Người thân khóc thương bên thi thể của 2 trẻ em thiệt mạng trong cuộc không kích của Israel ở Deir al-Balah, Dải Gaza, ngày 10-7. Ảnh: AP
Trong tuyên bố, các nước nhấn mạnh rằng "bạo lực đang đẩy hàng triệu dân thường vào thảm họa nhân đạo", đồng thời khẳng định rằng mọi hành động quân sự phải dừng lại ngay để cứu lấy những sinh mạng vô tội. "Tình hình nhân đạo ở Gaza đã vượt quá mức chịu đựng. Mỗi giờ qua đi là thêm nhiều sinh mạng bị đe dọa. Chúng tôi kêu gọi các bên ngừng bắn lập tức, cho phép viện trợ được tiếp cận tự do và khởi động lại tiến trình hòa bình", trích tuyên bố. Tuyên bố kêu gọi các bên và cộng đồng quốc tế đoàn kết trong một nỗ lực chung nhằm chấm dứt cuộc xung đột thông qua một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, vô điều kiện và vĩnh viễn, đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ đối với nỗ lực hòa giải của Mỹ, Qatar và Ai Cập. Các nước ký kết cũng cho biết sẵn sàng có thêm hành động để thúc đẩy một lệnh ngừng bắn bền vững.
Tuyên bố chung cũng cho rằng Quỹ Nhân đạo Gaza (GHF) - cơ chế phân phối viện trợ do Mỹ và Israel hậu thuẫn nhằm thay thế cho các hoạt động của Liên hợp quốc (LHQ) là hoạt động "nguy hiểm", không đảm bảo an toàn và chỉ cung cấp viện trợ "nhỏ giọt" cho người dân. Các nước cảnh báo việc giết hại thường dân, kể cả trẻ em, khi họ đang tìm kiếm thực phẩm và nước sạch, là "vô nhân đạo" và không thể biện minh. Theo số liệu của LHQ, tuần trước đã có ít nhất 875 người thiệt mạng khi tìm cách nhận lương thực từ GHF. Tuyên bố có đoạn viết "Việc chính phủ Israel từ chối hỗ trợ nhân đạo thiết yếu là không thể chấp nhận được", đồng thời kêu gọi Tel Aviv ngay lập tức dỡ bỏ các hạn chế đối với dòng viện trợ và cho phép LHQ cùng các tổ chức nhân đạo hoạt động an toàn, hiệu quả tại Gaza.
Ngoài ra, tuyên bố cũng lên án việc Hamas tiếp tục giam giữ con tin, yêu cầu lực lượng này "trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện" cho các con tin, đồng thời nhấn mạnh rằng một thỏa thuận ngừng bắn có thể là "hy vọng tốt nhất" để đưa các con tin trở về. Về các kế hoạch tái định cư, nhóm 25 nước tuyên bố phản đối mạnh mẽ mọi hành động dẫn tới thay đổi lãnh thổ hoặc nhân khẩu học tại các Vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, đặc biệt là kế hoạch chuyển người dân Gaza tới "thành phố nhân đạo" do Israel đề xuất. Tuyên bố nhấn mạnh: "Việc cưỡng bức di dời vĩnh viễn là hành vi vi phạm luật nhân đạo quốc tế". Tuyên bố cũng tái khẳng định ủng hộ giải pháp hai nhà nước như là hướng đi duy nhất để mang lại hòa bình lâu dài giữa Israel và Palestine. Tuyên bố cũng kêu gọi khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình, với sự trung gian của LHQ và các tổ chức quốc tế độc lập, nhằm đạt được thỏa thuận toàn diện về biên giới, quyền của người Palestine, và sự an toàn cho người dân Israel.
Đại diện của Chính quyền Palestine tại Ramallah hoan nghênh động thái này, cho rằng đây là "sự đoàn kết chưa từng có của cộng đồng quốc tế trước một thảm họa nhân đạo". Trong khi đó, Israel bác bỏ tuyên bố chung của 25 quốc gia kêu gọi một "lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và vô điều kiện" tại Dải Gaza. Bộ Ngoại giao Israel khẳng định tuyên bố này "không phù hợp với thực tế" và cho rằng Hamas là bên duy nhất phải chịu trách nhiệm cho xung đột và khủng hoảng nhân đạo hiện nay. Trên mạng xã hội X, Bộ Ngoại giao Israel cũng cáo buộc Hamas đã "từ chối" đề xuất ngừng bắn mới nhất mà Israel đã chấp thuận. Trong khi đó, một nguồn tin tiết lộ với báo Times of Israel rằng các nhà đàm phán của Hamas tại Doha đã không thể liên lạc với các lãnh đạo của tổ chức này tại Gaza kể từ cuối tuần trước, khiến tiến trình đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza và trả tự do cho con tin bị đình trệ.
Các chuyên gia khu vực nhận định rằng việc biến tuyên bố thành hành động thực tế sẽ còn gặp nhiều thách thức, trong đó bao gồm các yếu tố địa chính trị và lợi ích của từng bên. Việc 25 quốc gia cùng lên tiếng là dấu hiệu rõ ràng rằng sự kiên nhẫn quốc tế đang cạn dần. Song, giới phân tích cảnh báo rằng chỉ các tuyên bố chưa đủ để ép các bên ngừng bắn, nếu không đi kèm các biện pháp cụ thể như trừng phạt, ngoại giao cấp cao hoặc áp lực từ LHQ.
Tuyên bố chung được đưa ra trong bối cảnh Tổng Thư ký LHQ, ông Antonio Guterres ngày 21-7 đã lên án "sự xuống cấp nhanh chóng của các điều kiện nhân đạo" tại Gaza sau hơn 21 tháng xung đột Hamas-Israel. Người phát ngôn của Tổng thư ký, ông Stephane Dujarric cho biết: "Những tuyến đường sống còn cuối cùng đang sụp đổ". Tổng Thư ký Guterres lấy làm tiếc về những báo cáo ngày càng tăng cho thấy trẻ em và người lớn bị suy dinh dưỡng.
Hiện Mỹ và một số nước Arab đang đàm phán với Israel về việc nối lại hoạt động thả dù viện trợ nhân đạo xuống Gaza. Các cuộc đàm phán đã bắt đầu vào ngày 20-7 tại Cairo và Doha giữa một bên là đại diện của Israel và bên còn lại là đại diện của Mỹ, Ai Cập, Qatar và Jordan. Cơ quan Cứu trợ và việc làm của
LHQ dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) cho biết người dân Gaza hiện đang phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng, tình trạng mất an ninh lương thực và nạn đói lan rộng. Theo Sở Y tế tại Gaza, cuộc xung đột Gaza nổ ra từ tháng 10-2023 đã cướp đi sinh mạng của gần 59.000 người Palestine, chủ yếu là dân thường.
AN BÌNH