Kinh tế Nga có thể suy yếu ngay cả khi xung đột với Ukraine chấm dứt

Kinh tế Nga có thể suy yếu ngay cả khi xung đột với Ukraine chấm dứt
6 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Kể từ khi xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine nổ ra cách đây 3 năm, nền kinh tế Nga đã đương đầu với nhiều sức ép lớn. Một báo cáo mới đây cho rằng ngay cả khi cuộc chiến này chấm dứt, tình hình của nền kinh tế Nga sẽ khó sớm được cải thiện.
Theo báo cáo từ Trung tâm Hành động chính sách châu Âu (CEPA) - một tổ chức nghiên cứu có trụ sở ở Washington DC, Mỹ - triển vọng kinh tế Nga vẫn có thể xấu đi trong tường hợp xung đột ở Ukraine kết thúc. Đó là bởi Nga một mặt đã trở nên phụ thuộc nhiều vào chi tiêu quân sự để thúc đẩy kinh tế, mặt khác nước này đang đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế cần có thời gian để giải quyết ngay cả sau khi chiến tranh chấm dứt.
SỰ PHỤ THUỘC VÀO CHI TIÊU QUÂN SỰ
“Cho dù các cuộc giao tranh không diễn ra nữa, chi tiêu quân sự vẫn cần phải duy trì ở mức cao” để đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng - ông Alexander Kolyandr, một chuyên gia cấp cao của CEPA, nhận định trong báo cáo được trang Business Insider trích dẫn.
Theo kế hoạch ngân sách mới nhất của Chính phủ liên bang Nga, nước này sẽ chi kỷ lục 13,5 nghìn tỷ rúp, tương đương khoảng 135 tỷ, cho quân sự trong năm 2025, từ mức khoảng 10,8 nghìn tỷ rúp trong năm ngoái. Các chuyên gia kinh tế nói rằng chi tiêu quân sự lớn giống như một chương trình kích cầu, đóng góp chính vào tăng trưởng kinh tế gần đây của Nga. Năm ngoái, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này tăng khoảng 4%.
Nhưng các chỉ số khác về triển vọng kinh tế dài hạn của Nga lại yếu hơn.
Nước này đang thiếu lao động nghiêm trọng do một lượng lớn người di cư ra nước ngoài kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, bên cạnh một lượng lớn nam giới phải ra chiến trường. Theo ước tính của Học viện Kinh tế thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga, nước này thiếu hụt khoảng 5 triệu lao động trong năm 2023.
“Sự khan hiếm trên thị trường lao động sẽ còn tồn tại trừ phi kinh tế Nga suy giảm nghiêm trọng. Sự kết hợp giữa thách thức nhân khẩu học, chảy máu chất xám và nhu cầu cao của ngành công nghiệp quốc phòng và quân đội sẽ gây áp lực lên thị trường, buộc Nga phải lựa chọn giữa một bên là nhập khẩu lao động nước ngoài và chấp nhận đối mặt với sự không hài lòng của người dân, và một bên là tình trạng thiếu lao động kéo dài”, ông Kolyandr đánh giá.
Làn sóng di cư của lao động trình độ cao đã khiến Nga có dấu hiệu tụt lại trong lĩnh vực công nghệ - một vấn đề mà các nhà kinh tế cho là có thể ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng dài hạn của kinh tế Nga.
Số hồ sơ xin cấp bằng sáng chế ở Nga giảm 13% trong năm 2022, trong khi số hồ sơ từ nước ngoài xin cấp bằng sáng chế tại Nga giảm 30% - theo dữ liệu từ Văn phòng Bằng sáng chế Nga.
“Nga còn lạc hậu về công nghệ và phụ thuộc vào nhập khẩu công nghệ cao. Ngân sách 2025 của Nga - với sự hy sinh rơi vào các lĩnh vực khoa học, giáo dục, và y tế để nhường sự ưu tiên cho quốc phòng - phản ánh vấn đề này”, ông Kolyandr nói thêm.
LỆNH TRỪNG PHẠT, LẠM PHÁT CAO, LÃI SUẤT CAO
Ngoài ra, Nga cũng tiếp tục chịu sức ép từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Lệnh trừng phạt hạn chế sự tiếp cận của Nga với các nguồn vốn quốc tế và làm giảm mạnh nguồn thu của nước này từ việc xuất khẩu các hàng hóa quan trọng, nhất là dầu thô và khí đốt.
Thu ngân sách từ xuất khẩu năng lượng của Nga giảm gần 1/4 trong năm 2023. Theo một dự thảo ngân sách của Nga mà hãng tin Bloomberg thu thập được, điện Kremlin dự kiến thô ngân sách từ xuất khẩu dầu khí sẽ tiếp tục giảm cho tới năm 2027.
“Sẽ là không chính xác nếu nói rằng các biện pháp trừng phạt không ảnh hưởng đến Nga. Trừng phạt đã tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế Nga, có thể gieo mầm cho một cuộc khủng hoảng”, ông Kolyandr phát biểu.
Trong những ngày cầm quyền cuối cùng, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã đưa ra biện pháp trừng phạt đối với “đội tàu bí ẩn” - gồm những con tàu chở dầu giúp Nga lách trừng phạt.
Ngoài ra, việc Ukraine từ chối gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga sang châu Âu khiến hãng khí đốt quốc doanh khổng lồ Gazprom của Nga mất đi khoảng 5 tỷ USD doanh thu mỗi năm. Gazprom đã lỗ khoảng 7 tỷ USD trong năm 2023, đánh dấu lần năm đầu tiên thua lỗ trong gần 25 năm.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính kinh tế Nga tăng trưởng 3,8% trong năm 2024, nhưng dự báo mức tăng chỉ đạt 1,4% trong năm nay.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng quý so với cùng kỳ năm trước của Nga - Nguồn: Số liệu thống kê/The Bell.
Lạm phát và lãi suất cao là những vấn đề nan giải khác của kinh tế Nga hiện nay.
Thậm chí gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận rằng “khối lượng sản phẩm làm ra không tăng kịp tiêu dùng” - một công thức kinh điển cho sự gia tăng của giá cả. Tốc độ lạm phát ở Nga năm 2024 là 9,5%, tăng tốc từ mức 7,4% của năm 2023. Thiếu lao động đồng nghĩa tiền lương tăng cao, dẫn tới một vòng xoáy tăng lương tăng giá.
Từ tháng 12/2023 đến tháng 7/2024, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) giữ lãi suất tham chiếu ở mức 16%. Sau đó, lạm phát tăng tốc buộc cơ quan này phải tăng lãi suất lên kỷ lục 21% vào tháng 10 và duy trì cho đến nay. Trong nỗ lực tăng lãi suất để chống lạm phát, CBR đối mặt với sức ép lớn từ giới doanh nghiệp và các nghị sỹ Nga trong những tháng gần đây.
Theo dự báo của CBR, lãi suất sẽ bình quân trong khoảng 17-20%. Cơ quan này cũng đã hoãn mục tiêu giảm lạm phát về mức 4% tới năm 2026.
An Huy
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/kinh-te-nga-co-the-suy-yeu-ngay-ca-khi-xung-dot-voi-ukraine-cham-dut.htm