4 bệnh thường xuất hiện trong mùa đông và cách phòng

4 bệnh thường xuất hiện trong mùa đông và cách phòng
9 giờ trướcBài gốc
1. Bệnh cúm
Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus cúm gây nên, có xu hướng gia tăng mạnh vào mùa đông ở vùng khí hậu ôn đới, nhiệt đới. Bệnh có thể diễn biến thành dịch và đại dịch.
Trong hầu hết các trường hợp, căn bệnh cúm không nguy hiểm lắm. Nhưng ở người cao tuổi, đặc biệt là những người mắc các bệnh mạn tính như hen suyễn, khí thũng, tiểu đường, suy thận có thể gặp nhiều biến chứng.
Ở một số người bệnh cúm có thể gây biến chứng nguy hiểm đường hô hấp như viêm phổi, suy hô hấp. Cúm còn là khởi nguồn của viêm tai giữa, viêm xoang, viêm đường tiết niệu… nếu không được điều trị kịp thời.
Các triệu chứng phổ biến của bệnh cúm bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ. Thông thường, có nhiều triệu chứng trong 3-4 ngày đầu, sau đó có thể đau họng, ho khan, nghẹt mũi, sổ mũi. Các triệu chứng thường kéo dài 7-10 ngày.
Để phòng ngừa cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ, che miệng khi hắt hơi, rửa tay sạch với xà phòng đồng thời vệ sinh mũi, họng bằng nước muối thường xuyên. Luôn giữ ấm cơ thể, xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng kết hợp với luyện tập thể thao nâng cao thể trạng.
Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân mắc cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ nếu không thật sự cần thiết. Người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.
Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời Luôn đeo khẩu trang khi ở nơi đông người, rửa tay thường xuyên và tiêm vaccine cúm hàng năm.
Các triệu chứng phổ biến của bệnh cúm bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ.
2. Viêm phổi
Mùa đông nhiệt độ xuống thấp, độ ẩm cao nên dễ mắc bệnh viêm phổi. Đây cũng là thời điểm vi khuẩn phế cầu, cúm... phát triển mạnh, làm cho bệnh viêm phổi diễn biến phức tạp. Trẻ em, thai phụ, người cao tuổi, có bệnh lý nền là những người dễ mắc bệnh khi thời tiết thay đổi do sức đề kháng yếu.
Người bị viêm phổi thường có biểu hiện sốt, nghẹt mũi, sổ mũi, ho khan, ho có đờm, dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp. Nếu người mắc bệnh viêm phổi có thêm các bệnh lý nền như hen, tiểu đường... nhiều nguy cơ xảy ra biến chứng đường hô hấp.
3. Tiêu chảy do rotavirus
Rotavirus là tác nhân gây bệnh tiêu chảy cấp thường gặp nhất trong mùa đông, chủ yếu lây lan qua đường phân - miệng. Tiêu chảy cấp do rotavirus dễ lây lan vì lượng virus thải ra trong phân rất lớn, hơn nữa rotavirus lại sống được trong môi trường tự nhiên như trên các bề mặt tiếp xúc của đồ chơi, mặt bàn ghế, trong nước và trên da...
Trẻ mắc bệnh tiêu chảy trong thời gian này thường bị nôn, sau đó tiêu chảy, sốt vừa phải. Trẻ nôn rất nhiều vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu đi tiêu lỏng. Phân lúc đó sẽ toàn nước, có thể có màu xanh, đờm nhớt nhưng không có máu. Do bị nôn và đi tiêu lỏng nhiều (có thể đi tiêu phân lỏng hơn 20 lần trong ngày) nên trẻ rất dễ bị mất nước, nhanh chóng khô kiệt nếu không được chăm sóc kịp thời.
Đa số trẻ sẽ hết tiêu chảy sau 4 - 8 ngày, tuy nhiên vẫn có trẻ kéo dài tiêu lỏng đến hai tuần dù đã chơi và ăn trở lại. Biến chứng nguy hiểm của bệnh tiêu chảy là gây mất nước, nặng nhất là tử vong.
Để phòng bệnh tiêu chảy cấp do rotavirus là uống vaccine. Đây là vaccine loại uống, dùng cho trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi. Bệnh tiêu chảy do nhiều tác nhân gây ra, do vậy uống vaccine chỉ phòng được rotavirus nhưng vẫn có thể mắc các bệnh tiêu chảy do các tác nhân khác. Vì vậy, dù trẻ đã được uống loại vaccine này, các bậc cha mẹ vẫn cần tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh cho trẻ (ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh...), riêng người lớn cần duy trì thói quen rửa tay trước khi chế biến món ăn cho trẻ...
4. Bệnh sởi
Sởi là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây nên, bệnh có xu hướng diễn biến mạnh vào mùa Đông - Xuân, dễ bùng phát thành dịch. Sởi thường gặp ở trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém, dễ dẫn tới biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong nếu không được phát hiện.
Bệnh sởi thường xuất hiện với các triệu chứng như sốt cao, ho, sổ mũi, viêm kết mạc, và nổi ban đỏ đặc trưng bắt đầu từ mặt rồi lan xuống toàn thân. Virus sởi lây truyền rất dễ dàng qua các giọt bắn khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Nó có thể tồn tại trong không khí hoặc trên bề mặt đến hai giờ, khiến cho bệnh trở thành một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất.
Cách phòng ngừa bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm phòng vaccine. Vaccine MMR (sởi, quai bị, rubella) có hiệu quả cao và được khuyến cáo tiêm cho trẻ em và người lớn chưa tiêm phòng trước đó. Vào mùa Đông - Xuân, việc đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng cao là rất cần thiết, đặc biệt ở những khu vực đã từng có dịch bùng phát.
Bs. Trần Quang Đại
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/4-benh-thuong-xuat-hien-trong-mua-dong-va-cach-phong-169250110164145382.htm