11 sai lầm khi sử dụng lò vi sóng mà bạn cần phải tránh

11 sai lầm khi sử dụng lò vi sóng mà bạn cần phải tránh
một ngày trướcBài gốc
(Ảnh: iStock)
Lò vi sóng từ lâu đã được xem như "vị cứu tinh" trong căn bếp của người bận rộn - từ sinh viên đại học, nhân viên văn phòng, đến những người lười nấu ăn. Tuy nhiên, dù là thiết bị có vẻ “dễ dùng nhất trần đời,” rất có thể bạn đang sử dụng sai cách mỗi ngày.
Dưới đây là những sai lầm phổ biến khi dùng lò vi sóng - có cái tưởng nhỏ nhặt - nhưng lại ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, chất lượng bữa ăn và sức khỏe của bạn.
1. Chỉ dùng chế độ công suất cao nhất
Giống như lò nướng có nhiệt độ điều chỉnh, lò vi sóng cũng có các mức công suất khác nhau. Thế nhưng phần lớn người dùng lại mặc định chọn mức cao nhất. Dưới đây là các công suất hợp lý khi sử dụng lò vi sóng:
- 500W trở xuống: phù hợp để sấy nhẹ thảo mộc, làm ấm thức ăn mỏng nhẹ.
- 500-800W: thích hợp để hấp, làm nóng món ăn đều từ trong ra ngoài.
- 800W trở lên: dùng cho việc hâm nhanh súp, trà, càphê.
- Ở mức công suất thấp hơn, thức ăn chín từ từ và giữ độ ẩm, tránh tình trạng bên ngoài khô cứng nhưng bên trong vẫn lạnh. Điều này cũng giúp thức ăn giữ hương vị tự nhiên.
2. Dùng hộp vuông hoặc chữ nhật
Nghe có vẻ lạ, nhưng hình dạng hộp đựng ảnh hưởng tới cách thức ăn được làm nóng. Theo GE Electronics, các góc hộp vuông hấp thụ nhiệt từ nhiều phía hơn, nên nóng nhanh và dễ quá nhiệt. Trong khi đó, phần trung tâm lại nóng chậm hơn, dẫn đến món ăn chín không đều.
Dùng hộp vuông khiến thức ăn không được làm nóng đồng đều. (Ảnh: iStock)
Thay vào đó, bạn nên sử dụng hộp tròn hoặc đĩa tròn giúp phân bố năng lượng vi sóng đồng đều hơn, nhiệt lan đều quanh bề mặt thay vì tập trung ở các góc.
3. Dùng nhựa không an toàn
Không phải mọi hộp nhựa đều an toàn khi quay trong lò. Một số loại chứa phthalate hoặc BPA - chất có thể ngấm vào thực phẩm khi gặp nhiệt, gây rối loạn nội tiết và ảnh hưởng tới thai nhi.
Theo Tạp chí TIME, Giáo sư Rolf Halden (Đại học bang Arizona, Mỹ) cảnh báo: “Khi hộp bị trầy xước, khả năng giải phóng hóa chất vào thực phẩm tăng cao.”
Lời khuyên: dùng thủy tinh, gốm hoặc nhựa có nhãn “microwave-safe.” Bỏ ngay hộp nhựa đã trầy xước hoặc đổi màu.
4. Bọc thực phẩm bằng màng bọc nhựa
Màng bọc có thể ngăn bắn thức ăn, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ. Theo USDA, bạn chỉ nên dùng màng bọc khi nó không tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Hơi nước ngưng tụ có thể hòa tan chất độc từ nhựa, đặc biệt là loại không đạt chuẩn.
Nên đậy thức ăn bằng nắp lỏng chuyên dùng cho lò vi sóng khi hâm nóng để đảm bảo an toàn. (Ảnh: iStock)
Giải pháp an toàn hơn: Đậy bằng nắp lỏng có lỗ thoát hơi.
5. Xếp thức ăn sai cách
Nếu bạn từng gặp cảnh thức ăn bên ngoài nóng nhưng ở giữa vẫn đông đá thì thủ phạm chính là cách bạn bày thức ăn khi cho vào lò vi sóng hâm nóng.
Theo The Kitchn, bạn nên xếp thức ăn thành vòng tròn xung quanh đĩa, phần lớn đặt ở mép, phần nhỏ ở giữa. Cách này giúp phân bố nhiệt đều hơn vì vùng rìa đĩa nóng nhanh hơn trung tâm.
6. Không khuấy hoặc đảo đều
Đừng chỉ bấm nút và bỏ đi làm việc khác. Lò vi sóng làm nóng không đều theo từng điểm. Nếu không khuấy thức ăn, bạn có thể có món súp với nước dùng sôi sùng sục nhưng thịt gà trong đó vẫn đông đá.
Lời khuyên: Chia thời gian hâm nóng thành nhiều lần, mỗi lần khoảng 1 phút. Giữa các lần, khuấy hoặc lật đều thực phẩm để nhiệt lan tỏa đồng đều.
7. Hâm nóng thức ăn để ngoài lâu
(Ảnh: iStock)
Việc để thức ăn chín ở ngoài không khí quá 2 giờ có thể khiến nó nhiễm vi khuẩn nguy hiểm như Staphylococcus aureus. Loại vi khuẩn này phát triển cực nhanh ở nhiệt độ phòng, và lò vi sóng không đảm bảo diệt được chúng hoàn toàn.
Lời khuyên: bảo quản thức ăn trong tủ lạnh ngay sau khi nguội. Khi cần, rã đông đúng cách rồi mới hâm nóng.
8. Đun sôi nước bằng lò vi sóng
Đun sôi nước bằng lò vi sóng tiềm ẩn sự nguy hiểm. FDA cảnh báo hiện tượng “siêu nhiệt” khi nước vượt quá 100 độ C nhưng không sôi. Lúc bạn lấy ly nước từ trong lò vi sóng ra, nước có thể phun mạnh như vụ nổ, gây bỏng nghiêm trọng.
Lời khuyên: Thêm càphê, đường hoặc que khuấy trước khi quay, để tạo điểm khởi phát bọt khí. Hoặc đun nước theo cách truyền thống.
9. Rã đông thịt sống
(Ảnh: iStock)
Lò vi sóng không rã đông thịt đều khiến phần thịt nửa đông, nửa chín, làm vi khuẩn phát triển. Theo WHO, cách an toàn nhất là rã đông trong tủ lạnh qua đêm hoặc ngâm trong nước lạnh (có túi kín).
Nếu bắt buộc dùng lò vi sóng, hãy nấu ngay sau khi rã đông, tránh để lâu.
10. Cho thực phẩm nguy hiểm vào lò
Một số món cho vào lò vi sóng có thể gây cháy nổ bao gồm:
Nho và nho khô: có thể phát nổ, tạo tia plasma.
Trứng sống nguyên vỏ: nguy cơ nổ mạnh.
Ớt: chất capsaicin nóng lên có thể bốc hơi như hơi cay.
Lời khuyên: Tránh tuyệt đối hâm nóng các món này bằng lò vi sóng, hãy rã đông hoặc nấu chúng theo cách truyền thống.
11. Không vệ sinh lò thường xuyên
Theo The Washington Post, việc không lau dọn lò thường xuyên có thể tích tụ vi khuẩn, do đó, bạn nên lau chùi lò vi sóng mỗi tuần một lần.
Vệ sinh lò vi sóng thường xuyên để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. (Ảnh: iStock)
Cách làm sạch lò vi sóng dễ nhất là quay một bát nước có vài lát chanh (hoặc dấm trắng) 3-5 phút cho đến khi có hơi nước. Sau đó dùng khăn lau sạch bên trong.
Lò vi sóng là thiết bị tiện dụng, nhưng không đơn giản như vẻ ngoài của nó. Hiểu đúng - dùng đúng - không chỉ giúp ăn ngon hơn, mà còn an toàn hơn và tốt cho sức khỏe về lâu dài. Nếu bạn đã lỡ mắc vài lỗi ở trên thì hôm nay là lúc thích hợp để sửa./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/11-sai-lam-khi-su-dung-lo-vi-song-ma-ban-can-phai-tranh-post1050389.vnp