07 'ông lớn' chuyển đổi số tốt nhất năm 2024

07 'ông lớn' chuyển đổi số tốt nhất năm 2024
6 giờ trướcBài gốc
Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp nhà nước nâng cao hiệu quả hoạt động. Ảnh minh họa
Những “gã khổng lồ” tiên phong
Theo chia sẻ của ông Lê Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐTV Petrovietnam, chuyển đổi số đã giúp Petrovietnam nâng cao hiệu quả hoạt động nhờ vào việc áp dụng các công nghệ hiện đại như internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (Big Data). Các công nghệ này cho phép theo dõi, đánh giá và tối ưu hóa các quy trình khai thác dầu khí.
Việc áp dụng AI vào hoạt động khai thác đã giúp giảm từ 10 - 15% chi phí vận hành ở một số dự án trọng điểm như Bạch Hổ và Rồng, chứng tỏ hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý và khai thác tài nguyên.
Petrovietnam
Bên cạnh đó, Hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) được triển khai tại Petrovietnam đã cải thiện đáng kể năng lực quản lý tài chính, tài sản và chuỗi cung ứng; các quy trình nội bộ trở nên minh bạch hơn, tăng cường khả năng dự báo và ra quyết định chiến lược. Qua ứng dụng ERP đã giúp Petrovietnam giảm thiểu tình trạng thất thoát tài nguyên và tăng năng suất vận hành các nhà máy lọc dầu và chế biến hóa dầu.
Hơn nữa, Petrovietnam còn ứng dụng công nghệ tích hợp dữ liệu để phân tích và dự đoán xu hướng thị trường. Vì vậy, Tập đoàn có thể đưa ra các quyết định linh hoạt và kịp thời nhằm giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận, nhất là trong bối cảnh giá dầu thế giới biến động không ngừng.
Hệ thống quản trị hiện đại đã được ứng dụng tại Petrovietnam
Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An chia sẻ, từ năm 2021, EVN đã sớm triển khai chuyển đổi số toàn diện trong các lĩnh vực, nhằm thiết thực nâng cao hiệu quả hoạt động của Tập đoàn, đem lại lợi ích thiết thực cho khách hàng, thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia. 5 lĩnh vực trọng tâm được EVN thực hiện chuyển đổi số gồm quản trị nội bộ, đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, viễn thông và công nghệ thông tin.
Đến nay, EVN đã xây dựng được hệ sinh thái lớn mạnh với đầy đủ các phần mềm phục vụ công tác quản lý và mọi lĩnh vực hoạt động của EVN.
EVN cũng là đơn vị đầu tiên trên toàn quốc thiết lập trục liên thông văn bản thống nhất trong toàn Tập đoàn (Hệ thống Digital Office) - đánh dấu sự chuyển dịch từ mô hình quản trị truyền thống lên mô hình quản trị trực tuyến, làm tiền đề cho tiến trình chuyển đổi số doanh nghiệp.
Hệ thống Digital Office đã cho phép cán bộ, nhân viên EVN trình ký, phát hành 100% văn bản đi và tiếp nhận văn bản đến, lập hồ sơ điện tử và lưu trữ hoàn toàn trên môi trường mạng.
Đáng chú ý, trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, từ năm 2021 đến nay, 100% các gói thầu đã được Tập đoàn thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh và đấu thầu rộng rãi được tổ chức đấu thầu qua mạng. Tập đoàn cũng đã đưa vào triển khai phần mềm quản lý dự án đầu tư xây dựng (IMIS 2.0) với tổng số 23 phân hệ chính phục vụ toàn bộ công tác quản lý đầu tư xây dựng trong toàn Tập đoàn.
EVN đã xây dựng được một hệ sinh thái số mạnh mẽ
Một đơn vị thành viên của EVN là Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đã ước tính, nhờ ứng dụng công nghệ này đã giảm 22,4% nhân công khi quản lý vận hành đường dây 500kV và 17,9% đối với đường dây 220kV.
Cũng theo ông Đặng Hoàng An, EVN đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp. Sự kết hợp giữa UAV, camera thông minh và phần mềm với các thuật toán AI đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc giám sát tình trạng đường dây truyền tải và trạm biến áp; giúp công tác kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa trở nên dễ dàng, chính xác và tiết kiệm thời gian, đặc biệt là tại khu vực có địa hình phức tạp.
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, đối với công cuộc phát triển kinh tế số, EVN đã tiên phong cung cấp 100% dịch vụ điện trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Theo đó, tỷ lệ tiền điện thanh toán không dùng tiền mặt đã đạt hơn 99,5% - đi đầu trong các doanh nghiệp nhà nước. EVN đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm cung cấp tiện ích, hỗ trợ khách hàng thực hiện thanh toán trực tuyến, thanh toán qua các đơn vị trung gian...
Kỳ vọng lớn vào các doanh nghiệp nhà nước
Chủ tịch UBQLV Nguyễn Hoàng Anh nêu rõ, danh sách 07 doanh nghiệp trên được phê duyệt theo đề nghị của Giám đốc Trung tâm thông tin và Chủ tịch Hội đồng thẩm định kết quả chuyển đổi số doanh nghiệp năm 2024. Trước đó, Hội đồng thẩm định đã có báo cáo tổng kết quá trình thẩm định đánh giá chuyển đổi số của các doanh nghiệp thuộc UBQLV (ngày 12/01/2025).
07 doanh nghiệp được lựa chọn đều thực hiện tốt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Với kết quả trên, Chủ tịch UBQLV yêu cầu Chủ tịch của 07 Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện tuyên dương, khen thưởng các cá nhân, tổ chức đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh giá kết quả chuyển đổi số tại doanh nghiệp trong năm 2024.
Việc đánh giá các doanh nghiệp cũng căn cứ theo Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số các doanh nghiệp thuộc Ủy ban và kết quả thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số UBQLV do Chủ tịch UBQLV Nguyễn Hoàng Anh - Trưởng ban Chỉ đạo chuyển đổi số UBQLV đã ký ban hành.
Nhận thấy rõ vai trò của các Tập đoàn, Tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong công cuộc chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, trong Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 22/2/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tiếp tục phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của DNNN trong nền kinh tế, bảo đảm DNNN là lực lượng tiên phong dẫn đầu trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phục hồi nền kinh tế.
Hiện nay, các DNNN vẫn đang thúc đẩy thực hiện Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025”, vì vậy, việc thúc đẩy chuyển đổi số trong các DNNN càng trở nên quan trọng, bởi điểm nhấn của Đề án tái cơ cấu giai đoạn này là tập trung đổi mới quản trị doanh nghiệp, chuyển đổi số...
Đại diện của Bộ Tài chính nhấn mạnh, chuyển đổi số không còn là lựa chọn của doanh nghiệp mà là bắt buộc, DNNN phải áp dụng và phải đi trước về công nghệ thông tin và chuyển đổi số, dẫn dắt các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của DNNN trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, chủ động đáp ứng các điều kiện hội nhập, cũng như sự thay đổi nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0./.
ĐỨC HUY
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/07-ong-lon-chuyen-doi-so-tot-nhat-nam-2024-38396.html