Nhằm đáp ứng yêu cầu quốc tế hóa giáo dục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhiều cơ sở giáo dục đại học hiện nay đang tập trung mở rộng các mối quan hệ hợp tác quốc tế trong đào tạo. Việc hợp tác này không chỉ tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến trên thế giới mà còn góp phần nâng cao uy tín và chất lượng của nhà trường.
Một yếu tố quan trọng trong quá trình này là xây dựng đội ngũ giảng viên nước ngoài, những người mang đến góc nhìn đa dạng và kiến thức cập nhật từ quốc tế. Tuy nhiên, việc tuyển dụng và thu hút đội ngũ này vẫn gặp nhiều khó khăn, từ các thủ tục pháp lý đến chính sách đãi ngộ, đặc biệt là khi tuyển dụng giảng viên cơ hữu người nước ngoài.
Thời hạn xin cấp giấy phép quá lâu kéo theo nhiều vướng mắc
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong năm học 2023-2024, nhà trường tuyển được duy nhất 1 giảng viên cơ hữu là người nước ngoài, giảng dạy ngành Vật lý kỹ thuật.
Ngoài ra, đối với các học phần liên quan đến tiếng Anh, nhà trường đã mời các giáo sư từ các trường đại học đối tác ở nước ngoài về giảng dạy tại Việt Nam. Tuy nhiên, họ chỉ tham gia giảng dạy trong thời gian ngắn và không phải là giảng viên cơ hữu. Trong tương lai, nhà trường dự kiến sẽ tiếp tục tuyển dụng thêm giảng viên cơ hữu người nước ngoài để đảm nhiệm việc giảng dạy lâu dài tại trường.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Website nhà trường)
Theo thầy Phúc, việc tuyển dụng giảng viên người nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn như: thủ tục xin chỉ tiêu lao động người nước ngoài, hồ sơ xin cấp giấy phép lao động (thời gian xét duyệt hồ sơ kéo dài, thủ tục rắc rối, việc hợp pháp hóa lãnh sự bằng cấp, giấy xác nhận kinh nghiệm của mỗi quốc gia có quy định khác nhau,…).
“Việc làm thủ tục nhập cảnh cho đội ngũ giảng viên người nước ngoài vào dạy tại trường phải thực hiện tại Cục Xuất nhập cảnh Việt Nam ở Hà Nội nên có phần phức tạp. Cán bộ của nhà trường phải thường xuyên di chuyển ra Hà Nội nhiều lần dẫn đến việc mất nhiều thời gian và phát sinh chi phí không nhỏ.
Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 70/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam quy định trước ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.
Theo đó, các cơ sở giáo dục phải giải trình lý do vì sao không sử dụng giảng viên là người Việt Nam mà lại tuyển giảng viên nước ngoài, điều này vô hình trung đã tạo thêm một thách thức cho các cơ sở đào tạo trong quá trình tuyển dụng”, thầy Phúc cho hay.
Đồng tình với quan điểm này, đại diện Trường Đại học Bình Dương cho rằng, một số vị trí đặc thù quy định yêu cầu phải giải trình chi tiết nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể. Điều này gây ra khó khăn cho nhà trường trong việc chuẩn bị hồ sơ một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Bên cạnh đó, đại diện Trường Đại học Bình Dương cho biết, hiện tại nhà trường có 2 giảng viên cơ hữu là người nước ngoài giảng dạy trực tiếp tại trường và đang tiến hành thủ tục xin cấp phép cho 6 giảng viên nước ngoài khác.
Nhà trường gặp khó khăn về thời gian xử lý công văn cho phép sử dụng lao động nước ngoài và cấp giấy phép lao động. Quá trình này diễn ra khá lâu khiến việc tuyển dụng giảng viên cơ hữu cho các ngành đào tạo của trường trở nên bị động.
Một số trường hợp gặp khó khăn và chậm trễ trong quá trình xin xác nhận hồ sơ, dẫn đến việc giảng viên nước ngoài hết thời hạn thị thực (visa), vốn chỉ kéo dài tối đa 6 tháng. Khi hết hạn, giảng viên buộc phải quay về nước trước khi có thể trở lại Việt Nam để tiếp tục công việc, gây gián đoạn quá trình giảng dạy.
Sinh viên Trường Đại học Bình Dương trong giờ thực hành. (Ảnh: Website nhà trường)
Vì những lý do đó, Trường Đại học Bình Dương đề xuất rằng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nên cân nhắc việc phân quyền cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố. Điều này không chỉ giúp rút ngắn thời gian xử lý thủ tục mà còn giảm bớt gánh nặng tài chính cho các trường đại học, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh trong việc thu hút nguồn nhân lực quốc tế chất lượng cao.
Chưa có hướng dẫn đánh giá chuẩn nghề nghiệp cho giảng viên nước ngoài
Đánh giá về thực trạng sử dụng đội ngũ giảng viên nước ngoài tại trường, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, yêu cầu về kinh nghiệm làm việc từ 3-5 năm là một trong những khó khăn mà đơn vị phải đối mặt trong công tác tuyển dụng lao động nước ngoài.
“Theo điểm a, khoản 1, Điều 1 Nghị định số 70/2023/NĐ-CP, người lao động nước ngoài cần tốt nghiệp đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế đối tượng người nước ngoài tuyển dụng làm công tác nghiên cứu trong các trường đại học hiện nay đều là các tiến sĩ trẻ hoặc vừa hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ.
Đồng thời, ở khoản 3 Điều 71 Luật Giáo dục (Luật số: 43/2019/QH14) khuyến khích việc mời nhà giáo, nhà khoa học trong nước, nhà khoa học là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài đến giảng dạy tại các cơ sở giáo dục theo chế độ thỉnh giảng.
Tuy nhiên, hiện tại chưa có quy định cụ thể về việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là người nước ngoài. Hơn nữa, chưa có căn cứ hay hướng dẫn để đánh giá việc đáp ứng chuẩn nghề nghiệp đối với giảng viên nước ngoài”, thầy Nam thông tin.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: NVCC)
Mặt khác, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, khoản 2, Điều 8 Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định thời hạn xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động tối đa là 02 năm. Trường hợp cấp lại xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động thì thời hạn tối đa là 2 năm. Điều này cũng khiến các giảng viên nước ngoài có trình độ và mong muốn làm việc tại Việt Nam không thể gắn bó lâu dài với các cơ sở giáo dục.
Vì vậy, theo thầy Nam, Nhà nước cần bổ sung một số quy định và văn bản liên quan đến Luật Giáo dục, đồng thời cập nhật các văn bản hướng dẫn dưới luật để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ sở giáo dục đại học trong việc tuyển dụng giảng viên cơ hữu là người nước ngoài.
Cụ thể, các cơ sở giáo dục đại học nên được thí điểm bổ nhiệm hoặc mời kiêm nhiệm nhân sự quản lý là người nước ngoài hoặc Việt kiều ở cấp khoa/viện, đồng thời áp dụng các chính sách thu hút và giao kết hợp đồng lao động với giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia uy tín từ nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Đặc biệt, thầy Nam đề xuất rằng người lao động nước ngoài làm việc tại các cơ sở giáo dục trọng điểm như Đại học Quốc gia Hà Nội hay Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ không cần phải xin giấy phép lao động khi đã có xác nhận của nhà trường.
Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc nhận định, việc yêu cầu giảng viên người nước ngoài có 3 - 5 năm kinh nghiệm phù hợp với vị trí công việc tại Việt Nam chỉ phản ánh tương đối kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của họ chứ chưa thực sự đánh giá toàn diện năng lực của giảng viên.
Giám khảo nước ngoài chấm điểm đội thi bảng sinh viên cuộc thi Bach Khoa Innovation 2024 (BKI 2024) của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Website nhà trường)
Khoản 3, Điều 3 Nghị định 152/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bởi điểm a, khoản 1, Điều 1, Nghị định 70/2023/NĐ-CP) quy định người lao động nước ngoài là chuyên gia phải đáp ứng một trong hai điều kiện: Tốt nghiệp đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam; Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm và có chứng chỉ hành nghề phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam.
Theo thầy Phúc, trong quá trình làm hồ sơ, việc chứng minh kinh nghiệm và thời gian làm việc của giảng viên không đơn giản. Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều quy định nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy, tuy nhiên, việc giảm bớt một số thủ tục hành chính sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các trường đại học trong việc tuyển dụng giảng viên cơ hữu người nước ngoài.
Điều này không chỉ giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận với những kiến thức mới mẻ mà còn hỗ trợ các trường triển khai các chương trình học một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Do đó, thầy Phúc đề xuất rằng nên giao quyền tự chủ, quyết định cho các trường đại học còn cơ quan quản lý thực hiện hậu kiểm. Đồng thời, các trường cần "tự chủ, tự chịu trách nhiệm" để gia tăng tính linh hoạt và hiệu quả trong quản lý.
Thúy Hiền