Tận dụng sự ủng hộ của Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát, ông Trump đã đảo ngược hàng loạt chính sách cả đối nội và đối ngoại truyền thống của nước Mỹ, đặt dấu ấn của cá nhân ở khắp các lĩnh vực. Thay vì đưa nước Mỹ hướng đến sự ổn định thì các cải cách của ông Trump lại đẩy nước Mỹ vào giai đoạn hỗn loạn và bất định.
Tương lai của nước Mỹ chưa rõ ràng, tuy nhiên, thành công hay thất bại của mỗi chính sách mà Tổng thống Trump đang thúc đẩy có thể phần nào còn phụ thuộc vào góc nhìn của từng người dân Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.
Củng cố quyền lực bằng sắc lệnh, tấn công trực diện thay vì hóa giải mâu thuẫn
Khác với phong cách chính trị truyền thống, tìm kiếm thỏa hiệp giữa hai đảng và dung hòa mâu thuẫn xã hội, 100 ngày đầu nắm quyền của Tổng thống Trump đã thể hiện cách tiếp cận khác biệt, khai thác tối đa tâm lý chia rẽ để củng cố quyền lực.
Tổng thống Trump liên tục sử dụng mạng xã hội, các sự kiện đối ngoại, đối nội để chỉ trích đảng Dân chủ, đổ lỗi cho người tiền nhiệm Tổng thống Biden, loại bỏ các quan chức nội các có quan điểm ôn hòa hoặc bất đồng thay thế bằng những gương mặt trung thành hơn.
Thường hay trích dẫn hành động của Tổng thống Franklin D. Roosevelt như một hình mẫu khi nói đến tác động và vai trò trong lịch sử nước Mỹ với các hành động “long trời lở đất” trong những ngày đầu nắm quyền nhưng cách thực hiên của ông Trump lại rất khác. Tổng thống Roosevelt với sự ủng hộ của Quốc hội đã thông qua hàng chục đạo luật để mở rộng sự hiện diện của chính phủ liên bang trong cuộc sống của người dân Mỹ.
Tuy nhiên, với hơn 130 sắc lệnh hành pháp không cần sự ủng hộ của Quốc hội, ông Trump lại làm ngược lại, phá bỏ vai trò của chính phủ liên bang. Thực hiện cách tiếp cận này, ông Trump đã biến quyền kiểm soát Bộ Tư pháp Mỹ thành vũ khí, ra lệnh điều tra những kẻ thù chính trị, tìm cách cắt giảm hàng trăm nghìn nhân viên liên bang, đối đầu với các tổ chức xã hội trên toàn nước Mỹ, từ trường đại học, viện nghiên cứu, báo chí, truyền thông cho đến các công ty luật, viện bảo tàng và đến cả Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Kennedy.
Đối đầu với thế giới bằng thuế quan và tham vọng mở rộng lãnh thổ
Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và một số đối tác lớn được phát động trong nhiệm kỳ đầu đã được Tổng thống Trump đẩy lên cao trào ngay trong 100 ngày nắm quyền đầu tiên, với đỉnh điểm mang tên “Ngày Giải phóng” 02/04/2025.
Theo đó, Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ và thuế đối ứng ở các mức khác nhau với hơn 180 nước và vùng lãnh thổ, mặc dù sau đó đã hoãn thực hiện trong vòng 90 ngày, trừ Trung Quốc, tiếp tục tăng thuế đối ứng lên mức 145%, chưa tính các mức thuế áp đặt dưới thời Chính quyền Tổng thống Biden.
Một tuần sau đó, kinh tế Mỹ chứng kiến hàng loạt chỉ dấu báo động khi thị trường chứng khoán Mỹ đỏ lửa, thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ, tài sản vốn được xem là nơi trú ẩn an toàn cũng bị bán tháo. Mặc dù ông Trump tiếp tục nhấn mạnh thuế quan là cần thiết nhưng đã có một số điều chỉnh như miễn trừ hoặc tạm thời ngừng áp thuế đối với một số ngành và sản phẩm nhất định nhằm tránh các tác động tiêu cực.
Về chính sách đối ngoại, ông Trump còn đi xa hơn khi đe dọa đối đầu vũ trang và chiến tranh kinh tế với Đan Mạch, một quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), để chiếm lấy Greenland, muốn lấy lại kênh đào Panama hoặc di dời toàn bộ người dân Palestine tại Gaza, tiếp quản và sẽ biến nơi này thành một điểm đến nghỉ dưỡng ven biển “Riviera của Trung Đông”. Điểm khác biệt lớn trong chính sách đối ngoại của ông Trump so với nhiệm kỳ đầu tiên cũng đã làm dấy lên câu hỏi, liệu có phải chủ nghĩa bành trướng mới của Mỹ đã quay lại hay chỉ là con bài để mặc cả lợi ích.
Bế tắc nỗ lực chấm dứt xung đột tại châu Âu và Trung Đông
Trong chiến dịch tranh cử và những ngày đầu tiên nắm quyền, Tổng thống Trump đã đưa ra hàng loạt tuyên bố chấm dứt các cuộc xung đột tại châu Âu và Trung Đông nhưng khi cán mốc 100 ngày nắm quyền, kết quả vẫn là con số không. Đối với xung đột Nga-Ukraine, hồi tháng 5 năm 2023, ông Trump từng tuyên bố “Tôi sẽ chấm dứt xung đột Nga-Ukraine trong vòng 24 giờ”.
Sau khi trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Trump ngay lập tức thực hiện tuyên bố của mình với cách tiếp cận phi truyền thống và đảo ngược chính sách của Chính quyền Biden, nối lại can dự với Nga, gây sức ép lên Ukraine và châu Âu. Tuy nhiên sau nhiều nỗ lực thì cho đến nay tương lai ngừng bắn và thỏa thuận hòa bình theo như cam kết của ông Trump vẫn chưa thấy “tia sáng cuối đường hầm”.
Tại Trung Đông, các chiến dịch quân sự của Israel nhằm tiêu diệt lực lượng Hamas và sự sụp đổ của Chính phủ Tổng thống Assad tại Syria đã làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực. Trong khi các cam kết của ông Trump về một nền hòa bình lâu dài cho Trung Đông chưa được thực hiện khi thỏa thuận ngừng bắn Israel-Hamas đổ vỡ, vẫn còn con tin trong vụ tấn công khủng bố cuối năm 2023 chưa được trả tự do… thì nguy cơ về xung đột Mỹ-Israel với Iran đang có xu hướng gia tăng.
Mặc dù hai nước đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp hướng tới thiết lập nền tảng đàm phán cho các cuộc thảo luận trong tương lai nhưng giới chuyên gia và lãnh đạo nhiều nước đã cảnh báo, nếu thương lượng thất bại thì khó có thể tránh khỏi chiến tranh.
Cơ quan hiệu quả chính phủ và xu hướng cải cách hệ thống nhân sự liên bang
DOGE, cơ quan được thành lập trong ngày đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, do tỷ phú công nghệ Elon Musk đứng đầu với nhiệm vụ cải cách bộ máy hành chính liên bang, cắt giảm chi tiêu lãng phí và nâng cao hiệu quả hoạt động của chính phủ. Với nhóm nhân viên là các kỹ sư phần mềm “giỏi nhất thế giới” ở độ tuổi 19-24, DOGE đã can thiệp vào hầu hết các cơ quan liên bang, được quyền truy cập hệ thống bảo mật và thông tin nhạy cảm như hệ thống thanh toán y tế hay lao động của chính phủ Mỹ và người dân nước này.
Hoạt động của DOGE đã khiến hàng chục nghìn người dân Mỹ trên khắp nước Mỹ đổ ra đường biểu tình phản đối khi cho rằng cơ quan này là biểu tượng của việc tư nhân hóa chính phủ theo một cách nguy hiểm, cho phép một cá nhân không qua bầu cử được quyền truy cấp dữ liệu bí mật của hàng triệu người dân.
Sau 100 ngày nắm quyền của Tổng thống Trump, tỷ phú Musk có thể sẽ rời DOGE để tập trung cứu vãn công ty xe điện Tesla đang gặp khó khăn nghiêm trọng, tuy nhiên các hệ lụy mà cơ quan này để lại đối với hệ thống liên bang Mỹ sẽ còn kéo dài.
Dự kiến sau khi Musk rút lui, Văn phòng quản lý nhân sự Mỹ (OPM) sẽ tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ tinh giản chính phủ. OPM cũng sẽ điều chỉnh tiêu chuẩn đánh giá năng lực đối với nhân viên, từ dựa vào năng lực và kỹ năng, kết quả công việc sang ưu tiên mức độ trung thành với luật pháp và chính sách của Tổng thống Trump cũng như thúc đẩy chương trình nghị sự “Nước Mỹ trên hết”.
Tỷ lệ ủng hộ giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong lịch sử
Mặc dù luôn thể hiện thái độ phớt lờ trước các cuộc thăm dò dư luận, nhưng có lẽ Tổng thống Trump không thể không quan tâm đến các con số ngày càng xấu đi nhanh chóng. Theo các kết quả thăm dò dư luận, tỷ lệ ủng hộ đối với ông Trump chỉ trong 100 ngày đầu nắm quyền của nhiệm kỳ 2 đã xuống mức thấp nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Kết quả thăm dò của Pew cho thấy tỷ lệ ủng hộ của người dân Mỹ đố với ông Trump chỉ còn 40%, giảm 7% so với thời điểm sau nhậm chức. Tỷ lệ này gần ngang với tỷ lệ chấp thuận trong nhiệm kỳ đầu và kém xa so với tiền nhiệm, Tổng thống Biden với 59% ủng hộ trong 100 ngày đầu tiên. Kết quả thăm dò của Washington Post/ABC-Ipos chỉ còn 39%, mức thấp nhất trong vòng 70 năm qua trong khi tỷ lệ không tán thành lên tới 55%.
Ngoài ra, thăm dò của hãng tin CNN cho thấy tỷ lệ ủng hộ chỉ còn 41%, của New York Times chỉ còn 42%, mức thấp nhất trong hàng chục năm qua và cũng giảm 7% so với thời điểm sau nhậm chức. Tỷ lệ ủng hộ trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên, vốn được thực hiện một cách có hệ thống từ những năm 1930 chỉ đơn giản phản ánh tình cảm của người dân dành cho tân Tổng thống nhưng rõ ràng đây là là dấu hiệu đáng lo ngại đối với ông Trump khi đẩy mạnh chương trình nghị sự của mình trong thời gian tới.
Thất bại cho một nửa nước Mỹ nhưng thành công cho phần còn lại
Theo cách đánh giá truyền thống, 100 ngày đầu cầm quyền của Tổng thống Trump là tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ, bộc lộ những khoảng cách quá lớn giữa tham vọng của chương trình nghị sự và khả năng thực hiện của chính quyền. Các hoạt động thanh trừng quan chức không ủng hộ chính sách, đối đầu với các cơ quan nghiên cứu, trường đại học, cắt giảm nhân viên liên bang theo số lượng… đang gây ra những xáo trộn và hệ quả không ít sai lầm trong quản lý và điều hành xã hội.
Cuộc chiến thuế quan đã xóa sổ hàng nghìn tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chi trả thêm cho thuế nhập khẩu, nguy cơ lạm phát gia tăng trở lại. Không những vậy, Tổng thống Trump còn muốn mở rộng quyền lực và đẩy nước Mỹ đến bờ vực khủng hoảng hiến pháp nghiêm trọng nhất trong hàng chục năm qua.
Tuy nhiên, đối với một nửa nước Mỹ, những đánh giá như vậy được xem là thành tích ngoạn mục chưa từng có. Cơ quan hiệu quả chính phủ được xem là đỉnh cao kỳ vọng hàng chục năm qua của phe bảo thủ nhằm công phá cỗ máy liên bang “bảo thủ và trì trệ”. Cuộc chiến thuế quan của ông Trump được xem là “điên rồ” nhưng lại là kỳ vọng của nhóm cử tri lao động giản đơn đang muốn việc làm quay trở lại nước Mỹ.
Không quan tâm đến vai trò lãnh đạo thế giới, đồng minh, đối tác hay chính sách đối ngoại truyền thống nhưng nếu có được các thỏa thuận thương mại tốt hơn cho các nhà sản xuất Mỹ bằng các cuộc chiến thuế quan của mình, ông Trump có thể biện minh cho sự hỗn loạn trên thị trường tài chính, nếu thực sự thuyết phục được châu Âu tự bảo vệ mình và chấm dứt các cuộc xung đột đang diễn ra, thế giới có thể sẽ an toàn hơn.
Nói theo cách đánh giá của những người ủng hộ ông Trump “trong vòng chưa đầy 100 ngày, Tổng thống đã tạo ra sân chơi bình đẳng cho các nhà sản xuất của chúng ta, đưa chúng ta đến gần hơn với hòa bình ở Gaza và Ukraine, mang về nhiều cam kết đầu tư lịch sử cho Mỹ, giải thoát con tin người Mỹ và buộc các đại học phải chịu trách nhiệm về làn sóng bài Do Thái. Không có cuộc đàm phán nào quá khó khăn với Tổng thống Trump và ông ấy tiếp tục chứng minh những người chỉ trích đã sai".
100 ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump là màn trình diễn ấn tượng về sức mạnh chính trị, nhưng 1.361 ngày tiếp theo mới là phép thử thực sự liệu có thể tạo ra một di sản lâu dài hay không.
Phạm Huân, Vũ Hợp/VOV-Washington