Viêm mô tế bào hoại tử, nhiễm khuẩn huyết... vì zona thần kinh
Ngày 15/7, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết vừa tiếp nhận và điều trị bệnh nhân N.T.Q (nữ, 78 tuổi, trú tại Bắc Ninh) trong tình trạng viêm mô bào nặng vùng mặt, trán và đỉnh đầu do vi khuẩn tụ cầu vàng. Các vùng tổn thương sưng nề, đỏ, chảy mủ, kèm theo nhiễm khuẩn huyết.
Bệnh nhân có tiền sử hen phế quản, thường xuyên tự ý sử dụng corticoid kéo dài mà không theo chỉ định y tế. Ngoài ra, bà từng bị tai biến liệt nửa người trái cách đây hai năm và đang điều trị tăng huyết áp, tuy nhiên không rõ loại thuốc đang dùng.
Hoại tử da đầu nặng do zona thần kinh biến chứng - Ảnh BVCC
Theo người nhà, khoảng 20 ngày trước khi nhập viện, bà Q xuất hiện các phỏng nước thành chùm trên nền da đỏ rát ở vùng mặt và đỉnh đầu. Bà được điều trị tại bệnh viện tuyến dưới trong 7 ngày nhưng tình trạng không cải thiện, tổn thương lan rộng, sưng nề nặng và chảy mủ nên được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
BSCKII Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp cho biết: “Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng sau khi bị zona thần kinh do không được phát hiện và điều trị kịp thời, dẫn đến viêm mô bào lan rộng vùng mặt và da đầu. Hình ảnh chụp CT sọ não có nghi ngờ viêm xương”.
Sau 7 ngày điều trị tích cực, tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát. Tuy nhiên, vùng da đầu bị hoại tử diện rộng, buộc phải phẫu thuật cắt lọc mô hoại tử và đặt hệ thống hút áp lực âm (VAC) để làm sạch tổn thương.
Ca phẫu thuật cho bệnh nhân - Ảnh BVCC
ThS.BS Nguyễn Ngọc Linh, chuyên khoa Tạo hình thẩm mỹ cho biết, zona thần kinh vùng da đầu nang tóc là thể bệnh khá hiếm gặp. Trong trường hợp này, bệnh nhân cao tuổi, suy giảm miễn dịch do dùng corticoid kéo dài khiến tổn thương lan rộng và nghiêm trọng.
Vi khuẩn tụ cầu vàng đã xâm nhập sâu vào lớp mô dưới da, gây hoại tử toàn bộ cân Galea (là một lớp gân nằm dưới da đầu, giữa lớp mô liên kết dưới da và lớp màng xương sọ) và lớp mỡ vùng đầu. Vùng da đầu bị tổn khuyết có kích thước khoảng 7x10cm, trong khi vùng cân mỡ hoại tử lan rộng gần một nửa chu vi đầu, kèm theo nhiều mủ và giả mạc.
Đây là một ca nhiễm khuẩn tụ cầu vàng vùng đầu rất phức tạp, với mức độ hoại tử lớn và nguy cơ viêm lan vào xương sọ, thậm chí lan tới nhu mô não, nếu không được xử lý kịp thời.
Chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện - Ảnh BVCC
Bệnh nhân sau đó được tiến hành phẫu thuật cắt lọc toàn bộ mô hoại tử, đồng thời đặt hệ thống hút áp lực âm VAC – thiết giúp loại bỏ dịch bẩn, mô hoại tử, vi khuẩn, giúp làm sạch ổ viêm và kích thích hình thành mô hạt mới. Sau 1-2 tuần điều trị bằng hệ thống này, khi ổ viêm được kiểm soát, các bác sĩ mới tiến hành tạo hình phần da đầu bị khuyết để phục hồi tổn thương.
Tiêm vắc xin, phát hiện sớm tránh biến chứng đe dọa tính mạng
Theo ThS.BS Linh, nguyên nhân chính khiến bệnh nhân hoại tử nặng là do điều trị zona quá muộn, cộng với tình trạng suy giảm miễn dịch do sử dụng corticoid kéo dài. Đây là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập, gây biến chứng nguy hiểm.
May mắn, sau quá trình điều trị tích cực, tình trạng nhiễm trùng đã được khống chế, các tổn thương trên da đầu đang hồi phục tốt.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân - Ảnh BVCC
BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền, Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo: “Người từ 50 tuổi trở lên, đặc biệt những người có bệnh nền hoặc hệ miễn dịch suy yếu, nên chủ động tiêm vắc xin phòng zona.
Loại vắc xin này không chỉ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh mà còn làm nhẹ mức độ triệu chứng nếu không may nhiễm phải. Đây là một biện pháp chủ động, hiệu quả giúp người lớn tuổi bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Bác sĩ Huyền cũng nhấn mạnh, khi xuất hiện các dấu hiệu ban đầu như đau rát, nổi mẩn đỏ hoặc mụn nước trên da, người bệnh cần đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ biến chứng nặng nề như hoại tử, nhiễm khuẩn huyết hoặc tổn thương thần kinh kéo dài.
Thúy Nga