Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc gặp tại Vatican, Italy ngày 26/4/2025. Ảnh: Reuters/TTXVN
Theo tờ New York Times, cuối tuần này, Tổng thống Trump đã có một chuyến đi ngắn đến một quốc gia châu Âu, lục địa mà ông đã gây ra xáo động trong những tháng gần đây. Tại đây, nhà lãnh đạo Mỹ bày tỏ lòng thành kính với Giáo hoàng Francis tại tang lễ của Ngài, nhưng cũng đã gặp gỡ Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine vào thời điểm quan trọng có thể quyết định cả đường biên giới và số phận của đất nước.
Ông Trump đã có mặt tại Rome trong khoảng 14 giờ và rời đi ngay sau buổi lễ cầu nguyện cho Giáo hoàng tại Quảng trường St. Peter. Ông chỉ dừng lại để bắt tay hoặc chào hỏi một số tổng thống, thủ tướng, lãnh đạo hoàng gia và các nhà lãnh đạo tôn giáo đã đến dự buổi lễ.
Đây là một sự khác biệt đối với chuyến công du nước ngoài đầu tiên của một tân tổng thống Mỹ. Ông không có thời gian để thảo luận về thuế quan đối với Liên minh châu Âu (EU), sự chuyển hướng của ông sang bình thường hóa quan hệ với Nga hoặc quan điểm nhất quyết của ông rằng người châu Âu phải chịu trách nhiệm lớn hơn nhiều cho việc quốc phòng của họ.
Ông Trump nói với các trợ lý rằng ông muốn quay trở lại khu nghỉ dưỡng sân golf của mình ở New Jersey trước khi kết thúc ngày 26/4.
Cuộc gặp lạ thường
Nghi thức long trọng của tang lễ, bao gồm việc sắp xếp chỗ ngồi cho các nguyên thủ quốc gia và khoảnh khắc trong buổi lễ khi các nhà lãnh đạo thế giới bắt tay nhau như một cử chỉ hòa bình, đã tạo điều kiện cho giới quan sát chính trị đọc vị những tín hiệu ngoại giao. Nhưng cuộc gặp kéo dài khoảng 15 phút giữa ông Trump và ông Zelensky còn mang một tầng ý nghĩa và sự bí ẩn riêng.
Những bức ảnh do phía Ukraine công bố cho thấy cuộc gặp diễn ra ngay trong Vương cung thánh đường St. Peter, hai người ngồi trên những chiếc ghế kim loại có đệm, chìm trong cuộc trò chuyện khi chờ buổi lễ bắt đầu. Đó là một cảnh tượng đặc biệt - một cuộc gặp ngẫu hứng giữa hai nhân vật vốn không giấu giếm sự ngờ vực sâu sắc đối với nhau.
Đây cũng là lần đầu tiên họ gặp lại kể từ cuộc đối đầu căng thẳng được phát sóng trực tiếp tại Phòng Bầu dục hồi cuối tháng 2, với tranh cãi về việc ông Trump quay lưng với Kiev và hướng tới thiết lập mối quan hệ mới với Nga. Ông Zelensky khi đó đã bị yêu cầu rời khỏi Nhà Trắng, bữa trưa còn dang dở, và một thỏa thuận hợp tác kinh tế cũng bị bỏ ngỏ, chưa kịp ký kết.
Người phát ngôn Nhà Trắng, Stephen Cheung, gọi cuộc gặp gỡ hôm 26/4 tại đám tang là "cuộc thảo luận rất hiệu quả", nhưng không đưa ra chi tiết. Trong một bài đăng sau đó trên mạng X, Tổng thống Zelensky mô tả cuộc trao đổi ngắn ngủi là "cuộc gặp tốt đẹp", nơi hai người đã thảo luận "rất nhiều điều riêng tư", bao gồm cả các đảm bảo an ninh để đảm bảo việc không lợi dụng lệnh ngừng bắn làm cơ hội để tái vũ trang và tấn công trở lại.
Việc ông Trump nhanh chóng rời đi diễn ra bất chấp một phát ngôn viên của Ukraine gợi ý rằng sẽ có nhiều cuộc đàm phán hơn diễn ra tại Rome vào cùng ngày. Sau khi ông Trump lên Không lực Một để rời đi, người phát ngôn sau đó cho biết cuộc gặp thứ hai với ông Zelensky sẽ không diễn ra vì "lịch trình rất dày đặc của các tổng thống".
Cuộc gặp gỡ ngắn diễn ra vào thời điểm quan trọng trong nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga, khi ông Trump cố gắng thúc đẩy ông Zelensky và Tổng thống Putin đàm phán trực tiếp.
Đã rất gần một thỏa thuận?
"Họ đã rất gần với một thỏa thuận", ông Trump viết trên Truth Social vào cuối ngày 26/4, sau khi hạ cánh tại Rome. "Hai bên hiện nên gặp nhau, ở cấp rất cao, để 'kết thúc'".
Nhưng khi ông Zelensky đang ở Rome, Nga tuyên bố rằng họ đã giải phóng hoàn toàn Kursk khỏi lực lượng Ukraine, còn Kiev phủ nhận rằng lực lượng của họ đã rút lui hoàn toàn.
Đầu tuần này, Mỹ đã trình bày với Ukraine một kế hoạch ngừng bắn sẽ trao cho Nga sự công nhận đối với tất cả các vùng đất mà nước này đã sáp nhập kể từ khi xung đột bắt đầu cách đây ba năm. Đề xuất này cũng bao gồm một sự công nhận chính thức của Mỹ rằng Bán đảo Crimea, bị Moskva sáp nhập vào năm 2014, là lãnh thổ của Nga – trong một sự đảo ngược lớn trong chính sách của Washington
Ông Zelensky trong tuần qua đã tuyên bố rằng Ukraine sẽ không bao giờ chấp nhận nhượng bộ. Tuy nhiên, theo các quan chức Ukraine, ông đã đến Rome với một bản đề xuất phản hồi nhằm chấm dứt xung đột với những điều khoản kém hào phóng hơn nhiều cho Nga. Bản đề xuất phản hồi này không đề cập đến việc Ukraine có giành lại hoàn toàn Crimea hay những vùng lãnh thổ khác bị Nga chiếm đóng hay không, đồng thời hoãn thảo luận về các vấn đề lãnh thổ cho đến sau khi đạt được lệnh ngừng bắn.
Cả hai đề xuất đều không đáp ứng được một số yêu cầu của ông Putin, bao gồm yêu cầu cắt giảm mạnh quy mô quân đội Ukraine.
Ngày 26/4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết trên mạng xã hội Truth Social, cáo buộc người đồng cấp Liên bang Nga, Vladimir Putin, phóng tên lửa vào các “khu vực dân sự” của Ukraine “một cách vô cớ” và không muốn “chấm dứt chiến tranh”, đồng thời đe dọa Moskva (Moscow) bằng các lệnh trừng phạt mới. Ảnh chụp màn hình tài khoản mạng xã hội Truth Social của Tổng thống Mỹ Donald Trump
Trên chuyến bay trở về Mỹ, ông Trump đã đăng một thông điệp dài, đổ lỗi một phần cho tình cảnh của Ukraine là do các đời tổng thống tiền nhiệm, Barack Obama và Joe Biden. “Đây là cuộc chiến của Joe Biden, không phải của tôi”, ông Trump viết.
Ông cũng chỉ trích nhà lãnh đạo Nga: “Không có lý do gì để ông Putin bắn tên lửa vào các khu vực dân sự, thành phố và thị trấn trong vài ngày qua”, ông viết. “Điều đó khiến tôi nghĩ rằng có lẽ ông ấy không muốn kết thúc chiến tranh, mà chỉ đang lừa tôi mà thôi”.
Ông Trump cũng đe dọa sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga trong bài đăng này.
Mô tả của ông Zelensky về cuộc gặp cho thấy ông đã rút ra bài học từ lần chạm trán tại Phòng Bầu dục: Luôn luôn thể hiện lòng biết ơn, ngay cả khi vẫn còn những bất đồng sâu sắc.
“Một cuộc gặp rất mang tính biểu tượng, có thể trở thành lịch sử nếu chúng ta đạt được kết quả chung”, ông Zelensky viết. Ông kết thúc bằng câu: “Cảm ơn @POTUS.”
Theo những gì ông Zelensky chia sẻ, các chủ đề được thảo luận bao gồm một “lệnh ngừng bắn toàn diện và vô điều kiện,” cũng như một “nền hòa bình đáng tin cậy và bền vững để ngăn chặn nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh mới”. Điểm cuối cùng này rất đáng chú ý: đề xuất của ông Trump chỉ đưa ra những đảm bảo an ninh mơ hồ cho Ukraine, trong khi đề xuất của Ukraine kêu gọi triển khai một lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu, với Mỹ đóng vai trò hậu thuẫn.
Ông Zelensky cũng đã gặp các nhà lãnh đạo khác, bao gồm Thủ tướng Giorgia Meloni của Italy, Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp và Thủ tướng Keir Starmer của Anh. Trong một bài đăng trên X, ông Macron - kèm theo bức ảnh ông đi cùng nhà lãnh đạo Ukraine - cho biết ông Zelensky “sẵn sàng cho một lệnh ngừng bắn vô điều kiện”. Văn phòng của bà Meloni và ông Starmer cũng nhấn mạnh mong muốn của ông Zelensky nhằm “bảo đảm một nền hòa bình công bằng và lâu dài”.
Sau khi nhậm chức, ông Trump từng tuyên bố mong muốn chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong nhiệm kỳ này của ông sẽ là tới Trung Đông, bắt đầu với Saudi Arabia - nơi ông từng đặt chân tới trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Thế nhưng, chuyến đi đầu tiên của ông cuối cùng lại là đến Italy để dự lễ tang, nơi ông bị bao quanh bởi các nhà lãnh đạo châu Âu - những người mà ông đã nhiều lần chỉ trích là “kẻ ăn bám” không chịu chi trả đúng phần của mình cho quốc phòng của châu lục.
Thu Hằng/Báo Tin tức và Dân tộc