Chuyên gia đưa ra ba kịch bản phát triển kinh tế số cho Việt Nam

Chuyên gia đưa ra ba kịch bản phát triển kinh tế số cho Việt Nam
8 giờ trướcBài gốc
Trao đổi với VnBusiness tại Diễn đàn "Xác lập mô hình tăng trưởng cho Việt Nam giai đoạn 2026 - 2030 và định hướng 2045" diễn ra sáng nay (15/7), Giáo sư Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc dân - Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, để hiện thực hóa mục tiêu đầy tham vọng về tỷ trọng kinh tế số, Việt Nam đang đối mặt với không ít thách thức.
Giáo sư Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc dân - Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân trao đổi với báo giới bên lề sự kiện.
Theo Giáo sư Trần Thọ Đạt, chúng ta quan tâm nhiều tới các dự án về hạ tầng giao thông như đường sắt, đường bộ... tuy nhiên, nếu coi kinh tế số là động lực tăng trưởng thì phải chú trọng đầu tư để phát triển kinh tế số.
“Đối với các lĩnh vực của hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hoàn toàn có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam tham gia, tạo ra những sản phẩm "Make in Vietnam. Do vậy, tôi rất mong muốn Chính phủ có những dự án đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng CNTT, về phần cứng và cả về phần mềm nữa. Đây chính là yếu tố cốt lõi để kinh tế số phát triển trong thời gian tới” – Giáo sư Trần Thọ Đạt nhấn mạnh.
Theo Báo cáo của Cục Thống kê, kết quả tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2025 đạt 7,52% là mức xấp xỉ mục tiêu kịch bản tăng trưởng điều hành cập nhật ở quý I vừa qua.
Kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm tăng 8,42%, cả năm tăng 8%. Trong đó, quý I tăng 7,05%, quý II tăng 7,96%, quý III tăng 8,33%, quý IV tăng 8,51%. Dư địa cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm đến từ đầu tư công; khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; tăng trưởng tín dụng, tiêu dùng...
Đáng lưu ý, Cục Thống kê nhận định, khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo sẽ là động lực then chốt, có vai trò chiến lược cho tăng trưởng trong những quý còn lại.
Doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận và ứng dụng công nghệ AI trong hoạt động sản xuất để giảm chi phí nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh nhờ sự bùng nổ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Phân tích về kết quả tăng trưởng của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm với mức tăng khoảng 7,52%, Giáo sư Trần Thọ Đạt cho rằng đây là mức tăng trưởng ngoạn mục so với tăng trưởng của 6 tháng đầu năm trong nhiều năm qua, điều đó thể hiện sự quyết liệt trong điều hành của Chính phủ cũng như sự nỗ lực của các bộ ban ngành và đặc biệt là của các tầng lớp doanh nghiệp, của khu vực kinh tế tư nhân trong một bối cảnh thế giới hết sức bất định. Việt Nam đã bền bỉ, vươn lên ngược dòng và đạt được một tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng, tạo đà cho việc thực hiện kế hoạch tăng trưởng 8% năm 2025
“Hiện tại thì kinh tế số của Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá ở khu vực, mục tiêu đề ra là tỷ trọng kinh tế số trong năm 2025 phải là 20%. Hiện nay, theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố thì năm 2024 tỷ trọng kinh tế số của Việt Nam là 13,17%. Như vậy để đạt được mục tiêu 20% vào năm 2025 - tức là năm nay thì đây là một thách thức vô cùng lớn” – ông nói.
Theo Giáo sư Đạt, sẽ có 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế số trong 6 tháng cuối năm. Cụ thể, kịch bản 1 (dựa trên số liệu hiện tại): Nếu dựa vào số liệu Tổng cục Thống kê đã công bố, để đạt 20% vào năm 2025, kinh tế số phải có sự tăng trưởng vượt bậc, gấp nhiều lần so với giai đoạn vừa qua. Đây là một thách thức rất lớn, gần như không khả thi nếu không có đột phá mạnh mẽ.
Kịch bản 2 (tính toán toàn diện hơn): Cần tính toán kinh tế số một cách đầy đủ và toàn diện hơn, dựa trên nhiều nguồn dữ liệu. Theo con số ước tính của Ủy ban Quốc gia về Kinh tế số, tỷ trọng kinh tế số Việt Nam hiện nay đã vào khoảng 18%. Nếu theo số liệu này, khả năng đạt được 20% vào năm 2025 là hoàn toàn khả thi. Điều cốt yếu ở đây là phải xác định giá trị hiện tại của kinh tế số năm 2024 một cách đầy đủ, toàn diện hơn, tập hợp được tất cả các cấu trúc và yếu tố cấu thành kinh tế số. Khi đó, hoàn toàn có thể đạt được chỉ tiêu đề ra.
Kịch bản 3 (đầu tư mạnh vào hạ tầng số): Đây là kịch bản mang tính chiến lược dài hạn, đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ thông tin, cả phần cứng và phần mềm. Chỉ khi kinh tế số lõi phát triển vững chắc, kinh tế số lan tỏa mới có thể phát triển và đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng nền kinh tế.
"Trong các nghiên cứu của chúng tôi cũng như kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, khi phát triển kinh tế số, người ta luôn khuyến nghị Chính phủ cần phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng mạng, vì đó là chủ quyền quốc gia, là an ninh mạng, và là ưu tiên hàng đầu cho đầu tư công. Ngoài ra, đối với các lĩnh vực khác của hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, chúng ta hoàn toàn có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam tham gia, tạo ra những sản phẩm "Make in Vietnam" - ông nói thêm
Hồng Hương
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//goc-nhin-chuyen-gia/chuyen-gia-dua-ra-ba-ki-ch-ba-n-pha-t-trie-n-kinh-te-so-cho-vie-t-nam-1108160.html