Trẻ em phải được ưu tiên và là trọng tâm trong hành động về khí hậu. Ảnh minh họa: Báo Đời sống Pháp luật Online
Đáng chú ý, theo các cam kết chính sách khí hậu quốc gia hiện tại, dự kiến đến năm 2100, nhiệt độ sẽ tăng 2,7oC. Điều này có nghĩa là ngay cả những người lớn sinh năm 1960 ở châu Mỹ, châu Phi, Trung Đông và Australia cũng sẽ phải hứng chịu đợt nắng nóng chưa từng có trong suốt cuộc đời.
Về nhận định trẻ em sinh ra ở mọi khu vực trên thế giới vào năm 2020 phải đối mặt với tình trạng nắng nóng chưa từng có, các nhà nghiên cứu định nghĩa tình trạng phơi nhiễm với nắng nóng “chưa từng có” là trải qua những hiện tượng khí hậu khắc nghiệt mà một người có xác suất gặp phải trong cuộc đời ít hơn 1/10.000 lần.
Trước vấn nạn này, đạt được mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu chạm ngưỡng 1,5°C sẽ bảo vệ hàng triệu trẻ em sinh năm 2020 khỏi những tác động nghiêm trọng nhất gây nên bởi thảm họa liên quan đến khí hậu, bao gồm cả mất mùa, lũ lụt, bão nhiệt đới, hạn hán và cháy rừng.
Inger Ashing, Tổng giám đốc điều hành tổ chức từ thiện quốc tế Save the Children International nhận xét: “Trên toàn thế giới, trẻ em phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của một cuộc khủng hoảng mà đáng ra chúng không phải chịu trách nhiệm. Nắng nóng cực độ gây nguy hiểm cho sức khỏe và việc học của trẻ em; hạn hán kéo dài làm mùa màng héo úa và làm giảm số lượng thức ăn của trẻ”.
Nếu đạt được mục tiêu nhiệt độ toàn cầu chỉ tăng 1,5°C sẽ giúp giảm số lượng trẻ 5 tuổi hiện đang bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cực cao xuống còn 62 triệu trẻ, tức giảm 38 triệu trẻ.
Hiện tượng nóng lên toàn cầu ảnh hưởng đến trẻ em như thế nào?
Sóng nhiệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ nhỏ, làm tăng nguy cơ mất nước, mắc các bệnh về đường hô hấp và cuối cùng là tử vong.
Nắng nóng khắc nghiệt cũng làm gián đoạn cơ hội tiếp cận thực phẩm, nước sạch và buộc các trường học phải đóng cửa. Điều này tương tự với tình trạng đã xảy ra trong 2 tuần ở Nam Sudan vào đầu năm nay, khi một số học sinh đã ngất xỉu ngay tại bàn học.
Đưa trẻ em vào trọng tâm của hành động đối phó với biến đổi khí hậu
Tổng giám đốc Inger Ashing thông tin: “Nghiên cứu mới cho thấy hy vọng vẫn ở cuối đường hầm, nhưng chỉ khi chúng ta hành động khẩn cấp và đầy tham vọng để nhanh chóng hạn chế mức tăng nhiệt độ ở ngưỡng 1,5°C và thực sự đặt trẻ em vào vị trí trung tâm trong phản ứng của chúng ta đối với biến đổi khí hậu ở mọi cấp độ”.
Về cơ bản, tổ chức từ thiện này kêu gọi nhanh chóng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Ngoài ra, cần thay đổi trong việc cung cấp kinh phí thích ứng và thiệt hại, với nguồn tài chính khí hậu mới ưu tiên các dịch vụ quan trọng đối với trẻ em, đơn cử như các dịch vụ về y tế và dinh dưỡng, nước, vệ sinh và vệ sinh cá nhân (WASH), giáo dục, bảo vệ trẻ em và bảo trợ xã hội.
Tổ chức Save the Children International cho biết thêm, trẻ em phải là trung tâm trong các kế hoạch khí hậu quốc tế, bao gồm cả các Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) mới, dự kiến sẽ được đệ trình trong năm nay.
Hạnh Nhi (Lược dịch từ Euro News)