Ngày 9-4, TAND TP Tân Uyên (Bình Dương) mở phiên tòa xét xử sở thẩm đối với các bị cáo Trần Minh Đức, Trần Thị Mỹ Hạnh và Vũ Ngọc Sang (cùng ngụ TP.HCM) về tội xâm phạm chỗ ở của người khác.
Đây là vụ án mà báo Pháp luật TP.HCM có nhiều bài viết phân tích, nêu ý kiến của các chuyên gia luật về việc truy tố, xét xử các bị cáo trong vụ án này là khiên cưỡng.
Tranh luận tình tiết bị cáo khóa cửa cổng nhà bị hại
Trong quá trình xét hỏi, đại diện VKSND TP Tân Uyên đã đề nghị HĐXX cách ly các bị cáo và được chủ tọa phiên tòa đồng ý.
Đây là lần thứ 3 vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm sau 7 năm các bị cáo bị khởi tố.
Các bị cáo bị cách ly trong quá trình xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: VH.
Tại phiên tòa hôm nay, các bị cáo khai rằng năm 2007, bị cáo Đức mua của bà Nguyễn Thị Tư (ngụ thị xã Tân Uyên, nay là TP Tân Uyên) 2 mảnh đất và nhà với số tiền 500 triệu đồng. Hai bên làm hợp đồng mua bán đặt cọc giấy tay. Bà Tư nhận 250 triệu đồng, giao cho ông Đức hai sổ hồng, cam kết làm hợp đồng công chứng sang tên trong vòng một tháng và nhận số tiền còn lại.
Tuy nhiên bà Tư không thực hiện theo hợp đồng mà làm đơn cớ mất sổ hồng và được cấp lại. Sau đó, bà thế chấp một sổ hồng mới cho ngân hàng để vay tiền và viết giấy tay bán cho nhiều người khác. Hay tin, các bị cáo gặp bà Tư để đòi lại tiền nhưng không được.
Ông Đức nhiều lần làm đơn tố cáo bà Tư lừa đảo. Tuy nhiên, cơ quan tố tụng thị xã Tân Uyên (này TP Tân Uyên) cho rằng là đây là quan hệ dân sự.
Ngày 2-11-2018, khoảng 14 giờ, biết thông tin bà Tư đang dọn nhà để chuyển đi chỗ khác nên bị cáo Đức, Hạnh và Sang đến nhà bà Tư thì thấy cửa cổng và cửa nhà đều đang mở. Hạnh và Sang đi vào bên trong nói bà Tư trả tiền. Thấy vậy bà Tư ra khỏi nhà và báo chính quyền đến sau 20 phút.
Bị cáo Hạnh trình bày, khi bà Tư đi ra khỏi nhà, bị cáo còn đi ra ngoài, có bị cáo Sang vào hè nhà bà Tư kéo võng trước cửa nhà bà Tư. Một lúc sau thấy có công an, dân phòng và một số người đến nhưng không vào nhà bà Tư mà đứng ngoài cổng. Sau đó có lãnh đạo UBND xã đến, bị cáo đã đi theo và trình bày sự việc bà Tư lừa bán đất rồi tiếp tục đi ra ngoài.
"Vì bà Tư không quay về nhà nên bị cáo cũng mong muốn chính quyền địa phương đến xử lý, yêu cầu bà Tư về để làm việc. Sau khi thấy trời cũng sắp tối mà bà Tư không về, hết giờ làm việc nên các bị cáo đã lên xe ra về thì bị lực lượng công an yêu cầu quay vào nhà làm việc. Khi vừa vào đến nhà bà Tư để làm việc thì bị lực lượng công an, dân phòng ùa vào khống chế, còng tay đưa về trụ sở", bị cáo Hạnh trình bày.
Tại phiên tòa, các bị cáo đều kêu oan và cho rằng các nội dung trong cáo trạng truy tố nhiều nội dung không đúng. Bên cạnh đó, các bị cáo yêu cầu tòa xem xét hành vi có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với bà Tư.
Giữ quyền công tố tại tòa, đại diện VKSND TP Tân Uyên đưa ra tình tiết bị cáo Hạnh khai có dùng khóa cửa cổng nhà bà Tư vì sợ bà này không có nhà mất tài sản và không cho ai vào.
Tuy nhiên, bị cáo Hạnh khẳng định không có tình tiết đó. Các bị cáo cũng khẳng định không có việc bị cáo Hạnh khóa cửa cổng nhà bà Tư khi đi ra ngoài.
Trong phiên tòa ngày hôm nay, HĐXX đã triệu tập, mời những người liên quan, người làm chứng để làm rõ những tình tiết trong vụ án. Lãnh đạo công an phường và những người trong đoàn thể thời điểm xảy ra vụ án cũng không nhìn thấy cửa cổng của nhà bà Tư bị khóa.
Người bị hại trong vụ án là bà Tư cho rằng mình mượn tiền của Đức. Sau đó Đức làm hợp đồng mua bán nhà đất và cầm sổ hồng. Nếu không trả được tiền cho bị cáo Đức thì phải chuyển nhượng đất.
Phạt tù đối với các bị cáo
VKSND cho rằng việc mua bán đất của bị cáo Đức với bà Tư chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận. Các bị cáo đã nhiều lần đến nhà bà Tư yêu cầu thực hiện việc mua bán và đã được chính quyền địa phương vận động. Hành vi của các bị cáo đã gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Vì vậy cần có một bản án đủ sức răn đe, phòng ngừa chung.
Từ đó, đại diện VKSND đề nghị HĐXX tuyên phạt các bị cáo mức án từ 1 năm 6 tháng tù đến 2 năm tù về tội xâm phạm chỗ ở của người khác.
Sau khi nghị án, HĐXX nhận định, trong vụ án này có một phần lỗi của người bị hại là bà Tư vì đã nhận tiền đặt cọc đất của bị cáo Đức. Khi đã hết hạn theo hợp đồng nhưng bị hại không làm việc với bị cáo Đức mà làm đơn cớ mất để làm mới sổ hồng rồi thế chấp ngân hàng và sau đó còn bán đất nhiều cho nhiều người.
Dù vậy, theo HĐXX, cáo trạng truy tố đối với hành vi của các bị cáo là có cơ sở nên được chấp nhận. Lời trình bày của các bị cáo không có cơ sở để xem xét, lời khai của các bị cáo không phù hợp chứng cứ có trong hồ sơ. Hành vi của các bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội xâm phạm chỗ ở của người khác.
Hành vi của các nguy hiểm cho xã hội, các bị cáo có đầy đủ năng lực hành vi. Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến chỗ ở của công dân được pháp luật bảo vệ gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự địa phương nên cần có một mức án nghiêm đủ răn đe để phòng ngừa chung.
Do đó, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Trần Minh Đức 12 tháng tù giam, Trần Thị Mỹ Hạnh 15 tháng tù giam và Vũ Ngọc Sang 18 tháng tù giam.
Tòa từng trả hồ sơ vì cho rằng không đủ cơ sở buộc tội
Tại phiên tòa sơ thẩm mở ngày 28-7-2020, khi quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, tòa nhận định: Nếu bà Tư còn nợ tiền mà các bị cáo đến nhà bị hại, cổng nhà không đóng, bị hại có mặt tại nhà nhưng do hoảng sợ nên ngay lập tức ra khỏi nhà và báo chính quyền sau 20 phút thì việc các bị cáo đến nhà bị hại là có lý do và vào nhà bằng lối cổng mở là không có hành vi xâm phạm trái pháp luật chỗ ở của bà Tư. Do đó, chưa đủ cơ sở buộc tội các bị cáo xâm phạm chỗ ở của người khác. Hành vi trên chỉ có thể xử lý bằng các biện pháp khác.
Ngày 3-12-2020, CQĐT tạm đình chỉ điều tra, chờ kết quả giám định tâm thần của bị hại. Đến ngày 15-3-2023, CQĐT phục hồi điều tra vụ án và ra kết luận điều tra, VKS ra cáo trạng truy tố.
VŨ HỘI