Logistics tuần hoàn: Chìa khóa cạnh tranh trong nền kinh tế xanh

Logistics tuần hoàn: Chìa khóa cạnh tranh trong nền kinh tế xanh
5 giờ trướcBài gốc
"Xanh hóa" để hội nhập
Tại hội thảo quốc tế "Kinh tế tuần hoàn và Công nghệ mới trong phát triển logistics bền vững tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương" tổ chức mới đây tại TP Hồ Chí Minh, ông Đặng Hải Dũng – Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) cho biết, ngành logistics Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ 14-16%/năm, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ đạt 60-70%, đóng góp khoảng 4-5% GDP. Năm 2024, tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển qua cảng biển ước đạt trên 570 triệu tấn, tăng khoảng 14%.
Việt Nam hiện đứng thứ 11 trong số 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu ngày càng khắt khe, ông Dũng nhấn mạnh: “Ngành logistics buộc phải đẩy mạnh chuyển đổi xanh để tồn tại và phát triển bền vững”.
Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động như đào tạo logistics xanh, thử nghiệm mô hình logistics ngược trong bán lẻ, và xúc tiến các chuỗi sản xuất – tiêu dùng bền vững thông qua sử dụng năng lượng hiệu quả và công nghệ thân thiện môi trường.
Cho rằng, xanh hóa logistics là điều kiện sinh tồn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Giáo sư Joseph Sarkis (Học viện Bách khoa Worcester, Mỹ) nhấn mạnh, nếu chậm chuyển đổi, doanh nghiệp có nguy cơ bị loại khỏi thị trường.
Giáo sư Joseph Sarkis (Học viện Bách khoa Worcester, Mỹ).
Do đó, ông Joseph Sarkis kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào các giải pháp công nghệ như tích hợp năng lượng tái tạo, phương tiện vận tải tiết kiệm nhiên liệu, và các hệ thống chuỗi cung ứng giảm phát thải.
PGS, TS Nguyễn Hồng Quân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn cũng cho rằng, chuỗi cung ứng xanh không còn là câu chuyện của tương lai mà phải hành động ngay. Kinh tế tuần hoàn phải được áp dụng từ khâu mua nguyên vật liệu, sản xuất, phân phối, giao hàng đến xử lý phế thải, với nền tảng là công nghệ và công nghệ số.
Công cụ cốt lõi đo lường tác động môi trường
Đánh giá cao lợi ích của mô hình logistics tuần hoàn, chuyên gia Phạm Hoài Trung – Cố vấn trưởng của SSBTi Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn GreenGo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Azitech cho biết, mô hình này không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí bao bì, vận chuyển, xử lý rác, mà còn nâng cao điểm số ESG – yếu tố ngày càng được các nhà đầu tư và đối tác toàn cầu quan tâm.
Đặc biệt, trong bối cảnh các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã đưa ra loạt quy định về công bố phạm vi phát thải, trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất (EPR), Chỉ thị báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp (CSRD)... các doanh nghiệp logistics nếu không tuần hoàn sẽ đối mặt nguy cơ bị loại khỏi chuỗi cung ứng.
Chia sẻ về công cụ đo lường tác động môi trường, theo chuyên gia, đánh giá vòng đời (LCA) là công cụ cốt lõi đo lường tác động môi trường. LCA đang trở thành công cụ then chốt giúp doanh nghiệp logistics tính toán chính xác dấu chân carbon, nước, năng lượng và chất thải trong toàn bộ vòng đời dịch vụ. Dữ liệu từ LCA là nền tảng để xây dựng chiến lược ESG, minh bạch hóa phát thải và chứng minh sự tuân thủ các quy định quốc tế.
Chuyên gia Phạm Hoài Trung – Cố vấn trưởng của SSBTi Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn GreenGo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Azitech (thứ hai từ phải sang) cùng các diễn giả tham gia tọa đàm.
Dẫn chứng thực tiễn, ông Trung chia sẻ ví dụ từ cảng Tuas (Singapore) – nơi đã áp dụng đồng bộ các giải pháp như xe điện tự hành, năng lượng mặt trời, truy xuất pallet bằng QR/RFID và báo cáo ESG/LCA chuẩn quốc tế. Nhờ đó, cảng này đã giảm hơn 50% phát thải phạm vi 1 và 2, đồng thời tái sử dụng trên 85% thiết bị vận tải.
"LCA là nền tảng kỹ thuật, dữ liệu và chiến lược giúp doanh nghiệp logistics chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả, được quốc tế công nhận và vận hành một cách hệ thống", ông Trung nhìn nhận.
Để thúc đẩy mạnh mẽ mô hình logistics tuần hoàn, ông Trung đề xuất Nhà nước cần ban hành chiến lược logistics tuần hoàn quốc gia, hỗ trợ tín dụng xanh, tích hợp đánh giá CFP (chứng chỉ tài chính cá nhân quốc tế) vào các quy định cấp phép, đồng thời phát triển thị trường tín chỉ carbon riêng cho ngành logistics.
Về phía doanh nghiệp, chuyên gia khuyến nghị cần cam kết đo lường phát thải theo từng tuyến vận chuyển, đầu tư xe điện/LNG, xây dựng trung tâm tái chế nội bộ, QR hóa vòng đời vật tư, tích hợp module LCA và công bố cam kết ESG công khai, minh bạch.
Đặc biệt, khi thị trường tín chỉ carbon logistics đi vào vận hành, doanh nghiệp có thể bán phần phát thải giảm được dưới dạng tín chỉ – tạo ra nguồn thu mới, thu hút vốn đầu tư xanh và thúc đẩy đầu tư vào công nghệ sạch.
Minh Thu
Nguồn Doanh Nghiệp : https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/canh-tranh/logistics-tuan-hoan-chia-khoa-canh-tranh-trong-nen-kinh-te-xanh/20250517092848667