Phác thảo cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua Bình Dương. Ảnh: T.L.
Bộ Tài chính vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng; Phó thủ tướng về kết quả kiểm tra việc lựa chọn nhà thầu tại gói thầu thi công dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước cũ (nay là tỉnh Đồng Nai).
Theo đó, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ giao UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quy trình lựa chọn nhà thầu.
Trước đó, tại văn bản ngày 29/5, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác liên Bộ Tài chính - Xây dựng để tổ chức kiểm tra việc lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu thi công dự án nêu trên và yêu cầu cơ quan này rà soát, báo cáo lại quá trình.
Tuy nhiên, thời gian thực hiện ngắn và cần có thêm ý kiến chuyên môn về kiểm định thiết bị thi công nên báo cáo ban đầu của Bộ Tài chính chỉ phản ánh những tồn tại, hạn chế chứ chưa đưa ra kết luận cụ thể.
Đến ngày 1/7, Phó thủ tướng tiếp tục có chỉ đạo yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo rõ hơn, có kết luận và kiến nghị cụ thể liên quan đến nội dung đã kiểm tra.
Bộ Tài chính sau đó đã chỉ đạo Tổ công tác tiếp tục rà soát và đánh giá kỹ hơn về ứng dụng mô hình thông tin công trình (BIM); máy móc thiết bị thi công; vật tư chính được đưa vào thi công; năng lực và kinh nghiệm của tổ chuyên gia; kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu điện tử (E-HSDT) và quá trình trình phê duyệt kết quả.
Dựa trên kết quả kiểm tra lần này, Bộ Tài chính đã kiến nghị lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai rà soát lại toàn bộ quy trình lựa chọn nhà thầu. Trong trường hợp cần thiết, có thể thuê đơn vị tư vấn độc lập có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện lại quy trình đánh giá.
Sau khi đánh giá lại hồ sơ dự thầu điện tử (E-HSDT), có thể xảy ra 2 trường hợp.
Nếu kết quả đánh giá lại hồ sơ dự thầu điện tử (E-HSDT) cho thấy nhà thầu trúng thầu không còn phù hợp hoặc tất cả nhà thầu không đáp ứng, UBND tỉnh cần thực hiện biện pháp không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu theo Điều 18 Luật Đấu thầu. Tùy tình hình, địa phương có thể tổ chức đấu thầu lại hoặc phê duyệt kết quả mới.
Trường hợp 2, nếu kết quả đánh giá lại không thay đổi kết quả ban đầu, chủ đầu tư cần nhanh chóng ký kết hợp đồng và triển khai thi công. Trong mọi trường hợp, nhà thầu được lựa chọn phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm, giải pháp kỹ thuật, tiến độ, tài chính và chất lượng.
Bộ Tài chính lưu ý địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về toàn bộ quá trình lựa chọn nhà thầu theo đúng tinh thần phân cấp "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" như chỉ đạo của Chính phủ.
Trong trường hợp có yêu cầu, UBND tỉnh có thể trao đổi với Bộ Xây dựng hoặc các bộ ngành liên quan để xác định rõ yêu cầu về tài liệu kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của thiết bị thi công, bảo đảm tính hợp pháp và đầy đủ theo quy định pháp luật.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu địa phương giải quyết kiến nghị của nhà thầu Tập đoàn Sơn Hải cần được thực hiện nghiêm túc, khách quan, đúng quy định pháp luật. Việc xử lý kiến nghị cần dứt điểm, tránh kéo dài, gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành dài gần 69 km, trong đó đoạn qua Bình Dương chiếm khoảng 53 km, đoạn qua tỉnh Bình Phước cũ khoảng 7 km và đầu tuyến TP.HCM chưa được triển khai.
Tuyến sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Đồng Nai (Bình Phước cũ) so với lộ trình hiện nay dài 120 km qua Quốc lộ 13.
Đoạn qua tỉnh Bình Phước cũ được khởi công tháng 12/2024 và đoạn qua Bình Dương cũ bắt đầu triển khai từ tháng 2.
Thảo Liên