Âm nhạc là cầu nối đặc biệt để chị Trương Hằng Nga gửi gắm tình cảm dành cho mảnh đất và con người quê hương -Ảnh: H.N
Chị Nga quê ở xã Gio Việt, huyện Gio Linh. Là giáo viên môn Tiếng Anh nhưng chị có niềm đam mê và cơ duyên đặc biệt với âm nhạc. “Lúc nhỏ, tôi thích nghe nhạc và thuộc rất nhiều bài hát. Mỗi khi được xem ca nhạc, nghe cải lương của những đoàn văn công về quê biểu diễn, tôi ao ước giá mình được đứng trên sân khấu.
Thế nhưng, vì bản tính nhút nhát nên tôi không dám nghĩ đến việc sẽ theo đuổi ngành nghề nào liên quan đến âm nhạc. Sau này, khi đã ngoài 30 thì niềm yêu thích nghệ thuật trong tôi trỗi dậy. Từ những bài thơ do bản thân sáng tác, tôi hát thành giai điệu rồi tập phổ nhạc và say mê tự bao giờ...”, chị Nga kể .
Năm 2018, chị Nga “làm quen” với việc viết nhạc sau khi kết nối, giao lưu với một số nhạc sĩ thông qua mạng xã hội và được họ động viên nếu yêu thích thì mạnh dạn thử sức. Từng tự học cách làm thơ, vẽ tranh và đều làm được khá tốt nên sau khi mày mò khoảng vài tuần, chị Nga cũng viết ra được ca khúc đầu tiên. Khi đã có lời ca và giai điệu,chị bắt đầu gửi ý tưởng bằng cách hát thu âm đến bạn bè là các nhạc sĩ nhờ họ góp ý.
Điều đáng khâm phục là các khâu như xây dựng cấu trúc bài hát, chép nhạc, đánh nốt xác định tiết tấu trên đàn ghi ta chị Nga đều làm thủ công mà không có một phần mềm hay công cụ hiện đại nào hỗ trợ. Đến phần phát triển giai điệu bằng hợp âm và hòa âm phối khí, chị Nga nhờ sự hỗ trợ, điều chỉnh của một người bạn.
Sau nhiều nỗ lực, tháng 8/2018, ca khúc đầu tay “Quảng Trị một tình yêu” ra đời trong niềm vui của chị. Hạnh phúc hơn là chỉ sau một thời gian ngắn “trình làng”, bài hát với ca từ giản dị, lời ca sâu lắng về quê hương được đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh đón nhận với hàng ngàn lượt xem, chia sẻ trên các nền tảng.
Kể từ đó, cứ có cảm xúc là chị Nga viết nhạc. Từ những buồn, vui trong cuộc sống đến những xúc cảm về nghề giáo, đề tài tình yêu đôi lứa và đặc biệt là tình cảm dành cho quê hương đều được chị mượn những lời ca để tỏ bày.
“Gắn bó với sự nghiệp trồng người nên tôi có dịp được công tác ở nhiều miền quê của Quảng Trị. Mỗi vùng đất tôi đi qua đều để lại ấn tượng về tình người nồng hậu, phong cảnh thiên nhiên, những nét văn hóa đặc trưng và tôi luôn muốn ghi lại những điều đó bằng âm nhạc. Cũng thông qua âm nhạc, tôi gửi gắm tình cảm của bản thân với những mảnh đất đã “hóa tâm hồn”, chị Nga bộc bạch.
Giai đoạn đầu tập sáng tác, nhiều nhạc sĩ đã nhiệt tình giúp đỡ, góp ý về chuyên môn, duyệt ý tưởng cho chị hoàn thành tác phẩm như nhạc sĩ Lục Hòa, Trọng Lập, Đỗ Tiến Lập... Yêu thương và cảm phục sự nỗ lực theo đuổi đam mê của chị Nga, đa số anh chị em làm hình ảnh hay các ca sĩ, nhạc sĩ làm beat như NSƯT Xuân Huyền, Phan Toàn, Hoàng Tình, Hồ Đức Hùng, Hải Âu, Băng Châu... và những người bạn như Quốc Nam, Diệu Vĩnh Linh, Vũ Trọng Phương, Nhã Ka... đều tạo mọi điều kiện, hỗ trợ chị nhiệt tình mỗi lần ra ca khúc mới.
Đến nay, chị đã sáng tác được trên 50 ca khúc và gần 10 ca khúc đồng sáng tác. Một số ca khúc ấn tượng như: Cam Lộ ngày về, Hải Lăng miền dấu yêu, Hải Dương quê mình, Bến bờ của yêu thương, Kỷ niệm đánh rơi, Đông Hà vào xuân... Trong đó, nổi bật có Cam Lộ ngày về là ca khúc chị Nga đồng sáng tác (phần lời) cùng nhạc sĩ Trọng Lập (phần nhạc) đoạt giải Ba trong Cuộc vận động sáng tác ca khúc về quê hương Cam Lộ năm 2020.
Ngoài ra, các sáng tác của chị Nga về mảnh đất, con người Hải Lăng - nơi chị đang công tác cũng được khán thính giả phản hồi tích cực. Trong đó có nhiều ca khúc được chọn để trình diễn tại những chương trình, lễ kỷ niệm lớn của các xã Hải Khê, Hải Dương...
“Tôi thường chú tâm tìm hiểu về lịch sử các địa danh, những nét đặc sắc của mỗi vùng đất để chọn lọc ca từ, giai điệu phù hợp. Ví dụ như viết về Hải Lăng thì tôi chọn giai điệu vừa hào hùng để làm nổi bật truyền thống của vùng quê cách mạng nhưng cũng sâu lắng khi nói về tình người và bản sắc văn hóa nơi đây”, chị chia sẻ.
Chuyện trò với chị Nga, chúng tôi cảm nhận được nét giản dị, nhẹ nhàng và mộc mạc trong tính cách, như chính những lời ca của chị. Những ca khúc của chị mang đậm chất trữ tình, sâu lắng, gợi những hình ảnh bình dị mà thân thương. Đề tài quê hương trong những ca khúc của chị thường nhấn mạnh đến sự gắn bó giữa con người với quê hương, như một lời mời gọi mỗi người trở về với nguồn cội, về với nơi chốn yên bình.
Chị Nga cho hay, thời gian tới, song song với việc tiếp tục sáng tác trên tinh thần vừa thỏa mãn đam mê, mang món ăn tinh thần truyền tải thông điệp tích cực đến với mọi người, chị sẽ chọn một số ca khúc để đăng ký bản quyền; xây dựng hình ảnh bản thân ngày càng hoàn thiện hơn; phát triển hơn nữa về mặt truyền thông để các sản phẩm đến được với nhiều người hơn.
“Với tôi, âm nhạc không chỉ là đam mê mà còn là cầu nối đặc biệt giúp bản thân thấu hiểu thêm cuộc đời, rèn luyện được nhiều kỹ năng, tự tin hơn trong cuộc sống và quen biết được nhiều người bạn . Tôi sẽ luôn nuôi dưỡng niềm đam mê này dẫu cuộc sống còn đó những bộn bề vất vả, lo toan...”, chị Nga nói.
Hoài Nhung