4 bài thuốc tán cho người huyết áp thấp

4 bài thuốc tán cho người huyết áp thấp
14 giờ trướcBài gốc
1. Đặc điểm của huyết áp thấp
- Huyết áp thấp triệu chứng
Thường gặp trong các bệnh xuất huyết cấp, suy tim, nhồi máu cơ tim, nhịp tim không đều (tim đập quá nhanh hoặc quá chậm), thiếu máu, trạng thái chán ăn kéo dài … Người bệnh mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, tinh thần buồn ngủ, khó thở, ngại nói, hồi hộp.
Người trung và cao tuổi có hiện tượng đau tức ngực, đau đầu, trí nhớ giảm, tinh thần khó tập trung, nặng có thể hôn mê, đột quỵ (trúng phong, tai biến mạch não do tắc mạch não) hoặc nhồi máu cơ tim.
- Huyết áp thấp do tư thế
Có đặc điểm là bệnh nhân đang tư thế nằm lúc đứng dậy huyết áp tụt nhanh, thường gặp ở người cao tuổi và có trạng thái suy nhược kéo dài, cũng có thể thứ phát của các bệnh Addison, thiểu năng tuyến giáp, bệnh thần kinh do tiểu đường, chứng rỗng tủy. Ngoài ra thuốc trị huyết áp cao cũng có thể gây huyết áp thấp …
Nhân sâm tán chữa huyết áp thấp
2. Bài thuốc tán cho người huyết áp thấp
Đông y cho rằng chứng huyết áp thấp xảy ra là do khí huyết hư khiến sự nuôi dưỡng tại não bị thiếu hụt mà sinh ra hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn hay váng đầu làm cho sắc mặt nhợt nhạt, tay chân yếu, run, mạch vô lực...
Bài thuốc tán cho người huyết áp thấp nhằm mục đích bổ khí huyết, giúp tinh thần tỉnh táo, có thể dùng thường xuyên để đạt được hiệu quả cải thiện huyết áp tốt nhất.
2.1. Dự phòng huyết áp thấp ở người cao tuổi
Thành phần: Thục địa 9g, đương quy 9g, nhân sâm 6g, bạch truật 6g, chích thảo 6g, gừng tươi 3 lát, đại táo 2 quả.
Cách dùng: Các vị (trừ gừng tươi và đại táo) sấy khô, tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, cho gừng tươi và đại táo vào; sau 20 phút là có thể dùng được, chia uống trong ngày.
Công dụng: Ích khí dưỡng huyết, chữa huyết áp thấp hợp với người cao tuổi bị huyết áp thấp kèm theo tình trạng cơ thể suy nhược, gầy yếu, sắc mặt nhợt nhạt, hay có cảm giác khó thở, ngại nói, trí nhớ giảm sút, chán ăn...
2.2 Chữa huyết áp thấp có bệnh lý hô hấp
Thành phần: Nhân sâm 12g, mạch môn 16g, ngũ vị tử 12g.
Cách dùng: Các vị sấy khô, tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
Công dụng: Ích khí sinh tân, hợp dùng cho người bị huyết áp thấp kèm theo tình trạng mệt mỏi, môi khô miệng khát, vã mồ hôi nhiều, dễ hồi hộp, có bệnh lý hô hấp mạn tính như viêm phế quản, khí phế thũng, hen phế quản, hay ho khan, đại tiện táo...
2.3 Chữa huyết áp thấp, tăng cường tiêu hóa
Thành phần: Hồng sâm 3g, hoàng kỳ 9g, đương quy 9g, bạch linh 9g, trần bì 3g, chích thảo 3g.
Cách dùng: Các vị thuốc tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
Công dụng: Kiện tỳ dưỡng huyết, chữa huyết áp thấp, kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng.
Thuốc trị huyết áp cao cũng có thể gây huyết áp thấp …
2.4 Chữa huyết áp thấp kèm theo đau xương khớp
Thành phần: Hồng sâm 60g, ngũ vị tử 60g, phá cố chỉ 60g, bạch truật 60g, hoài sơn 45g, bạch linh 45g, ngô thù 30g, ba kích 30g, nhục đậu khấu 30g, long cốt sao 15g.
Cách dùng: Tất cả sao thơm, tán bột, đựng trong lọ kín để dùng dần. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 6g với nước ấm có pha một chút mật ong hoặc với rượu hâm nóng.
Công dụng: Ôn thận, bổ khí; hợp với người huyết áp thấp có biểu hiện đau xương khớp, sợ lạnh, dễ vã mồ hôi, đại tiện lỏng nát hoặc hay đau bụng đi lỏng vào sáng sớm...
Huyết áp thấp có nguy hiểm không, làm gì để phòng biến chứng? | SKĐS
ThS Hoàng Khánh Toàn
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/4-bai-thuoc-tan-cho-nguoi-huyet-ap-thap-169250716170721382.htm