Sáng 17/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã tham dự và phát biểu tại Diễn đàn kết nối "Văn hóa - Du lịch - Thương mại" tỉnh Lâm Đồng năm 2025. Đây là sự kiện quan trọng nhằm thúc đẩy sự gắn kết giữa văn hóa, du lịch và thương mại, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của địa phương trong bối cảnh hội nhập.
Tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh ghi nhận tinh thần chủ động, sáng tạo và quyết tâm hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng trong công tác tổ chức. Bà Thanh cho rằng, đây là một bước đi cụ thể, thể hiện tầm nhìn chiến lược và khát vọng phát triển của địa phương trong giai đoạn mới.
Nhấn mạnh về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh của Đảng và Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, ba tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông sẽ hợp nhất để tạo nên một tỉnh Lâm Đồng mới - một không gian phát triển thống nhất, hội tụ thế mạnh về du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển và năng lượng tái tạo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại diễn đàn.
Đây không chỉ là việc mở rộng quy mô hành chính, mà còn là sự giao thoa hài hòa giữa các vùng sinh thái, văn hóa và kinh tế, hình thành nền tảng vững chắc cho một cực tăng trưởng mới của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Trong bối cảnh phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước đã xác định rõ: văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có giá trị gia tăng cao; thương mại là động lực thúc đẩy sản xuất - tiêu dùng, mở rộng thị trường.
"Đây là định hướng chung của quốc gia, đồng thời cũng là kim chỉ nam để tỉnh Lâm Đồng lựa chọn hướng đi đột phá, phù hợp với tiềm năng đặc thù và yêu cầu phát triển bền vững trong thời kỳ mới", bà Thanh nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Lâm Đồng tiếp tục khai thác hiệu quả 3 trụ cột này với các định hướng chiến lược cụ thể: phát triển công nghiệp văn hóa và kinh tế sáng tạo; xây dựng thương hiệu du lịch Lâm Đồng theo hướng xanh - thông minh - trải nghiệm - bản sắc; hiện đại hóa hạ tầng thương mại - logistics - nền tảng số, đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn hội nhập.
Để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh rằng, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm đưa địa phương trở thành trung tâm tăng trưởng xanh, giàu bản sắc của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.
Trước hết, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển chính quyền số. Việc xây dựng dịch vụ công trực tuyến không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân mà còn góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thu hút nguồn lực đầu tư.
Diễn đàn có sự góp mặt của nhiều lãnh đạo và các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, nhà đầu tư…
Song song với đó, Lâm Đồng cần chủ động xây dựng quy hoạch tổng thể sau khi sáp nhập, gắn kết với chiến lược phát triển vùng Tây Nguyên mở rộng. Quy hoạch cần tích hợp hài hòa giữa văn hóa, đô thị sinh thái, du lịch thông minh, nông nghiệp xanh và công nghiệp sáng tạo, tạo nên một diện mạo phát triển bền vững và đồng bộ.
Trong bối cảnh đổi mới sáng tạo là yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế, địa phương cần xây dựng hệ sinh thái sáng tạo, bao gồm Quỹ đầu tư mạo hiểm, Trung tâm Xúc tiến Đổi mới Sáng tạo, Vườn ươm Du lịch Cộng đồng và khởi nghiệp công nghệ số. Những nền tảng này sẽ khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và tạo ra các mô hình kinh doanh đột phá.
Đồng thời, việc tăng cường liên kết với các tỉnh trong vùng là cần thiết để hình thành các hành lang kinh tế - du lịch biển, cao nguyên và biên giới.
Điều này sẽ góp phần thu hút các dự án đầu tư chiến lược trong lĩnh vực hạ tầng logistics, giao thông đường bộ, tạo động lực thúc đẩy phát triển liên vùng.
Sau khi sáp nhập và sắp xếp lại bộ máy hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết và cống hiến. Đây là yếu tố quan trọng để tạo nên sức mạnh tập thể, bảo đảm sự phát triển đồng bộ và hiệu quả.
Cũng tại diễn đàn, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Y Thanh Hà Niê Kđăm chia sẻ, Lâm Đồng đang tích cực triển khai các kết luận, nghị quyết lớn về tổ chức lại đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền địa phương hai cấp và tái cấu trúc không gian phát triển.
Đặc biệt, việc nghiên cứu sáp nhập ba tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông được kỳ vọng sẽ mở ra một chân trời phát triển mới, tạo thế và lực cho vùng đất này. Diễn đàn là cơ hội để Lâm Đồng lắng nghe ý kiến đóng góp tâm huyết, khuyến nghị chính sách và mô hình thực tiễn từ các đại biểu, nhà đầu tư và chuyên gia.
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Y Thanh Hà Niê Kđăm.
Theo Bí thư Tỉnh ủy, tỉnh cam kết đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, chú trọng vào khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, cải cách mạnh mẽ hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, mở rộng đối ngoại, liên kết vùng, phát triển hệ sinh thái xanh, sáng tạo và toàn diện.
Đặc biệt, sau sáp nhập và sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, cống hiến vì sự phát triển chung của tỉnh, tránh để nảy sinh tư tưởng cục bộ hay chia cắt lợi ích địa phương.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, có giá trị thực tiễn cao về phát triển văn hóa, du lịch và thương mại của tỉnh Lâm Đồng trong giai đoạn mới.
Các ý kiến nhấn mạnh vào việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong phát triển du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, từ đó xây dựng Lâm Đồng trở thành điểm đến xanh - thông minh - bền vững.
Ma Thị Kim Thoa
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/3-tru-cot-then-chot-de-tinh-lam-dong-phat-trien-dot-pha-204250517111402056.htm