Bước tiếp theo của Triều Tiên sau khi 'biến mất' tại Kursk

Bước tiếp theo của Triều Tiên sau khi 'biến mất' tại Kursk
3 giờ trướcBài gốc
Báo Newsweek nhận định trong bối cảnh chính trị đầy biến động, Bình Nhưỡng có thể tiếp tục củng cố quan hệ với Nga, tìm kiếm sự hỗ trợ từ Trung Quốc hoặc cân nhắc khả năng tái kết nối với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Triều Tiên rút quân khỏi Ukraine nhưng vẫn có thể hỗ trợ Nga, cải thiện quan hệ với Trung Quốc và tìm cơ hội đối thoại Mỹ - Ảnh: Newsweek
Sự ủng hộ đối với Nga
Báo cáo tình báo của Ukraine, các quốc gia phương Tây và Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã gửi khoảng 12.000 binh sĩ đến chiến trường Ukraine, tham gia trực tiếp vào các cuộc giao tranh tại Kursk. Tuy nhiên, theo thông tin từ phía Ukraine, một nửa trong số đó đã thiệt mạng hoặc bị thương, làm dấy lên nghi ngại về hiệu quả thực sự của lực lượng này. Bất chấp những tổn thất, các chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng có thể tiếp tục hỗ trợ Moscow, đặc biệt là trong các chiến dịch kéo dài nhằm đẩy lùi quân đội Ukraine tại ra khỏi lãnh thổ.
Bryden Spurling, chuyên gia về quốc phòng và an ninh tại tổ chức nghiên cứu Rand Corporation, cho rằng Triều Tiên coi rủi ro khi hỗ trợ Nga là không đáng kể. Không giống như các quốc gia khác, Bình Nhưỡng đã thể hiện cam kết mạnh mẽ khi triển khai lực lượng mặt đất, mặc dù chất lượng binh sĩ còn gây tranh cãi. Các nguồn tin đưa ra những đánh giá khác nhau về quân đội Triều Tiên, với một số cho rằng họ là đội quân cảm tử, trong khi những báo cáo khác nhận định họ là lực lượng có kỷ luật và được huấn luyện bài bản.
Phía Ukraine tiết lộ, từ giữa tháng 1, họ không còn phát hiện sự hiện diện của quân đội Triều Tiên trên chiến trường ở Kursk. Việc rút quân có thể là do Bình Nhưỡng lo ngại về mức độ thương vong, cũng như nguy cơ binh sĩ bị Ukraine bắt giữ. Hiện tại, chính quyền Kyiv đang giam giữ hai tù binh Triều Tiên, một trong số họ đã bày tỏ mong muốn ở lại Ukraine, trong khi người còn lại yêu cầu được hồi hương.
Hợp tác quân sự với Moscow
Dù Triều Tiên có thể đã tạm dừng tham chiến trực tiếp, quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Moscow vẫn tiếp tục được củng cố. Một số chuyên gia nhận định rằng nhà lãnh đạo Kim Jong Un có thể tìm kiếm viện trợ quân sự và công nghệ từ Nga để đổi lấy nguồn cung đạn dược, tên lửa và nhân lực. Những lĩnh vực mà Triều Tiên đặc biệt quan tâm bao gồm công nghệ máy bay, tàu ngầm và tên lửa dẫn đường chính xác.
Theo các báo cáo gần đây, tên lửa do Triều Tiên cung cấp cho Nga đã có sự cải thiện đáng kể về độ chính xác, làm dấy lên lo ngại từ các quốc gia như Hàn Quốc. Điều này cho thấy Bình Nhưỡng không chỉ hỗ trợ Moscow mà còn tận dụng xung đột tại Ukraine để thử nghiệm và nâng cao năng lực vũ khí của mình.
Andrew Yeo, chuyên gia tại Viện Brookings, nhận định rằng mặc dù có thể có những thay đổi về chiến thuật, quan hệ chiến lược giữa Nga và Triều Tiên vẫn không suy giảm. Bình Nhưỡng nhiều khả năng sẽ tiếp tục tham gia vào cuộc xung đột Ukraine thông qua nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như cung cấp vũ khí hoặc hỗ trợ huấn luyện.
Ngoài việc cung cấp khí tài cho Moscow, Triều Tiên có thể tái triển khai lực lượng sau một giai đoạn tái huấn luyện, đặc biệt nếu Nga tiếp tục gia tăng sức ép trên chiến trường Ukraine. Đồng thời, Bình Nhưỡng đang theo dõi chặt chẽ diễn biến cuộc chiến để điều chỉnh chiến lược quân sự của mình, tận dụng cơ hội này nhằm nâng cao năng lực tác chiến và củng cố vị thế quốc tế.
Triều Tiên và Trung Quốc
Bên cạnh Nga, Trung Quốc cũng đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Triều Tiên. Dù quan hệ giữa hai nước từng có giai đoạn lạnh nhạt, nhà lãnh đạo Kim Jong Un có thể tìm cách cải thiện quan hệ với Chủ tịch Tập Cận Bình để đảm bảo một nguồn hỗ trợ ổn định.
Trong bối cảnh Triều Tiên đang mở rộng hợp tác với Nga, Bắc Kinh có thể cảm thấy cần phải gia tăng ảnh hưởng lên Bình Nhưỡng để ngăn chặn sự lệ thuộc quá mức vào Moscow. Việc duy trì cân bằng giữa hai cường quốc này có thể giúp Triều Tiên có thêm lợi thế trong các cuộc đàm phán và tránh rơi vào tình trạng bị một bên kiểm soát hoàn toàn.
Triển vọng đối thoại với Mỹ
Dù quan hệ với phương Tây căng thẳng, Triều Tiên vẫn để ngỏ khả năng đàm phán với Mỹ. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Bình Nhưỡng từng có những cuộc tiếp xúc ngoại giao quan trọng với Washington. Một số nhà quan sát nhận định rằng trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump, Triều Tiên có thể tìm kiếm cơ hội đàm phán nhằm giảm nhẹ các lệnh trừng phạt quốc tế.
Tuy nhiên, những dấu hiệu ban đầu từ chính quyền Trump cho thấy triển vọng cải thiện quan hệ Mỹ - Triều Tiên vẫn còn nhiều thách thức. Bình Nhưỡng đã phản ứng mạnh mẽ trước phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, người gọi Triều Tiên là "quốc gia bất hảo". Đồng thời, nước này cũng chỉ trích kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa mới của Mỹ, coi đây là động thái nhằm củng cố vị thế quân sự và duy trì ảnh hưởng toàn cầu.
Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng Triều Tiên có thể tận dụng sự thay đổi chính quyền ở Washington để thúc đẩy lợi ích của mình, chẳng hạn như yêu cầu dỡ bỏ trừng phạt hoặc tìm kiếm sự công nhận là một cường quốc hạt nhân. Tuy nhiên, khả năng Mỹ chấp nhận nhượng bộ vẫn còn là một ẩn số.
Hoàng Vũ
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/buoc-tiep-theo-cua-trieu-tien-sau-khi-bien-mat-tai-kursk-229068.html