Yếu tố Trung Quốc trong 'ván bài' Panama của ông Trump

Yếu tố Trung Quốc trong 'ván bài' Panama của ông Trump
4 giờ trướcBài gốc
Cảng Cristobal ở Colon, Panama - Ảnh: Reuters
Cuối tuần trước, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Marco Rubio trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ tới Panama cho thấy tầm quan trọng của kênh đào Panama đối với Washington.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đang quyết tâm ngăn chặn con kênh rơi vào sự kiểm soát của Trung Quốc - khách hàng lớn thứ hai của kênh đào Panama. Công ty Trung Quốc CK Hutchison có trụ sở ở Hồng Kông hiện nắm quyền kiểm soát 2 trong số 5 hải cảng gần kênh đào Panama.
VÌ SAO ÔNG TRUMP QUAN TÂM TỚI KÊNH ĐÀO PANAMA?
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ về chuyến đi, ông Rubio đã nhấn mạnh với Tổng thống Jose Raul Mulino và Bộ trưởng Ngoại giao Javier Martinez-Acha của Panama rằng “tình trạng này không thể chấp nhận được”, và rằng Mỹ sẽ “triển khai hành động cần thiết nếu không có những thay đổi ngay lập tức”. Trước đó, trong bài phát biểu nhậm chức tổng thống hôm 20/1, ông Trump tuyên bố sẽ “giành lại” kênh đào Panama.
Về phần mình, Tổng thống Mulino bác bỏ lập trường của Washington và khẳng định chính phủ của ông có quyền hợp pháp và chủ quyền đối với kênh đào này.
Dưới đây là những điều cần biết những vấn đề xoay quanh kênh đào Panama và “ván bài” của ông Trump liên quan tới tuyến đường thủy chiến lược này, theo phân tích từ tờ Nikkei Asia.
Mỹ có vai trò quan trọng trong việc định hình kênh đào Panama - một trong những tuyến vận tải quan trọng nhất thế giới. Năm 1914, nước này hoàn tất xây dựng 82 km kênh đào Panama, nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, mở ra một kỷ nguyên mới của ngành vận tải. Suốt nhiều thập kỷ sau đó, Mỹ nắm quyền kiểm soát kênh đào này.
Tuy nhiên, Washington trao trả lại con kênh cho Panama vào năm 1999 theo một hiệp ước mà cựu Tổng thống Jimmy Carter ký kết vào năm 1977. Từ đó đến nay, Cơ quan quản lý kênh đào Panama (PCA), một cơ quan thuộc Chính phủ Panama, là đơn vị điều hành tuyến đường thủy nhân tạo này.
Kênh đào Panama là tuyến vận chuyển nhanh nhất cho hoạt động vận tải biển giữa Bờ Đông nước Mỹ và châu Á với thời gian di chuyển khoảng 26 ngày, so với 43 ngày đi qua Mũi Horn ở phía Nam Chile và 37 ngày qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi.
Kênh đào này là tuyến vận tải chính của các mặt hàng năng lượng, gồm dầu thô và khí tự nhiên hóa lỏng, giữa Mỹ và châu Á. Đây là nơi xử lý khoảng 5% thương mại hàng hải toàn cầu, trong đó khoảng 70% hàng hóa đi qua kênh đào này đi đến hoặc đến từ Mỹ.
Theo các nhà phân tích, sự ám ảnh của ông Trump về việc giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama có thể bắt nguồn từ điều mà ông xem là lợi ích thương mại và địa chính trị của Mỹ.
Tháng 12 năm ngoái, ông nói rằng Mỹ có thể yêu cầu “trả lại kênh đào Panama hoàn toàn và không thắc mắc gì”. Ông cho rằng hiệp ước năm 1977 của Tổng thống Carter là “ngớ ngấn”, khiến Mỹ mất quyền kiểm soát và nhấn mạnh rằng Chính phủ Panama nên là bên vận hành kênh đào, chứ không phải Trung Quốc hay bất kỳ bên nào khác. Tổng thống Mỹ từng hứa rằng sẽ không để con kênh rơi vào “tay kẻ xấu”.
Bên cạnh đó, ông Trump cho rằng Panama "chặt chém" tàu bè Mỹ đi qua con kênh với mức phí quá cao và tuyên bố sẽ đòi lại con kênh nếu phía Panama không giảm phí.
CK HUTCHISON HIỆN DIỆN Ở KÊNH ĐÀO PANAMA NHƯ THẾ NÀO?
Dù Panama giành được quyền kiểm soát hoàn toàn đối với kênh đào Panama từ Mỹ vào ngày 31/12/1999, trước cuộc chuyển giao, chính phủ nước này đã mở một cuộc đấu thầu quốc tế để tư nhân hóa hoạt động của con kênh.
Khi đó, Hutchison Whampoa - hiện nay là CK Hutchison Holdings, một công ty hàng đầu trong đế chế kinh doanh của gia đình tỷ phú Hồng Kông Li Ka-shing - đã thắng thầu và giành được hợp đồng vận hành các cảng ở 2 đầu con kênh. Hợp đồng kéo dài 25 năm, bắt đầu tư năm 1977.
Hai cảng - Cristobal ở phía Caribbean, dẫn ra Đại Tây Dương và Balboa ở Thái Bình Dương - được điều hành bởi Panama Ports Company thuộc Hutchison Port Holdings, công ty con của CK Hutchison. Vào tháng 6/2021, phía Panama tự động gia hạn hợp đồng này thêm 25 năm nữa.
Trên thực tế, vào những năm 1990, một số nghị sĩ Quốc hội Mỹ cũng đã đặt câu hỏi về việc các cảng ở hai đầu kênh đào Panama rơi vào tay một công ty Trung Quốc thay vì một nhà thầu Mỹ hoặc một công ty liên doanh Mỹ-Nhật khi đó đang cố gắng giành được gói thầu.
Trong một tài liệu công bố vào ngày 8/12/1999, chưa đầy một tháng trước khi kênh đào được chuyển giao cho Panama, Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng đề cập tới việc “Trung Quốc đang thâu tóm kênh đào Panama. Cơ quan này nhấn mạnh rằng “Hutchison dù không sở hữu nhưng có quyền vận hành các cảng thay cho chính phủ Panama".
Tuy vậy, tài liệu nói rằng một số cơ quan chính phủ đã nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề này nhưng “không phát hiện bằng chứng để kết luận rằng Trung Quốc có khả năng kiểm soát hoạt động của kênh đào”.
LẬP TRƯỜNG CỦA CHÍNH PHỦ PANAMA VÀ MỐI QUAN HỆ VỚI TRUNG QUỐC
“Không có gì để bàn cãi về chủ quyền của Panama”, Tổng thống Mulino nói với truyền thông sau khi tiếp ông Rubio tại Thành phố Pamana ngày 2/2.
Ông Mulino cho biết đã nhấn mạnh với Bộ trưởng ngoại giao Mỹ rằng ông sẽ bảo vệ quyền lợi của đất nước như “bất kỳ người Panama nào ở cương vị của tôi sẽ làm”.
Quan hệ ngoại giao của Panama với Trung Quốc chứng kiến sự thay đổi lớn vào năm 2017 sau khi nước này bày tỏ lập trường về vấn đề Đài Loan. Việc đứng về phía Bắc Kinh đã mở ra cánh cửa kinh tế mới cho quốc gia Trung Mỹ này. Vào tháng 12/2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm chính thức Panama và có cuộc gặp với Tổng thống Juan Carlos Varela khi đó.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thứ hai từ trái sang, thăm Kênh đào Panama cùng người đồng cấp Juan Carlos Varela và phu nhân vào tháng 12/2018 - Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo ngày 2/2, ông cho Mulino cho biết Panama sẽ không gia hạn các dự án trong sáng kiến Vành đai và Trung Quốc khi hết hạn.
Ngay sau khi ông Trump nhậm chức, các nhà chức trách Panama đã tiến hành kiểm toán công ty Panama Ports Company.
Theo các nhà phân tích, dù nhấn mạnh vấn đề chủ quyền đối với kênh đào Panama là không có gì để bàn cãi, nhưng nhà chức trách nước này có thể sẽ vẫn tìm cách để xoa dịu ông Trump.
MỸ CÓ THỂ GIÀNH QUYỀN KIỂM SOÁT KÊNH ĐÀO PANAMA NHƯ THẾ NÀO?
Dù ông Rubio khẳng định "Mỹ sẽ có hành động cần thiết để bảo vệ quyền lợi của mình theo hiệp ước với Panama”, nhưng hiện chưa rõ Washington thực sự có thể làm gì.
Hiệp ước mà ông Rubio đề cập là Hiệp ước về sự trung lập vĩnh viễn và hoạt động của Kênh đào Panama, được hai chính phủ ký vào tháng 9/1977.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce nhấn mạnh lập trường của Washington là “sự ảnh hưởng và kiểm soát của Trung Quốc đối với kênh đào Panama là một mối đe dọa với con kênh này và vi phạm hiệp ước”.
Trước đây, vào năm 1989, Mỹ có hành động quân sự để buộc Panama thực thi chính sách của Washinton. Tổng thống Mỹ George Bush khi đó đã đưa quân đội đến Panama để bắt giữ Manuel Noriega - nhà độc tài quân sự Panama bị Mỹ truy tố về tội tống tiền, buôn lậu ma túy và rửa tiền. Sau đó, ông Noriega bị đưa đến Florida để xét xử và kết thúc bằng án tù 17 năm.
Sự việc này có thể phủ bóng đen lên mọi cuộc thảo luận giữa Mỹ và Panama về con kênh. Tuy nhiên, tại họp báo ngày 2/2, Tổng thống Mulino nó rằng cuộc gặp của ông với Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ diễn ra trong bầu không khí “tôn trọng” và tích cực", và rằng ông không “cảm thấy mối đe dọa nào với hiệp ước và tính hợp lệ của nó”.
TRUNG QUỐC NÓI GÌ?
Tháng 12 năm ngoái, bà Mao Ninh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bác bỏ cáo buộc của ông Trump về sự ảnh hưởng của Bắc Kinh với kênh đào Panama. Bà cho biết tuyến đường thủy này “không do bất kỳ cường quốc nào kiểm soát theo cách gián tiếp hay trực tiếp”, đồng thời khẳng định Bắc Kinh tôn trọng chủ quyền của Panama và xem con kênh là “một tuyến đường thủy quốc tế trung lập vĩnh viễn”.
"Trung Quốc không tham gia vào công tác quản lý và vận hành kênh đào Panama, và cũng chưa bao giờ can thiệp vào các vấn đề liên quan đến con kênh này", bà Mao phát biểu trong một cuộc họp báo vào tháng trước khi được hỏi về tuyên bố giành lại con kênh của ông Trump.
Tuy nhiên, Trung Quốc - nước sử dụng kênh đào Panama nhiều thứ hai sau Mỹ - đang ngày càng hiện diện nhiều tại Panama.
Theo Viện Doanh nghiệp Mỹ, từ năm 2005 đến 2020, Trung Quốc đã đầu tư ít nhất 2,25 tỷ USD vào quốc gia Trung Mỹ này, chủ yếu vào các dự án cơ sở hạ tầng. Bắt đầu hoạt động tại Panama vào năm 2008, công ty viễn thông Trung Quốc Huawei Technologies đang tiếp tục đầu tư mạnh vào quốc gia này.
Các công ty Trung Quốc đã đăng ký đầu tư, xây dựng và vận hành tuyến đường sắt dài 450 km từ Thành phố Panama đến David, một thị trấn giáp ranh với Costa Rica. Năm ngoái, một nhóm doanh nghiệp Trung Quốc đã hoàn tất xây dựng một nhà ga du thuyền tại Panama.
Sự hiện diện của Trung Quốc ở Panama ngày càng nhận được sự quan tâm từ phương Tây. Năm 2018, Mỹ phản đối kế hoạch xây dựng đại sứ quán Trung Quốc ngay cửa kênh đào Panama. Tuần trước, Thượng nghị sĩ Mỹ Ted Cruz cảnh báo rằng cây cầu 1,3 tỷ USD bắc qua kênh đào Panama mà Trung Quốc đang xây dựng sẽ cho phép Bắc Kinh kiểm soát các cảng container ở cả hai đầu con kênh và đây là mối đe dọa với an ninh quốc gia Mỹ.
Ngọc Trang
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/yeu-to-trung-quoc-trong-van-bai-panama-cua-ong-trump.htm