Cơ quan Hải quan và doanh nghiệp ký kết thỏa thuận hợp tác. (Ảnh: Châu Long)
Có sự phân tán trong giao tiếp với doanh nghiệp
Hiện nay, nhiều đầu mối tham gia vào các hoạt động liên quan đến doanh nghiệp (DN) cả ở cấp Tổng cục và Cục, Chi cục. Tại Tổng cục Hải quan, có các bộ phận như: Bộ phận hành chính một cửa thuộc Văn phòng Tổng cục, bộ phận Helpdesk thuộc Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan, bộ phận tiếp dân thuộc Thanh tra Tổng cục, chuyên mục tư vấn pháp luật hải quan trên Báo Hải quan. Ngoài ra, các đơn vị nghiệp vụ cũng thường xuyên có liên hệ, trao đổi trực tiếp với DN trong quá trình giải quyết công việc. Do vậy, việc kết nối, trao đổi thông tin, phối hợp trong công tác đôi khi còn chưa nhịp nhàng. Tại các Cục Hải quan tỉnh, TP có nhiều đầu mối hỗ trợ DN như Tổ tư vấn hải quan DN, Tổ giải đáp trực tuyến, Tổ tư vấn giải đáp vướng mắc. Điều này dẫn đến sự phân tán, thiếu tập trung trong tổ chức triển khai và giao tiếp với cộng đồng DN.
Bên cạnh đó, đội ngũ công chức làm công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan - DN chủ yếu là kiêm nhiệm tại đơn vị nên ảnh hưởng ít nhiều đến hiệu quả công tác này.
Về tổ chức triển khai, hình thức thông tin, giải đáp vướng mắc qua các mạng xã hội như zalo, facebook, viber… mang lại nhiều lợi ích cho DN và cơ quan Hải quan, tuy nhiên việc sử dụng công cụ này chưa bảo đảm tính pháp lý, an toàn thông tin. Tổng cục chưa có quy định rõ ràng về những trường hợp văn bản nào được chia sẻ, cung cấp thông tin ra bên ngoài cho cộng đồng DN. Thông tin cung cấp trên trang điện tử cấp Cục còn hạn chế; chưa có thông tin về các chuyên đề về đối tác Hải quan - DN; chưa đa dạng các hình thức thông tin. Nội dung thông tin còn chung chung, nhiều nơi chưa phân loại các văn bản thông tin cho phù hợp với từng loại hình DN, kinh doanh xuất nhập khẩu.
Trong hỗ trợ DN, nhiều nơi còn làm theo các phương thức truyền thống. Hoạt động đối thoại giữa cơ quan Hải quan với DN bộc lộ nhiều hạn chế về cách làm, nói chung còn mang tính chất giao lưu nên hiệu quả chưa cao. Chưa thực hiện phối kết hợp các hình thức trực tiếp, gián tiếp hoặc phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục để giải đáp, quán triệt các nội dung vướng mắc của DN. Các kênh hỗ trợ chưa được áp dụng đan xen nhau như hội thảo, hội nghị, tọa đàm, đối thoại, tập huấn, đào tạo.
Hoạt động tham vấn chưa được tổ chức thành cơ chế thường xuyên. Công tác chuẩn bị tham vấn chưa kỹ lưỡng từng nội dung, đối tượng tham gia, giải pháp cũng như chưa quan tâm đến việc thông tin kết quả tham vấn nên chưa thu hút và tạo động lực để DN tham gia đóng góp trí tuệ, sáng kiến, giải pháp cho cơ quan Hải quan. Thời gian tổ chức lấy ý kiến tham gia về chính sách quản lý, thể chế pháp luật thường gấp nên DN chưa tham gia được nhiều ý kiến.
Trong hợp tác với Hiệp hội/DN, cả Tổng cục và địa phương đều tham gia ký văn bản thỏa thuận hợp tác với cùng một hiệp hội DN dẫn đến trùng lắp, thiếu nhất quán. Hoạt động hợp tác với các hiệp hội DN phân tán ở nhiều đầu mối, đơn vị; việc theo dõi, báo cáo chưa được quan tâm đầy đủ nên việc tổng kết, đánh giá thỏa thuận hợp tác còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số hiệp hội chưa phát huy được hết vai trò cầu nối giữa cơ quan Hải quan và DN thành viên thuộc hiệp hội DN.
Các tiêu chuẩn lựa chọn, thanh loại DN tham gia chương trình đối tác Hải quan - DN chưa có thang đo hoặc bảng tính điểm cụ thể. Chưa có phần mềm trao đổi thông tin quan hệ đối tác, qua đó có thể kết xuất, thống kê được trong tháng, quý có bao nhiêu DN đặt câu hỏi, bao nhiêu ý kiến xây dựng chính sách, nội dung nào đã được tiếp thu, giải đáp…
Về giám sát thực thi pháp luật, các đơn vị chưa triển khai đồng đều; chưa phổ biến đầy đủ các mục tiêu của các cuộc giám sát; nhiều DN còn chưa nhận thức đầy đủ về việc giám sát thực thi cơ quan Hải quan. Có một số đơn vị đã ứng dụng công nghệ thông tin đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của công chức và cơ quan Hải quan nhưng còn ít.
Phải thực sự coi doanh nghiệp là “đối tác”
Từ những tồn tại, hạn chế trên, ngành Hải quan đã rút ra một số bài học kinh nghiệm. Cụ thể, phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp trong ngành Hải quan đối với công tác phát triển quan hệ đối tác. Chú trọng nâng cao hơn nữa nhận thức cho cho đội ngũ công chức Hải quan về ý nghĩa, tầm quan trọng, tính tất yếu của công tác phát triển quan hệ đối tác; phải thực sự coi DN từ “đối tượng quản lý” sang mối quan hệ là “đối tác”; tích cực lắng nghe, hỗ trợ, chia sẻ, hợp tác và đồng hành cùng DN.
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện có hiệu quả việc xây dựng và quản trị Kế hoạch phát triển quan hệ đối tác Hải quan - DN và các bên liên quan hàng năm trong toàn ngành Hải quan. Tổ chức thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp phát triển quan hệ đối tác gồm thông tin, tham vấn, hỗ trợ, hợp tác và giám sát thực thi pháp luật; chú trọng giải quyết dứt điểm, kịp thời và có hiệu quả mọi khó khăn, vướng mắc cho người dân và cộng đồng DN trong quá trình làm thủ tục hải quan. Cơ quan Hải quan các cấp cũng cần hợp tác thường xuyên với các hiệp hội và DN; bố trí đủ nguồn nhân lực để thực hiện công tác phát triển quan hệ đối tác tại từng đơn vị.
T.Công