21 năm nối lại đôi bờ

21 năm nối lại đôi bờ
2 giờ trướcBài gốc
Ảnh bìa cuốn sách “21 năm nối lại đôi bờ” - NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.
Ông là một cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, chứng kiến cảnh đất nước bị chia cắt, đằng đẵng 21 năm trời “ngày Bắc đêm Nam” với bao công việc, bao biến động thăng trầm vẫn một tâm nguyện khắc khoải chờ đợi ngày non sông thống nhất, đôi bờ Hiền Lương không còn là giới tuyến.
Thu hút bạn đọc ngay đầu sách với đôi lời ngắn ngủi của tác giả chỉ khoảng một mặt giấy như lời tự bạch từ đáy lòng mình: “Đây là câu chuyện bi tráng từng một thời xảy ra trên đất nước thân yêu của chúng ta, nhưng từ sau ngày hòa bình đến nay ít thấy sự hiện diện các tác phẩm nói về đề tài này, có chăng cũng chỉ là những câu chuyện được kể lại một cách ngẫu nhiên, rời rạc. E rằng đến một lúc nào đó, những câu chuyện thật có liên quan đến lịch sử của cả một thời đất nước chia đôi sẽ bị rơi rớt, mai một…”. Và cũng ngay từ đầu sách, ông Lê Minh Hoan – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp (vào thời điểm sách ấn hành - PV), hiện là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, quê hương của tác giả cũng đã trải lòng với bài giới thiệu tập sách đã khẳng định giá trị nội dung tư tưởng trong những trang viết của Nguyễn Long Trảo: “Viết là để cho thế hệ mai sau có cái nhìn đúng đắn về quá khứ hào hùng cũng có, mà bi thương mất mát cũng có, hân hoan đứng dưới lá cờ chiến thắng của dân tộc cũng có mà nặng lòng về nghịch cảnh riêng tư cũng có”.
Đến với nội dung chính của cuốn sách “21 năm nối lại đôi bờ”, thật sự tôi đã hút vào những câu chuyện của một người trong cuộc là ông Nguyễn Long Trảo (và những người cùng thời với ông) để khắc họa lại một thời không thể quên ấy trong 4 phần lớn. Phần thứ nhất “Chuyện những người đi tập kết”. Phần thứ hai “Chuyện những người đi B”. Phần thứ ba: "Chuyện những người ở lại”. Phần thứ tư “Tấm lòng nhân dân miền Bắc”.
Có thể tóm lược một cách ngắn gọn, câu chuyện trong tập sách bắt đầu vào năm 1952 sau khi tác giả tốt nghiệp trường lục quân Trần Quốc Tuấn – phân hiệu Nam Bộ và được điều về làm cán bộ tác chiến Tiểu đoàn chủ lực 302 của miền Đông Nam Bộ rồi được lệnh tập kết ra Bắc sau Hiệp định Genève. Toàn bộ cán bộ chiến sĩ (CBCS) tiểu đoàn 302 tập kết ra Bắc đi theo đường Cao Lãnh. Có một chi tiết vô cùng xúc động, những CBCS đi tập kết cùng nhân dân địa phương Cao Lãnh đã tu bổ, tôn tạo khu mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, rồi chụp ảnh mang ra Thủ đô kính dâng lên Bác Hồ. Ra Bắc, Nguyễn Long Trảo được Quân đội cử đi học kỹ thuật tại Trung Quốc. Về nước, ông trực tiếp sửa chữa khí tài phòng không cho bộ đội ta. Sau ngày đất nước thống nhất, trở về quê hương ông lặn lội đi tìm, bảo lãnh cho người thân bị buộc phải làm việc cho chế độ Sài Gòn, rồi xin giải ngũ với lý do chiến tranh đã chấm dứt.
Và một điều cũng thật thú vị, qua tập sách chúng ta biết thêm, tác giả cũng chính là anh rể của Ca Lê Hiến (nhà thơ Lê Anh Xuân). Với lòng tiếc thương của mình, Nguyễn Long Trảo đã dày công đọc lại những di cảo của người em vợ đã hy sinh anh dũng để trích nhiều đoạn nhật ký của Lê Anh Xuân từ ngày lên đường về Nam 22-12-1964 cho đến ngày hy sinh 24-5-1968 vào tập sách.
Nhờ khả năng ngoại ngữ, tác giả được cử đi Trung Quốc học kỹ thuật quân sự và trở thành phiên dịch cho các phái đoàn Việt Nam mỗi khi sang Trung Quốc nên cuốn sách cũng đã kể lại những câu chuyện hiếm người biết về lịch sử, mối bang giao ở những thời điểm mang tính lịch sử của dân tộc giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đó là câu chuyện kể khá rành rẽ về người đồng hương - anh hùng lái máy bay Nguyễn Văn Bảy. Nguyễn Văn Bảy ra Bắc văn hóa chỉ mới lớp 3 nhưng chỉ 7 ngày thầy giáo đã dạy cho 7 lớp để đủ trình độ sang Liên Xô học lái máy bay. Đó còn là kỷ niệm đối với người anh trai của tác giả, trong đó có các nhà văn, nhà thơ như: Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Viễn Phương…, cũng đã nói lên tầm quan trọng, ảnh hưởng của một người con đất Nam bộ rất bình dị, gần gũi và thân thương.
Để kết thúc bài viết này, xin mượn đôi lời của anh Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam trong bài viết cảm nhận về cuốn sách: “21 năm nối lại đôi bờ” là một tác phẩm có giá trị giáo dục lý tưởng, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Những con người thật, những câu chuyện thật, những tấm gương dũng cảm hy sinh oanh liệt mãi là niềm tự hào để thế hệ trẻ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.
Võ Văn Trường
Nguồn CAĐN : https://cadn.com.vn/21-nam-noi-lai-doi-bo-post303190.html