Cụ thể, Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo, các nhà trường thực hiện nghiêm túc các nội dung Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT do Bộ GD&ĐT ban hành, có hiệu lực từ ngày 14/2.
Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị, nhà trường phổ biến, tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh những quy định về dạy thêm, học thêm theo đúng quy định. Trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn vướng mắc, các cơ sở phải thông tin kịp thời về Sở thông qua phòng Giáo dục trung học.
Sở GD&ĐT Đắk Lắk cũng vừa có văn bản yêu cầu các trường học, cơ sở giáo dục tuyên truyền đến phụ huynh, quán triệt giáo viên về dạy thêm học thêm. Chia sẻ với báo chí, ông Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết, đơn vị đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện Thông tư 29 về quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Hiệp, trong quá trình chờ UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành chính thức hướng dẫn về quy định dạy thêm, học thêm, Sở GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu Trưởng phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố; hiệu trưởng các trường THPT, trường Phổ thông có nhiều cấp học; giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh; Trung tâm GDNN-GDTX nghiên cứu kỹ các nội dung quy định về dạy thêm, học thêm tại Thông tư số 29 và phổ biến đến tất cả cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh.
Từ ngày 14/2, Thông tư 29 về dạy thêm học thêm chính thức có hiệu lực.
Trong quá trình triển khai thực hiện, Sở GD&ĐT Đắk Lắk yêu cầu thủ trưởng các đơn vị lưu ý việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng ký học thêm theo từng môn học theo Thông tư 29. "Chúng tôi cũng yêu cầu các đơn vị giáo dục phải hoàn trả các khoản tiền đã thu trước đây để phục vụ việc dạy thêm, học thêm của học sinh tương ứng với thời gian không thực hiện; kịp thời thanh toán đầy đủ kinh phí với người dạy thêm, nghĩa vụ thuế với các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định".
Nói về khó khăn trong việc hoàn trả tiền dạy thêm, học thêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk chia sẻ, việc hoàn trả này không phải muốn là làm được ngay, cần chờ báo cáo các đơn vị gửi lên mới biết rõ tình hình. "Tuy nhiên đã thu tiền dạy thêm, học thêm mà không thực hiện sẽ phải trả lại".
Với TP. HCM, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết sẽ họp với các quận huyện để hướng dẫn cũng như phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc quản lý các trung tâm dạy thêm, học thêm. Sở sẽ sớm tham mưu để UBND TP.HCM ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về dạy thêm, học thêm trước 14/2.
Trước thắc mắc giáo viên trường công có được dạy thêm tại nhà của mình hay không, ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, theo Thông tư 29 về dạy thêm học thêm của Bộ GD&ĐT, giáo viên trường công lập không được phép tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường. Và hoàn toàn không cấm việc giáo viên dạy thêm nhưng phải thực hiện theo đúng quy định.
Cụ thể, giáo viên chỉ được dạy thêm tại nơi có đăng ký kinh doanh theo đúng pháp luật (hộ kinh doanh, trung tâm dạy thêm học thêm) được Sở Kế hoạch đầu tư hoặc UBND TP.Thủ Đức, các quận, huyện cấp phép.
Trong trường hợp này, nếu giáo viên có cơ sở vật chất là nhà riêng hoặc phòng ốc đủ điều kiện cho các cá nhân, tổ chức đăng ký kinh doanh dạy thêm học thêm thuê để tổ chức thì giáo viên được phép dạy tại trung tâm này như những trung tâm khác.
Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP. HCM nhắc nhở khi dạy thêm, giáo viên cần lưu ý không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; Không dạy thêm có thu tiền ngoài nhà trường với học sinh chính khóa.
Ông Hồ Tấn Minh cho hay, UBND TP.HCM đã giao Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện các công việc như sau: Chịu trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn; Chỉ đạo phòng GD&ĐT hướng dẫn, tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn quản lý; Xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm; Chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện giám sát, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, giờ làm thêm và các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ của các tổ chức, cá nhân dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường trên địa bàn.
Quan điểm của Sở GD&ĐT TP.HCM là kiên quyết thực hiện đúng theo thông tư về dạy thêm của Bộ GD&ĐT, không có chuyện du di, thông cảm. Đây là một quy định có lợi cho học sinh, góp phần chấm dứt tình trạng ép học sinh đi học thêm.
Ngày 30/12/2024, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư quy định không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho 3 đối tượng: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Đối với quy định dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, Thông tư mới quy định: Tổ chức cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền của học sinh phải thực hiện đúng các quy định về pháp luật liên quan (đăng ký kinh doanh, khai báo hoạt động, cung cấp thông tin liên quan với chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật); giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình trên lớp…
Đỗ Vi