3 kịch bản lạm phát năm 2025

3 kịch bản lạm phát năm 2025
4 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa
Báo cáo của Bộ Tài chính tại cuộc họp Ban Chỉ đạo đánh giá công tác quản lý, điều hành giá năm 2024 và định hướng năm 2025 đã đưa ra dự báo lạm phát năm 2025. Theo đó, trong năm 2025, công tác quản lý điều hành giá dự báo gặp một số thách thức, áp lực đến từ thị trường, giá cả các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu (giá nhiên liệu; giá vật liệu xây dựng, lương thực, thực phẩm; giá một số mặt hàng do nhà nước quản lý…) và một số yếu tố khác.
Bộ Tài chính giả định biến động giá một số mặt hàng thiết yếu tác động đến CPI theo 3 kịch bản. Cụ thể, kịch bản 1, dự báo CPI bình quân năm 2025 tăng khoảng 3,83% so với năm 2024. Kịch bản 2, dự báo CPI bình quân năm 2025 tăng khoảng 4,15% so với năm 2024. Kịch bản 3, dự báo CPI bình quân năm 2025 tăng khoảng 4,5% so với năm 2024.
Trên cơ sở các kịch bản trên, Bộ Tài chính xác định công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2025 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bình ổn mặt bằng giá để ổn định sản xuất, sinh hoạt của người dân, thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng khó khăn.
Bộ Tài chính cũng đề xuất một số giải pháp trọng tâm trong công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2025 gồm: Tăng cường công tác quản lý, điều hành giá khi thị trường có nhu cầu cao trong các dịp lễ, tết; chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường; chủ động và linh hoạt trong quản lý, điều hành giá năm 2025; các bộ ngành tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về giá đối với các mặt hàng theo lĩnh vực quản lý (xăng dầu, điện, dịch vụ khám chữa bệnh, lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, đất đai, bất động sản, vận tải, dịch vụ giáo dục, sách giáo khoa).
Trong 3 kịch bản lạm phát năm 2025 được Bộ Tài chính đề xuất, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, đề nghị chọn kịch bản thứ 2 (CPI bình quân năm 2025 tăng khoảng 4,15% so với năm 2024) để quyết liệt triển khai các giải pháp thực hiện. Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 tối thiểu phải đạt 8%, lượng tiền cung vào nền kinh tế sẽ lớn hơn nhiều so với năm 2024, do vậy sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá, đặc biệt là giá tiêu dùng.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao xây dựng kịch bản điều hành giá của mặt hàng quản lý theo từng quý, gửi cho Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê để tổng hợp, tham mưu cho Chính phủ các biện pháp điều hành khả thi nhất.
Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị yêu cầu thực hiện ngay và nghiêm túc Luật Giá để giữ môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh trường hợp thao túng giá, chiếm dụng, nâng giá. Theo Phó Thủ tướng, công khai giá, bán theo giá niêm yết chính là biện pháp bảo vệ người tiêu dùng và xác định hành vi bán hàng của người bán một cách minh bạch, khách quan.
Theo Tổng cục Thống kê, bình quân năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,71% so với năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,63%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản. Tổng cục Thống kê đánh giá đây là mức lạm phát phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội ở trong nước, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, là điểm sáng trong kết quả phát triển kinh tế của Việt Nam năm 2024. Tuy nhiên, năm 2025 Việt Nam vẫn sẽ đối mặt với nhiều yếu tố tiềm ẩn gây áp lực lên lạm phát.
H.Y
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/3-kich-ban-lam-phat-nam-2025-20250207152316286.htm