Sau khi uống một loại dùng dịch giống như nước ngọt cùng các bạn, một em bé có dấu hiệu đau bụng, buồn nôn và mệt mỏi nên gia đình đã đưa vào Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu, với những biểu hiện của ngộ độc thực phẩm.
Người nhà bệnh nhân cho biết: "Thấy cháu có dấu hiệu mệt mỏi cứ nằm ly bì kèm theo đau bụng buồn nôn nên tôi đưa cháu đi viện luôn".
Theo Trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai, trong những ngày trước trong và sau Tết, số lượng bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc luôn tăng cao hơn bình thường. Tuy nhiên năm nay có khác biệt hơn là số bệnh nhân ngộ độc rượu đã giảm 50% so với dịp Tết năm ngoái. Nhưng số vụ ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật lại có dấu hiệu tăng cao hơn.
Tết năm nay nghỉ dài, cộng với tâm lý người dân thường mua sắm tích trữ nhiều loại thực phẩm nên nguy cơ ngộ độc xảy ra rất lớn. Trong đó nguyên nhân chính gây ngộ độc thường là sử dụng phải thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm chế biến sẵn không đảm bảo vệ sinh và thứ hai là do bảo quản sử dụng thực phẩm sai cách. Vì vậy, để chủ động phòng ngừa, người dân cần phải đặc biệt lưu ý.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: "Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm người dân chúng ta cần đảm bảo triệt để nguyên tắc ăn chín uống sôi, đặc biệt là trong quá trình mua sắm thực phẩm, bảo quản thực phẩm phải đúng cách, không được sử dụng những thực phẩm chế biến sẵn đã để quá lâu".
Các chuyên gia khuyến cáo, khi phát hiện người có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm cần ngay lập tức ngừng ăn loại thực phẩm nghi ngờ, sau đó theo dõi, quan sát các triệu chứng. Nếu thấy người bệnh có các biểu hiện nghiêm trọng như tiêu chảy quá nhiều, co giật, khó thở, mất ý thức, cần đưa ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.
Thu Hà
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/gia-tang-nguy-co-ngo-doc-thuc-pham-dip-tet-300069.htm