25.000 tỷ đồng chi cho khoa học công nghệ thì đến 80% để xây nhà, mua máy móc

25.000 tỷ đồng chi cho khoa học công nghệ thì đến 80% để xây nhà, mua máy móc
10 giờ trướcBài gốc
Không đơn vị nào xin ngân sách để nghiên cứu thay đổi mô hình vận hành
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), ngày 14/7, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ ra một thực tế.
“Rất buồn khi Nhà nước năm nay cấp thêm 25.000 tỷ đồng cho Bộ Khoa học và Công nghệ để chi cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thì các dự án của các bộ, ngành và địa phương gửi về có 80% là để xây nhà, mua máy móc, chỉ 20% là đề xuất làm nghiên cứu”, Bộ trưởng nói
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Bộ KH&CN.
Đáng chú ý, chuyển đổi số, một trọng tâm chiến lược của quốc gia, có đến 70% kinh phí chuyển đổi số cũng là mua máy móc, mua phần cứng, không thấy chi cho các nền tảng phần mềm hoặc chi cho đổi mới sáng tạo. Không một đơn vị nào xin ngân sách về chuyển đổi số là để nghiên cứu thay đổi mô hình vận hành hoặc bỏ tiền ra để đổi các quy trình.
“Chuyển đổi số mà không thay đổi mô hình vận hành chỉ làm việc khổ thêm, làm khổ những người phải dùng phần mềm”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, trong chuyển đổi số, ít nhất 10% ngân sách phải chi cho việc nghiên cứu, sửa đổi quy trình, nếu không, 90% còn lại sẽ “đổ sông, đổ bể”. Tuy nhiên, hiện nay “không có tiền cho việc này nên cũng không ai làm”.
Một đồng đầu tư nghiên cứu phải tạo ra 10 đồng doanh thu
Đặt yêu cầu cao về hiệu quả sử dụng ngân sách, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nhà nước chi 1 đồng cho nghiên cứu thì kết quả nghiên cứu này từ doanh nghiệp phải tạo ra 10 đồng doanh thu. Đồng thời, 1 đồng Nhà nước chi cho nghiên cứu phát triển cũng cần kéo theo từ 3-4 đồng của doanh nghiệp chi cho nghiên cứu phát triển.
Theo ông, đổi mới sáng tạo là con đường để Việt Nam đưa khoa học, công nghệ ứng dụng vào cuộc sống, đổi mới, chuyển giao, nâng cao hiệu suất sử dụng, cải tiến và tiến tới sáng tạo công nghệ, dùng công nghệ để tăng năng suất lao động, tăng GDP
Cụ thể, mục tiêu được đặt ra là khoa học công nghệ phải đóng góp 1%, chuyển đổi số đóng góp 1-1,5% và đổi mới sáng tạo đóng góp 3% vào GDP
Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhắc lại cơ chế S.I.S hiện hành, theo đó: “Doanh nghiệp bỏ ra 10 đồng chi cho khoa học, công nghệ thì Nhà nước hoàn lại 4 đồng cho doanh nghiệp thông qua thuế, tức là bản chất doanh nghiệp chỉ chi 6 đồng”.
Mặc dù được hy vọng mang lại sự tăng trưởng kinh tế, nhưng thực tế chi cho đổi mới sáng tạo vẫn ở mức rất thấp. Trong gói thầu 200.000 tỷ đồng, Bộ KH&CN cấp 8.000 tỷ đồng, nhưng chi tiêu đạt 97%, chỉ dùng 3% cho đổi mới sáng tạo.
“Cái gì liên quan đến đổi mới, cái gì thực chất thì né tránh. Cái gì vật chất, theo kiểu truyền thống thì chi rất mạnh. Đây là hiện trạng hiện nay cách đây một, hai tuần”, Bộ trưởng chia sẻ.
Một con số đáng lo khác được Bộ trưởng chỉ ra là số lượng tiêu chuẩn cần thiết cho sự phát triển của đất nước chỉ đạt 5%, chính xác là khoảng 3,5%, một con số vô cùng khiêm tốn với yêu cầu thực tiễn.
“Không có tiêu chuẩn định hướng thì không thể là quốc gia phát triển. Bây giờ chúng ta nói về chuyển đổi số mà không có một tiêu chuẩn số nào. Chúng ta nói về dịch vụ công, không có một tiêu chuẩn dịch vụ công. Chúng ta nói về quản trị quốc gia, không có tiêu chuẩn quản trị quốc gia. Chúng ta nói về tăng trưởng chất lượng cao, không có một tiêu chuẩn nào”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng yêu cầu, sắp tới, lãnh đạo Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia phải tìm mọi cách đẩy con số này lên 70% tối đa trong vòng một năm nữa. Tiêu chuẩn là định hướng phát triển quốc gia, không có tiêu chuẩn định hướng thì không thể là quốc gia phát triển.
Để khắc phục những hạn chế này, tạo hành lang pháp lý đồng bộ và thúc đẩy khoa học, công nghệ đi vào thực chất, Bộ KH&CN đang đẩy mạnh quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nền tảng.
Chỉ trong năm 2025, Bộ KH&CN sẽ chủ trì soạn thảo 9 luật liên quan đến khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây là khối lượng chưa từng có tiền lệ đối với một bộ trong một nhiệm kỳ.
Các luật bao gồm: Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo; Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Công nghệ cao; Khu công nghệ cao; Thương mại hóa kết quả nghiên cứu; Luật Chuyển giao công nghệ...
“Trước đây, một Bộ trong một khóa Quốc hội (5 năm) thông qua 2 luật đã là nhiều. Với số lượng lớn các luật phải soạn thảo và trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ của Nghị quyết 57, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực rất lớn, quyết tâm rất cao và đặc biệt phải có cách làm mới, làm việc không ngừng nghỉ thì mới có thể hoàn thành”, Bộ trưởng nhấn mạnh
Cùng với đó, 3 luật đã ban hành trước là Luật Viễn thông, Luật Tần số, Luật Giao dịch điện tử và các luật chuyên ngành, Bộ KH&CN hy vọng hành lang pháp lý về khoa học, công nghệ đã thông thoáng để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Nếu có vướng mắc trong quá trình thực thi đã có cơ chế Chính phủ ban hành nghị định để tháo gỡ khó khăn pháp lý trong hai năm, trước khi báo cáo Quốc hội sửa đổi, giống như một loại sandbox về thể chế.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, có luật rồi là chưa đủ. Nếu không thay đổi tư duy, không sửa cách làm, thì dù có hàng chục ngàn tỷ đồng, cũng không thể phát huy hiệu quả.
“Bây giờ là lúc chúng ta phải làm. Làm thật nhiều và làm những việc lớn hơn, hướng đến kết quả cuối cùng là tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, tháo gỡ các khó khăn và tiếp tục tháo gỡ”, Bộ trưởng kết luận.
Hạ Thương
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/chi-25-000-ty-dong-cho-khoa-hoc-cong-nghe-80-de-xay-nha-mua-may-moc-2421844.html