Zuckerberg sẽ phải có mặt tại tòa án với vai trò cung cấp lời khai, tức là một nhân chứng quan trọng trong vụ án mà chính ông đang bị cáo buộc - Ảnh minh họa
Theo Reuters, Zuckerberg bị cáo buộc đã điều hành Facebook như một tổ chức bất hợp pháp, cho phép thu thập dữ liệu người dùng mà không có sự đồng ý. Các cổ đông của Meta Platforms – công ty mẹ của Facebook, Instagram và WhatsApp – đã kiện Zuckerberg cùng một số lãnh đạo hiện tại và cựu lãnh đạo công ty, với cáo buộc họ liên tục vi phạm thỏa thuận năm 2012 với Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) về việc bảo vệ dữ liệu người dùng.
Bê bối Cambridge Analytica và hậu quả 8 tỉ USD
Vụ kiện bắt nguồn từ năm 2018, sau khi xuất hiện thông tin dữ liệu của hàng triệu người dùng Facebook đã bị công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica – nay đã giải thể – truy cập. Công ty này từng làm việc cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của Donald Trump.
Các cổ đông muốn Zuckerberg và các bị đơn bồi hoàn hơn 8 tỉ USD mà Meta đã phải chi trả sau khi vụ bê bối Cambridge Analytica bị phanh phui, gồm cả khoản tiền phạt kỷ lục 5 tỉ USD từ FTC năm 2019 vì vi phạm thỏa thuận năm 2012.
Danh sách bị đơn ngoài Zuckerberg, còn có: Cựu Giám đốc vận hành Sheryl Sandberg; nhà đầu tư mạo hiểm kiêm thành viên hội đồng quản trị Marc Andreessen; các cựu thành viên hội đồng quản trị Peter Thiel (đồng sáng lập Palantir Technologies) và Reed Hastings (đồng sáng lập Netflix)
Zuckerberg và các bị đơn đã từ chối bình luận. Trong các tài liệu đệ trình lên tòa, họ gọi các cáo buộc là những “lời tố cực đoan”. Meta – không phải là bị đơn trong vụ này – cũng từ chối đưa ra bình luận.
Phiên tòa không có bồi thẩm đoàn sẽ diễn ra trong 8 ngày tại Wilmington, bang Delaware, tập trung vào các sự kiện và cuộc họp hội đồng từ hơn chục năm trước để xác định cách lãnh đạo Facebook thực hiện thỏa thuận năm 2012 như thế nào.
Vẫn nóng trong bối cảnh hiện tại: quyền riêng tư và AI
Dù phiên tòa xoay quanh các chính sách cũ, nó diễn ra trong bối cảnh những lo ngại về quyền riêng tư vẫn tiếp tục bủa vây Meta – hiện đang bị giám sát chặt chẽ vì cách công ty huấn luyện các mô hình AI. Meta cho biết họ đã đầu tư hàng tỉ USD kể từ năm 2019 để củng cố các chương trình bảo vệ quyền riêng tư người dùng.
Ông Jason Kint, người đứng đầu tổ chức Digital Content Next, cho biết phiên tòa sẽ làm rõ hội đồng quản trị biết gì và biết khi nào, đặc biệt liên quan đến dữ liệu của hơn 3 tỉ người dùng mỗi ngày trên các nền tảng của Meta.
Ông đặt câu hỏi: “Chúng ta gần như không thể tránh được việc sử dụng Facebook và Instagram trong đời sống. Vậy liệu chúng ta có thể tin tưởng Mark Zuckerberg không?”
Thách thức pháp lý chưa từng có tiền lệ
Hai năm trước, các bị đơn đã cố gắng yêu cầu bác bỏ vụ kiện, nhưng thẩm phán từ chối. Thẩm phán Travis Laster lúc đó nhận định: “Đây là một vụ án liên quan đến hành vi sai trái ở quy mô thực sự khổng lồ”.
Phiên tòa lần này do Thẩm phán Kathaleen McCormick của Tòa án Chancery giám sát. Nguyên đơn gồm các nhà đầu tư cá nhân và các quỹ hưu trí công đoàn (trong đó có Quỹ Hưu trí giáo viên Bang California). Họ phải chứng minh các thành viên hội đồng quản trị đã hoàn toàn thất bại trong việc thực hiện nghĩa vụ giám sát. Các chuyên gia pháp lý cho rằng đây có thể là phiên tòa đầu tiên xét xử theo cáo buộc thuộc loại này.
Nguyên đơn cáo buộc Zuckerberg và Sandberg đã cố tình khiến công ty vi phạm pháp luật. Luật tại bang Delaware bảo vệ các lãnh đạo công ty trước những quyết định kinh doanh sai lầm, nhưng không bảo vệ họ nếu những hành động đó vi phạm pháp luật, dù có sinh lời.
Hai bên đưa ra lập luận trái chiều
Các bị đơn cho rằng nguyên đơn không thể đưa ra bằng chứng xác đáng. Trong khi đó, cổ đông cho biết họ có thể chứng minh rằng sau thỏa thuận năm 2012, Facebook vẫn tiếp tục các hành vi lừa dối liên quan đến quyền riêng tư, theo chỉ đạo từ Zuckerberg.
Phía bị đơn phản bác rằng công ty đã thành lập một đội ngũ giám sát quyền riêng tư, thuê công ty tuân thủ độc lập bên ngoài, và Facebook thực chất là nạn nhân của sự lừa dối có chủ đích từ phía Cambridge Analytica.
Ngoài các cáo buộc trung tâm về quyền riêng tư, nguyên đơn còn tố rằng Zuckerberg đã bán cổ phiếu cá nhân, thu lời ít nhất 1 tỉ USD, sau khi biết trước về bê bối Cambridge Analytica sắp bị phanh phui và giá cổ phiếu có thể sụt giảm.
Bị đơn bác bỏ, nói rằng Zuckerberg sử dụng kế hoạch giao dịch cổ phiếu hợp pháp (stock-trading plan) có khả năng bảo vệ ông trước cáo buộc giao dịch nội gián. Phía bị đơn còn lập luận rằng động cơ của ông là nhằm phục vụ cho các hoạt động từ thiện.
Bùi Tú