1. Người mắc bệnh thận nên hạn chế ăn khoai lang
Nội dung
1. Người mắc bệnh thận nên hạn chế ăn khoai lang
2. Khoai lang gây khó chịu cho người có vấn đề về tiêu hóa
3. Người mắc bệnh đái tháo đường cần kiểm soát khẩu phần
4. Cách hạn chế các tác dụng phụ khi ăn khoai lang
Trên thực tế khoai lang không hẳn là không tốt đối với người mắc bệnh thận vì nó giàu beta-carotene và vitamin C, là những chất chống oxy hóa có thể giúp bảo vệ tế bào thận khỏi tổn thương.
Nguồn chất xơ trong khoai lang giúp kiểm soát lượng đường trong máu và giảm viêm, có lợi cho người bệnh thận, đặc biệt là những người có kèm theo đái tháo đường.
Tuy nhiên, khoai lang chứa nhiều kali. Đối với những người có chức năng thận suy giảm, thận có thể không lọc được hết kali dư thừa dẫn đến tình trạng tăng kali máu, một tình trạng nguy hiểm có nguy cơ gây ra các vấn đề về tim mạch.
Theo Lương y Trần Đăng Tài, Phó chủ tịch Hội Đông y TX.Thái Hòa (Nghệ An), khoai lang có chứa rất lớn chất xơ, kali và vitamin A, nếu ăn quá nhiều khoai lang có thể dẫn đến thừa kali trong cơ thể. Trong khi đó những người có chức năng thận kém thì sự đào thải dư thừa kali cũng kém. Kali vượt qua ngưỡng cho phép sẽ ảnh hưởng đến trực tiếp sức khỏe gây ra các bệnh lý về tim mạch như rối loạn nhịp tim, yếu tim.
Ăn nhiều khoai lang không tốt cho người có hệ tiêu hóa nhạy cảm.
2. Khoai lang gây khó chịu cho người có vấn đề về tiêu hóa
Khoai lang chứa một lượng carbohydrate phức tạp và chất xơ. Khi tiêu hóa, các chất này có thể lên men ở ruột, tạo ra khí. Ở người có hệ tiêu hóa nhạy cảm, đặc biệt là những người mắc hội chứng ruột kích thích hoặc đang bị viêm loét dạ dày, quá trình sinh hơi này dễ gây ra cảm giác đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi và làm tăng áp lực lên dạ dày, gây khó chịu.
Ăn khoai lang khi đói đối với người có bệnh lý dạ dày có thể kích thích dạ dày tiết acid nhiều hơn. Ở người bị viêm loét dạ dày, niêm mạc dạ dày đã bị tổn thương, lượng acid tăng cao có thể gây ra cảm giác nóng rát, đau bụng, ợ chua và làm trầm trọng thêm vết loét.
3. Người mắc bệnh đái tháo đường cần kiểm soát khẩu phần
Khoai lang có thể là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh cho người bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý ăn với lượng vừa phải và theo dõi đường huyết thường xuyên.
Mặc dù khoai lang có chỉ số đường huyết (GI) thấp hơn khoai tây thông thường nhưng nó vẫn chứa nhiều carbohydrate. Người bệnh đái tháo đường cần kiểm soát lượng carbohydrate tiêu thụ để duy trì mức đường huyết ổn định. Việc ăn quá nhiều khoai lang có thể làm tăng đường huyết.
Nếu biết cách ăn khoai lang kết hợp với các thực phẩm khác có chứa chất béo và protein để tạo ra bữa ăn cân bằng, làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thụ đường hơn, điều này có thể tạo ra sự khác biệt về tác động của nó đối với lượng đường trong máu.
Theo BS. Doãn Thị Tường Vi, chuyên khoa Dinh dưỡng, người bệnh đái tháo đường có thể giảm cơm, tăng tỷ lệ khoai lang trong giai đoạn ăn kiêng nhưng vẫn phải ăn kèm thực phẩm giàu protein, rau quả tươi để đảm bảo khẩu phần ăn cân đối dinh dưỡng. Những người thừa cân hoặc mắc bệnh tim nên giữ mức tiêu thụ ở mức tối thiểu, 2-3 lần mỗi tuần.
Cách ăn khoai lang lành mạnh nhất là luộc hoặc hấp.
4. Cách hạn chế các tác dụng phụ khi ăn khoai lang
- Chọn loại khoai lang phù hợp:
Khoai lang tím thường được coi là loại khoai chứa nhiều chất chống oxy hóa nhất so với các loại khoai lang khác.
Khoai lang trắng thường có vị ngọt nhẹ, ít ngọt hơn so với khoai lang mật hoặc khoai lang tím.
Khoai lang vàng có hàm lượng đường cao hơn một chút so với khoai lang trắng.
Khoai lang mật có vị ngọt đậm đà như mật, thịt dẻo và có hàm lượng đường cao.
- Ăn với lượng vừa phải: chỉ nên ăn 1-2 củ khoai lang cỡ vừa (khoảng 200-300g) mỗi ngày. Nên ăn khoai lang 2-3 lần mỗi tuần thay vì ăn hằng ngày.
- Không nên ăn khoai lang khi đói: Ăn khoai lang khi đói có thể gây ợ chua, đầy bụng do tăng tiết acid dạ dày.
- Không ăn vào buổi tối muộn: Quá trình trao đổi chất vào buổi tối chậm hơn, có thể gây khó tiêu và tích tụ năng lượng. Nên ăn trước 8 giờ tối.
- Kết hợp khoai lang với protein và chất béo lành mạnh: Giúp cân bằng dinh dưỡng và hỗ trợ hấp thu vitamin A tốt hơn.
- Ăn khoai lang luộc thay vì chiên: Cách ăn khoai lang lành mạnh nhất là nên luộc hoặc hấp, tránh chiên rán hoặc thêm đường. Ăn khoai lang chiên dẫn đến nạp vào cơ thể quá nhiều calo và làm tăng lượng đường trong máu.
Thu Phương