Trong dịp Tết, rất khó tránh khỏi những tai nạn sinh hoạt. Xin bác sĩ hướng dẫn cách sơ cứu khi gặp vấn đề này, trường hợp nào cần đi bệnh viện? Tôi xin cảm ơn! (Nguyễn Vi Anh - Đông Anh, Hà Nội).
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Mạnh Hà - Trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình và chấn thương cột sống, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) tư vấn:
Dịp Tết, sinh hoạt đi lại khác ngày thường nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn do pháo nổ, giao thông, đánh nhau.
Tai nạn sinh hoạt tại khu vực nhà bếp cũng khá phổ biến. Khi còn công tác tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), tôi từng tiếp nhận những bệnh nhân cấp cứu sau khi chặt gà vì chặt vào tay mình, có trường hợp đứt rời chi thể do pháo nổ.
Gần đây, tai nạn do pháo nổ giảm hơn nhưng vẫn còn xuất hiện tình trạng người lớn và trẻ em mua pháo thậm chí sản xuất pháo dẫn tới các vụ việc thương tâm.
Để phòng tránh tai nạn trong dịp Tết, bạn cần nâng cao cảnh giác. Gia đình thường xuyên quan tâm, để mắt tới các con, dọn dẹp nhà đảm bảo an toàn, không tự ý trèo, với tay ra vùng quá xa.
Trong bếp, bạn cần để gọn các đồ vật có thể gây bỏng như nước nóng, canh nóng. Việc cắt, chặt thức ăn đảm bảo kê chắc chắn.
Khi đi lại, tuyệt đối tuân thủ luật giao thông, không uống rượu bia khi điều khiển xe cộ.
Khi có tai nạn xảy ra, mỗi loại vết thương cần có cách xử trí khác nhau:
1. Với vết thương chảy máu, cần nhanh chóng cầm máu bằng ép gạc sạch. Trường hợp không cầm được máu nên garo và đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Nếu đi xa hơn 15 phút, bạn cần nới lỏng garo cho nạn nhân để máu được lưu thông.
2. Vết thương bỏng là tai nạn khá phổ biến và hay gặp ở các gia đình. Sơ cứu bỏng bằng cách rửa dưới vòi nước sạch hoặc nước lạnh. Nếu bỏng trên thân có kèm quần áo, không tự cởi đồ mà sơ cứu bằng nước rồi dùng chăn sạch quấn vào vùng tổn thương và đi cấp cứu.
3. Vết thương do té ngã gãy chân, tay dễ theo dõi hơn. Sơ cứu bằng cố định nẹp vị trí gãy.
Đối với trường hợp chấn thương vùng sọ não cần theo dõi rất kỹ. Nếu nạn nhân đau đầu, chóng mặt, buồn nôn cần đưa ngay tới cơ sở y tế. Trường hợp ngay lúc ngã chưa có dấu hiệu cấp tính vẫn cần theo dõi, tụ máu ngoài màng cứng có thể xuất hiện chậm, hơn 2-3 ngày sau. Ở một số đối tượng, có thể phải theo dõi từ 1 đến 3 tháng.
Đặc biệt lưu ý đối với những bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường… khi xuất hiện vết thương hở cần lưu ý tiêm phòng uốn ván. Sau chấn thương, bệnh nhân nên đến khám các chuyên khoa và dùng thuốc theo đơn bác sĩ điều trị. Tuyệt đối không tự ý điều trị để tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.
Phương Thúy