3.500 tấn giá đỗ ngâm hóa chất, kẻ chủ mưu xử lý sao?

3.500 tấn giá đỗ ngâm hóa chất, kẻ chủ mưu xử lý sao?
4 giờ trướcBài gốc
Công an tỉnh Nghệ An vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 đối tượng là chủ 4 cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hóa chất về tội Vi phạm quy định ATTP.
Tang vật thu giữ gồm gần 2.000 lu chứa giá đỗ các loại, có tổng khối lượng khoảng 25 tấn giá đỗ; 25 lít dung dịch hóa chất “nước kẹo” (tên khoa học là chất 6-Benzylaminopurine (6- BAP)) nguyên chất và 150 lít dung dịch đã pha chế để phục vụ việc sản xuất giá đỗ cùng một số tang vật liên quan khác.
Cơ quan điều tra xác định, từ năm 2024 đến nay, các đối tượng đã sản xuất, đưa ra thị trường khoảng 3.500 tấn giá đỗ có sử dụng hóa chất cấm.
Niêm phong tang vật là các thùng chứa giá đỗ ngâm hóa chất. (Ảnh VOV)
Liên quan đến vấn đề xử lý vi phạm đối với 4 cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hóa chất, trao đổi với PV Báo Tri thức & Cuộc sống, Ths, Luật sư Nguyễn Duy Hoàn, Công ty Luật TNHH Lawkey cho biết, việc các đối tượng sử dụng hóa chất 6-Benzylaminopurine để ngâm ủ giá đỗ có thể không gây hậu quả tức thì, không làm chết người ngay, mà đó là cả quá trình hấp thụ lâu dài trong cơ thể người, gây ảnh hưởng sức khỏe người sử dụng.
Đây là hành vi rất nguy hiểm, để chứng minh hậu quả của hành vi này, cơ quan chức năng sẽ căn cứ tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và xác định số lượng hàng hóa chứa hóa chất này được bán ra để khởi tố bị can, phù hợp với các khung hình phạt của pháp luật. Căn cứ theo quy định tại nghị định 115/2018 (sửa đổi bởi nghị định 124/2021), các hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm sẽ bị phạt tiền, mức tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Ngoài ra các hình thức xử phạt bổ sung có thể được áp dụng, như tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
Ở góc độ pháp lý, hành vi sử dụng hóa chất độc hại để sản xuất thực phẩm là hành vi cấm, phạm vào tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, được quy định tại điều 317 Bộ Luật hình sự và bị khởi tố hình sự trên cơ sở căn cứ mức độ, tính chất vi phạm, mức phạt tù cao nhất là 20 năm nến gây ngộ độc làm chết 3 người trở lên.
Như vậy, hiện khung phạt hành chính cao nhất là 200 triệu, phạt tù cao nhất 20 năm với tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm là chưa cao. Trong khi đó, trong thực tiễn cơ quan chức năng xử lý cả về hành chính và hình sự chưa nghiêm khắc, xử phạt còn ở mức thấp so với khung hình phạt nên chưa đủ tính răn đe, khiến tình trạng vi phạm này vẫn tràn lan, nhiều người vẫn hám lời mà coi thường sức khỏe của người dân.
Vì vậy, cần nâng cao mức phạt đối với tội danh này, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm khắc để đảm bảo tính răn đe.
4 đối tượng sản xuất giá đỗ ngâm hóa chất bị bắt gồm: Lưu Mạnh Hưởng (sinh năm 1993), Lưu Văn Trung (sinh năm 1997), cùng trú tại xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định; Trần Khắc Duy (sinh năm 1990) và Nguyễn Văn Hướng (sinh năm 1998), cùng trú tại phường Vinh Tân, thành phố Vinh (Nghệ An).
Tại cơ quan công an, bước đầu các đối tượng khai nhận, đã sử dụng "nước kẹo" là chất 6-Benzylaminopurine (6-BAP) tưới vào các lu giá đỗ trong quá trình sản xuất để rút ngắn thời gian sinh trưởng, kéo dài thời gian bảo quản, giúp sản lượng giá đỗ cao hơn thông thường.
Theo Cơ quan chức năng, hóa chất 6 – Benzylaminopurine mà các đối tượng sử dụng tưới vào các lu giá đỗ trong quá trình sản xuất không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Đây là chất kích thích tăng trưởng tế bào, nếu con người tiếp xúc hoặc ăn phải sẽ gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng như: ngộ độc cấp tính, rối loạn tiêu hóa (gây tổn thương thực quản, niêm mạc dạ dày và dẫn đến buồn nôn), ảnh hưởng hô hấp (gây khó thở, tổn thương phổi, viêm phổi, làm tăng nặng các bệnh về phổi, phế quản, thậm chí xơ phổi)…
Bình Nguyên
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/doi-song/3500-tan-gia-do-ngam-hoa-chat-ke-chu-muu-xu-ly-sao-2099200.html