12 nước châu Phi sẽ phối hợp triển khai các biện pháp chung đã được thống nhất tại hội nghị khu vực lần này. (Nguồn: CDC châu Phi)
Tại thủ đô Nairobi (Kenya), đại diện của 12 quốc gia châu Phi đã đạt được đồng thuận trong việc thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới nhằm ứng phó, phòng ngừa và kiểm soát các đợt bùng phát dịch bệnh.
12 nước tham gia sáng kiến gồm: Cộng hòa Dân chủ Congo, Angola, Burundi, Malawi, Rwanda, Uganda, Sao Tome và Principe, Nam Sudan, Zambia, Kenya, Cộng hòa Congo và Cộng hòa Trung Phi.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) châu Phi, các quốc gia này sẽ phối hợp cùng các tổ chức phát triển, tổ chức xã hội dân sự và chuyên gia y tế trong khu vực để triển khai các biện pháp chung đã được thống nhất tại hội nghị khu vực lần này.
CDC châu Phi cho biết thỏa thuận đạt được tại hội nghị sẽ giúp giải quyết hiệu quả hơn những thách thức trong việc kiểm soát dịch bệnh xuyên biên giới, cải thiện cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa các nước và quản lý sự di chuyển của các nhóm dân cư bị ảnh hưởng. Tính đến ngày 10/2, lục địa châu Phi đã ghi nhận hơn 16.398 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận và 1.180 ca tử vong tại 22 quốc gia.
Đánh giá cao thỏa thuận này, ông Otim Patrick Ramadan, quyền Giám đốc khu vực phụ trách ứng phó khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Phi, nhận định tính chất khu vực của dịch bệnh đậu mùa khỉ đòi hỏi sự phối hợp và hành động tập thể.
“Hội nghị này không chỉ là diễn đàn trao đổi kiến thức, mà còn là bước khởi đầu cho những hành động cụ thể giữa các bên liên quan", ông Otim Patrick Ramadan nói.
Trong khi đó, bà Linda Mobula, chuyên gia y tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới tại CHDC Congo, khẳng định dịch bệnh không có biên giới, do đó cần xây dựng cơ chế phối hợp xuyên quốc gia. Bà cho rằng thỏa thuận lần này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy động lực chính trị, củng cố khung pháp lý và nâng cao năng lực quản trị trong lĩnh vực y tế.
Cuộc họp do Ngân hàng Thế giới phối hợp với CDC châu Phi, WHO và các đối tác quốc tế như Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại chính trị, thảo luận kỹ thuật và tăng cường hợp tác đa phương trong phòng chống dịch bệnh xuyên biên giới tại châu Phi.
(theo Tân Hoa xã)
Thế Anh