng” để không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, lan tỏa những việc làm thiết thực và ý nghĩa, thực hiện thắng lợi các phong trào thi đua yêu nước.
Nguồn cảm hứng bất tận trong học và làm theo Bác
Kính yêu Bác không chỉ là cảm xúc mà còn là hành động. Tình yêu ấy là “lăng kính” để mỗi người tự soi chiếu bản thân, tự vấn về trách nhiệm đối với cộng đồng, quê hương, đất nước. Tinh thần ấy thôi thúc thế hệ hôm nay sống có lý tưởng, biết cống hiến và giữ gìn sự trong sáng trong tâm hồn. Với mỗi cán bộ, đảng viên Lào Cai, nguồn cảm hứng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn rực cháy và trở thành dòng chảy bất tận, nhất là khi Trung ương ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đánh giá 10 năm thực hiện Chỉ thị 05 đã cho thấy, để việc học tập và làm theo Bác đi vào nền nếp, thống nhất, từ năm 2016 đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành 271 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, trong đó có nhiều văn bản quan trọng như: Quy định số 08-QĐ/TU ngày 26/3/2016; Nghị quyết số 12-NQ/TU về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong tình hình mới; Quy định số 368-QĐ/TU về đẩy mạnh học tập, làm theo và nêu gương theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…
Tỉnh ủy tổ chức 10 hội nghị học tập, quán triệt chuyên đề toàn khóa và lựa chọn chuyên đề hằng năm về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bảo đảm thiết thực với sự tham gia của gần 500.000 lượt cán bộ, đảng viên và đông đảo Nhân dân. Một số chuyên đề nổi bật như: “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, phong cách gương mẫu, nói đi đôi với làm” (2016); “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (2018); “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên” (2022), Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về “Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách; dám hành động vì lợi ích chung" (2024), Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” (2025)…
Tích cực học và làm theo tinh thần “7 dám” của Bác để xây dựng tỉnh Lào Cai ngày càng phát triển.
Tỉnh ủy Lào Cai chú trọng chỉ đạo đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình hành động, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong xã hội mà Nhân dân quan tâm; khuyến khích, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên phát huy tinh thần “7 dám” gắn với thực hiện Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” trong thực hiện chức trách và nhiệm vụ được giao.
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, Quy định của Tỉnh ủy về học tập và làm theo Bác, toàn tỉnh đã có 373.141 lượt cán bộ, đảng viên đăng ký, cam kết nêu gương, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, trong đó có 50.318 lượt cán bộ chủ chốt các cấp đăng ký. Từ năm 2016 đến nay, cấp huyện và tương đương đã công nhận, ghi danh gần 4.500 mô hình, tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình; cấp xã công nhận, ghi danh gần 13.500 mô hình, tập thể, cá nhân tiêu biểu. Toàn tỉnh có 19.834 tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình trong học tập và làm theo Bác được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng; Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng 266 tập thể, cá nhân; Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương tặng Bằng khen cho 17 tập thể, cá nhân; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 19 tập thể, cá nhân.
Tình yêu Bác mãi là ngọn lửa soi đường
Để tình yêu Bác mãi là ngọn lửa soi đường, mỗi cá nhân, tổ chức cần tiếp tục nỗ lực trong việc học tập và làm theo gương Bác. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước hội nhập và phát triển, thực hiện rất nhiều nhiệm vụ có ý nghĩa lịch sử như cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 tiến tới Đại hội XIV của Đảng, tinh thần, nguồn cảm hứng và việc học và làm theo Bác cần tiếp tục được nuôi dưỡng, phát huy sáng tạo, hiệu quả trong thực tiễn.
Trước hết, cần quan tâm đổi mới và thực hiện thường xuyên, sáng tạo công tác tuyên truyền, giáo dục. Tăng cường sử dụng các nền tảng số như mạng xã hội, ứng dụng di động, video trực tuyến để lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và những tấm gương trong học tập và làm theo Bác một cách sinh động, gần gũi, đặc biệt với thế hệ trẻ. Chú trọng tổ chức hội thảo, tọa đàm, cuộc thi kể chuyện về Bác Hồ ở các trường học, cơ quan, cộng đồng dân cư, kết hợp với các hình thức nghệ thuật, hoạt động thông tin lưu động để truyền tải thông điệp một cách cuốn hút, tiếp cận đông đảo công chúng. Tiếp tục đổi mới, đưa nội dung về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình giáo dục phổ thông và các khóa đào tạo cán bộ, công chức, trong đó chú trọng đề cao tính thực tiễn và áp dụng vào đời sống.
Lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và những tấm gương trong học tập và làm theo Bác một cách sinh động, gần gũi, đặc biệt với thế hệ trẻ.
Gắn học tập với hành động, kết hợp nêu gương và tôn vinh. Khuyến khích triển khai thực hiện các phong trào thi đua “làm theo Bác” gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, địa phương, như “Cán bộ, công chức nói không với tham nhũng”, “Thanh niên sáng tạo vì cộng đồng”, hay “Nông dân học Bác, sản xuất bền vững”. Xây dựng các mô hình điển hình tiên tiến, như “Làng học Bác”, “Doanh nghiệp làm theo lời Bác”, hoặc “Trường học mang tên Bác”, để nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả. Tổ chức các hoạt động thiện nguyện nhằm hiện thực hóa tinh thần “vì dân phục vụ” của Bác. Chú trọng phát hiện, biểu dương, tôn vinh, lan tỏa những cá nhân, tập thể tiêu biểu trong việc học tập và làm theo gương Bác. Đổi mới và tiếp tục xây dựng cơ chế khen thưởng kịp thời, minh bạch để động viên những người sống và làm việc theo tinh thần Hồ Chí Minh, từ đó khơi dậy tinh thần thi đua trong cộng đồng.
Một nhiệm vụ quan trọng là khơi dậy vai trò của thanh niên và cộng đồng. Bằng cách tạo môi trường học tập hấp dẫn, khuyến khích sáng tạo, và lan tỏa tinh thần đoàn kết, phong trào này sẽ tiếp tục truyền cảm hứng, giúp mỗi người sống trong sáng hơn, cống hiến nhiều hơn. Tạo điều kiện để thanh niên tham gia các hoạt động xung kích, sáng tạo, như khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, bảo vệ môi trường, hoặc hỗ trợ cộng đồng, lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam. Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong việc vận động quần chúng tham gia, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa và khu vực đông đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới.
Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi.
Bên cạnh đó, cần coi trọng và nâng cao hiệu quả việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Hồ Chí Minh. Tăng cường tổ chức các khóa học, hội thảo chuyên sâu về giá trị văn hóa Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên, nhấn mạnh vai trò nêu gương trong việc thực hiện các giá trị như “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là Công viên Hồ Chí Minh và Nhà truyền thống để những công trình này phát huy vai trò là “trường học sống” trong giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu quê hương, đất nước. Bên cạnh đó, chú trọng xuất bản, phổ biến rộng rãi các tác phẩm, bài viết, câu chuyện về Bác bằng nhiều ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ dân tộc thiểu số, để mọi người dân đều có thể tiếp cận.
“Yêu Bác” không chỉ là một vần thơ, một khẩu hiệu mà là lời nhắc nhở mỗi người về trách nhiệm giữ gìn, phát huy những giá trị tốt đẹp trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Với những thành tựu đạt được, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, khơi dậy khát vọng xây dựng Lào Cai ngày càng lớn mạnh và phát triển, cùng đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng.
Phùng Nam Trung
Nguồn Lào Cai : https://baolaocai.vn/yeu-bac-long-ta-trong-sang-hon-post401934.html