Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo sáng nay. Ảnh: Trang tin NHNN
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết đã giữ vững điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và hiệu quả trong nửa đầu năm 2025, bất chấp những biến động phức tạp trên thị trường tài chính toàn cầu và áp lực lạm phát.
Tại buổi họp báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sáng nay, Phó thống đốc Phạm Thanh Hà nhận định kinh tế thế giới tăng trưởng chậm trong đầu năm nay và tiếp tục đối mặt với nhiều bất ổn, đặc biệt sau động thái mới nhất của Mỹ khi áp mức thuế 25–40% đối với hàng hóa từ 14 quốc gia, hiệu lực từ tháng 8 tới, đồng thời cảnh báo sẽ tăng thuế nếu các quốc gia trả đũa.
"Lạm phát toàn cầu tuy đã dịu xuống nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại", ông Hà nhận định.
Trong bối cảnh đó, rủi ro từ thị trường quốc tế đã và đang tạo áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất trong nước và mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên trong năm nay.
Tuy nhiên, NHNN khẳng định đã điều tiết linh hoạt, sử dụng hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ để giữ ổn định thị trường ngoại hối và kiểm soát lạm phát.
Tỷ giá VND được điều chỉnh phù hợp với diễn biến thị trường, nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ.
Trong sáu tháng đầu năm, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận vốn với chi phí thấp để hỗ trợ nền kinh tế.
"Chúng tôi đã yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ và các giải pháp khác để hạ lãi suất cho vay," ông Hà cho biết.
Nhờ đó, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân đã giảm khoảng 0,64 điểm phần trăm so với cuối năm ngoái. Mức lãi suất cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 6,29%/năm.
Tăng trưởng tín dụng được đẩy mạnh với mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng 8% trong năm nay. Tính đến 30/6, tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm ngoái – mức tăng được đánh giá là rất tích cực. Đ
Mức tăng trưởng này gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ 2023 đến nay, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết. "Vốn là mạch máu của nền kinh tế, nếu muốn tăng trưởng hai chữ số, tín dụng là một động lực không thể thiếu”.
NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm nay khoảng 16% và có điều chỉnh phù hợp với thực tế. Từ đầu năm, cơ quan này đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng, tập trung vào sản xuất – kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, và những ngành có vai trò động lực tăng trưởng. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Một loạt chương trình tín dụng quy mô lớn đang được ngành ngân hàng triển khai, như gói 145.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP, và chương trình 500.000 tỷ đồng cho vay đầu tư hạ tầng và công nghệ số nhằm thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia.
Trong định hướng điều hành sáu tháng cuối năm, NHNN cho biết tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa.
Trọng tâm là giảm lãi suất cho vay, ổn định tỷ giá, tăng trưởng tín dụng an toàn, kiểm soát chặt dòng vốn vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng sẽ tăng tốc triển khai các nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt và thúc đẩy chuyển đổi số.
NHNN khẳng định sẽ đẩy mạnh truyền thông và giáo dục tài chính, nâng cao khả năng sử dụng dịch vụ ngân hàng của người dân trong bối cảnh các sản phẩm ngày càng số hóa và đa dạng.
Nhật Hạ