Hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Tập đoàn Gazprom (Nga). Ảnh minh họa: EPA/TTXVN
Mặc dù nhu cầu không tăng, nhưng lượng nhập khẩu lại tăng, nhất là khi EU có kế hoạch tăng 54% năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) với việc các quốc gia thành viên tìm kiếm các nhà cung cấp khí thay thế Nga.
Theo nhóm nghiên cứu, việc mở rộng này diễn ra mặc dù nhu cầu vẫn ổn định cho đến năm 2030. Các nhà phân tích cảnh báo rằng sự mở rộng như vậy có thể dẫn đến tình trạng dư thừa công suất, khi nguồn cung khí đốt hóa thạch dự kiến sẽ vượt quá nhu cầu 26% vào năm 2030. Mức đầu tư quá mức này, lên tới 131 tỷ mét khối, tương đương với tổng lượng tiêu thụ khí đốt hàng năm của Đức, Pháp và Ba Lan.
Tiến sĩ Pawel Czyzak, nhà phân tích của Ember, lên tiếng "phàn nàn" về việc EU vẫn đang nhập khẩu khí đốt của Nga. Theo chuyên gia này, thay vì đầu tư vào những giải pháp thay thế thực sự như năng lượng tái tạo và hiệu quả để cắt giảm nhập khẩu từ Nga, các quốc gia thành viên EU đang dồn tiền vào công suất LNG đắt đỏ mà thậm chí sẽ không được sử dụng.
Phân tích cho thấy sau nhiều năm giá cả biến động do xung đột ở Ukraine (U-crai-na), giá khí đốt đã tăng vọt 59% vào năm 2024. Kết quả là, giá khí đốt chuẩn của châu Âu hiện cao gấp đôi mức trước khủng hoảng. Đồng thời, độ tin cậy của nguồn cung khí đốt từ các nguồn nước ngoài không phải Nga cũng trở nên không chắc chắn.
Căng thẳng địa chính trị leo thang làm dấy lên những lo ngại về việc phụ thuộc vào nguồn cung cấp của Mỹ, ngay cả khi Mỹ đang mở rộng năng lực xuất khẩu LNG.
Mặc dù EU đã đề xuất tài trợ cho cơ sở hạ tầng LNG nước ngoài và kí kết những hợp đồng LNG dài hạn để giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga nhưng các chuyên gia cho rằng chiến lược này có thể làm gia tăng sự phụ thuộc vào những nhà cung cấp có khả năng không đáng tin cậy.
Ngọc Long (TTXVN)