1. Vào giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, lực lượng văn nghệ sĩ chịu rất nhiều tổn thất. Nhiều nhà văn, nhà thơ đã hy sinh, bị thương, bệnh tật… Trước tình hình đó, năm 1970, Trung ương Đảng đã chỉ đạo mở lớp đào tạo văn nghệ sĩ để bổ sung cho chiến trường miền Nam. Lớp học này thường được gọi là lớp Khóa 4 của Hội Nhà văn Việt Nam, do nhà văn Nguyên Hồng trực tiếp phụ trách giảng dạy.
Có thể nói đây là lớp văn nghệ sĩ có nhiều thành công, cả ở lĩnh vực văn học nghệ thuật cũng như ở các lĩnh vực khác. Có thể kể đến các anh: Phạm Quang Nghị (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội); PGS-TS Dân tộc học Phan An; GS Phan Xuân Biên (nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM); Lê Quang Trang (nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM); Dương Trọng Dật và Cao Xuân Phách (nguyên Tổng Biên tập Báo SGGP)…
Đường ra chiến trường không tránh khỏi những hy sinh mất mát, Khóa 4 năm ấy có 3 nhà văn, nhà thơ liệt sĩ: Nguyễn Văn Long, Nguyễn Văn Kim mất khi cùng đồng đội vượt Trường Sơn vào Nam. Ông Nguyễn Hồng hy sinh năm 1973 ở chiến trường khu 5 khi tình nguyện ở lại một mình ngăn địch để đơn vị rút lui an toàn.
Tại cuộc gặp mặt, nhà văn Lê Quang Trang có nhắc đến “sự tích” dẫn đến cuộc gặp gỡ tháng 4 hàng năm của Khóa 4: Ngày đó, cả khóa đang trên đường hành quân vào chiến trường miền Nam, trải qua không ít gian nan trên đường Trường Sơn, bom đạn, thời tiết, bệnh tật… Giữa những khó khăn đó, một số anh chị em trong đoàn đã đề xuất: Ngày sau, khi đất nước hòa bình, nếu ai còn sống, sẽ hẹn gặp mỗi năm. Đề xuất này được tất cả tán thành, thậm chí mọi người còn chọn ngày 15-4, là thời điểm mọi người rời Hòa Bình lên đường ra chiến trường. Khi đó, chẳng ai nghĩ được cái ngày hẹn gặp đó lại gắn liền với những ngày tháng 4 lịch sử.
Tiếp lời nhà văn Lê Quang Trang, nhiều người nhớ lại lần gặp lại đầu tiên của các nhà văn, nhà thơ Khóa 4 diễn ra trước khi đất nước hòa bình, tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam. “Hôm ấy, bạn Nguyễn Quốc Cự kiên nhẫn đun tới 40 lít nước sôi chỉ bằng một chiếc hango treo trên chạc cây. Một bạn nào đó kiếm được gói trà Thanh Tâm (hàng hiếm khi ấy) để pha trà cho tất cả. Cuộc gặp năm đó không đủ gần 70 người của Khóa 4 nhưng đầy ân tình, đầm ấm, nhất là những tình cảm của mọi người khi gặp nhau giữa chiến trường”, nhà văn Lê Quang Trang nhớ lại.
Một số nhà văn, nhà thơ của đoàn Khóa 4 - Hội Nhà văn Việt Nam tại căn cứ Tà Thiết (Lộc Ninh, Bình Phước). Ảnh: TƯ LIỆU
2. Rồi khi đất nước hòa bình, nhiều cuộc gặp của các anh chị em Khóa 4 đã diễn ra. 50 năm đã qua, cuộc gặp vào những ngày tháng 4 năm nay có sự đặc biệt khi diễn ra cùng lúc với không khí sôi động của cả đất nước, của TPHCM. Giữa họ, không chỉ có những kỷ niệm mà còn cả niềm tự hào vì tình bạn, vì đã cống hiến hết mình cho đất nước cho đến khi tuổi đã cao.
Họ, những trí thức trẻ ngày ấy, tình nguyện vào chiến trường, dấn thân đến những nơi ác liệt nhất, những mặt trận nóng bỏng nhất của tiền tuyến để sáng tác những tác phẩm phục vụ công cuộc kháng chiến của dân tộc. Có người đã hy sinh lúc sáng tác, có người ngã xuống trong lúc trực tiếp chiến đấu như một người lính.
Tình bạn giữa những người lính cầm bút đã được thử thách qua thời gian, từ những ngày gian khổ vượt Trường Sơn. Bên nhau khi thiếu ăn, sốt rét, những lúc dìu nhau vượt dốc tưởng không thở được, những khi giúp nhau đeo lại chiếc ba lô, nắm tay nhau vượt qua các con suối, thác ghềnh… Những câu chuyện kỷ niệm ngày ấy họ vẫn nhớ như in dù đã hơn 50 năm trôi qua. Họ lại cùng nhau chia sẻ mọi nỗi niềm trong cuộc sống hôm nay, những suy nghĩ về nghề nghiệp, chung vui khi bạn bè có tác phẩm mới, phấn khởi với những thành công của nhau trong sự nghiệp, trong sáng tạo nghệ thuật… Tất cả những điều tốt đẹp ấy giữa những người bạn hơn nửa thế kỷ gắn bó đã lan tỏa đến gia đình, con cháu của họ như một biểu tượng đẹp của tình bạn, tình đồng đội qua thời gian.
Là những văn nghệ sĩ, trong cuộc vui gặp gỡ, không thể thiếu giới thiệu với nhau những tác phẩm tâm huyết. Anh Phạm Quang Nghị đem đến giới thiệu với mọi người tác phẩm mới: cuốn sách hơn 500 trang nhan đề Nơi ấy là chiến trường (nhật ký và ghi chép những năm tháng đi B). Cuốn sách là một đóng góp cho văn học và cũng là một góc nhìn đầy chân thật về công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Rồi chị Vũ Thị Hồng với Chạm vào ký ức, anh Dương Trọng Dật đọc những bài thơ đầy tính thế sự, chị Trần Thị Thắng với tiểu thuyết Tháng không ngày cùng những câu chuyện về những ngày “mang văn từ Củ Chi đi nước Mỹ”…
Cuộc gặp thoáng lặng lại khi anh Trần Đình Việt, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM, giới thiệu với mọi người một cuốn sổ ố vàng. Anh Việt không trong đoàn Khóa 4 năm ấy nhưng lại là người bạn thân thiết với mọi người khi cùng học tại Đại học Văn khoa Hà Nội. Cuốn sổ ố vàng mà anh sưu tầm được ấy chính là tập lưu bút thời sinh viên, trong đó có bút tích của Vũ Thị Hồng, Hà Phương… và của người bạn đã nằm lại nơi chiến trường, liệt sĩ Nguyễn Hồng. Nhìn những dòng chữ nhạt nhòa qua thời gian, tất cả đều cảm động, nhớ thương những người bạn đã đi xa, người hy sinh trong chiến tranh, người mất do đau yếu trong hòa bình.
Nhà văn NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI