4 loại thực phẩm tốt cho người mắc bệnh gout

4 loại thực phẩm tốt cho người mắc bệnh gout
một ngày trướcBài gốc
Nội dung
1. Một số loại thực phẩm tốt nhất giúp kiểm soát bệnh gout
2. Ưu và nhược điểm của chế độ ăn ít purin với người bệnh gout
Theo Jillian Kubala, chuyên gia dinh dưỡng đã đăng ký có trụ sở tại Westhampton, New York (Hoa Kỳ): Bệnh gout có thể cực kỳ đau đớn nhưng cũng được kiểm soát bằng thuốc cũng như thay đổi lối sống và chế độ ăn uống. Việc tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh và tránh một số loại thực phẩm là điều quan trọng đối với những người bị gout và giúp giảm các đợt bùng phát bệnh gout và cải thiện sức khỏe tổng thể.
1. Một số loại thực phẩm tốt nhất giúp kiểm soát bệnh gout
Sau đây là một số thực phẩm tốt nhất nên bổ sung vào chế độ ăn uống để giúp kiểm soát bệnh gout.
Quả anh đào
Quả anh đào có công dụng phòng ngừa bệnh gout do có đặc tính chống viêm.
Các nghiên cứu cho thấy ăn quả anh đào thường xuyên có tác dụng làm giảm các cơn gout. Các nhà nghiên cứu cho rằng các hợp chất chống viêm tập trung trong quả anh đào như anthocyanin giúp giảm viêm khớp. Thêm vào đó, ăn quả anh đào giảm đến 15% nồng độ acid uric và uống nước ép anh đào có thể hiệu quả trong việc làm giảm nồng độ acid uric. Đây là sự sụt giảm đáng kể và giúp ngăn chặn các cuộc tấn công của bệnh gout.
Cà phê tốt cho người bệnh gout
Uống cà phê có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh gout và một số nghiên cứu cho thấy nó có thể giúp giảm nồng độ acid uric ở một số người bị gout. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để hiểu cà phê ảnh hưởng đến nồng độ acid uric như thế nào.
Một số sản phẩm từ sữa
Nghiên cứu cho thấy, sữa là thực phẩm giúp hỗ trợ giảm hàm lượng acid uric trong máu, do vậy có thể làm giảm độ nghiêm trọng của bệnh gout.
Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người bệnh gout nên chọn các thực phẩm có hàm lượng purin thấp như sữa và các sản phẩm từ sữa ít béo và không béo như sữa chua, sữa tách béo.
Các sản phẩm từ sữa không đường như sữa chứa protein casein và lactalbumin, giúp giảm nồng độ acid uric. Nó cũng chứa một hợp chất gọi là acid orotic, thúc đẩy bài tiết acid uric.
Thực phẩm giàu vitamin C
Trái cây, rau quả có nhiều vitamin C, một chất dinh dưỡng có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm mạnh mẽ. Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn nhưng lượng vitamin C cao trong chế độ ăn uống có liên quan đến việc giảm nồng độ acid uric.
Hấp thụ 500 mg vitamin C hàng ngày có thể là một cách hiệu quả để giảm tần suất bùng phát bệnh gout.
Mặc dù một số loại thực phẩm đã được chứng minh là có ích trong việc giảm nồng độ acid uric nhưng điều quan trọng là phải xem xét chế độ ăn uống như một tổng thể khi cố gắng kiểm soát bệnh gout. Thêm vào một số loại thực phẩm như anh đào và đồ uống như cà phê có thể giúp ích cho các triệu chứng nhưng chuyển sang chế độ ăn uống lành mạnh hơn là điều quan trọng nhất.
Người bệnh gout nên chuyển sang chế độ ăn nhiều thực vật hơn, ít thực phẩm động vật có hàm lượng purin cao như thịt đỏ có vẻ hiệu quả trong việc cải thiện các triệu chứng bệnh gout và giảm acid uric. Chế độ ăn nhiều thực vật thường có nhiều hợp chất thực vật chống viêm và vitamin C, cả hai đều có thể có lợi cho những người bị bệnh gout.
2. Ưu và nhược điểm của chế độ ăn ít purin với người bệnh gout
Mặc dù không có loại thực phẩm nào có thể giúp điều trị bệnh gout nhưng việc bổ sung một số loại thực phẩm, đồ uống nhất định và chuyển sang chế độ ăn nhiều thực vật hơn có thể giúp kiểm soát tình trạng bệnh. Hầu hết các loại protein động vật như thịt và hải sản đều có hàm lượng purin cao như hypoxanthine. Các nguồn protein thực vật như đậu và đậu lăng có chứa purin nhưng chúng chứa purin khác với các sản phẩm từ động vật.
Purin adenine và guanine chiếm hơn 60% tổng lượng purin có trong thực phẩm thực vật như đậu và rau. Các loại purin này ít có khả năng góp phần vào sự tích tụ acid uric so với purin có trong protein động vật như hypoxanthine. Hơn nữa, thực phẩm từ thực vật và một số loại đồ uống như cà phê có chứa hợp chất ức chế quá trình sản xuất acid uric trong cơ thể.
Chế độ ăn ít purin có thể giúp ích cho người bị bệnh gout theo những cách sau:
Giảm nồng độ acid uric trong cơ thể;
Có thể giúp thúc đẩy giảm cân;
Hạn chế thêm đường, có thể làm giảm viêm.
Mặc dù chế độ ăn ít purin thường có tác dụng làm giảm các cơn bùng phát và triệu chứng của bệnh gout nhưng nó vẫn có một số nhược điểm như hạn chế nhiều thực phẩm giàu protein, cắt giảm các thực phẩm lành mạnh như cá và các loại hải sản khác giàu chất béo omega-3 chống viêm.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng cho biết: Purin được tìm thấy trong một số loại thực phẩm, bao gồm thịt đỏ và thịt nội tạng như gan. Các loại hải sản giàu purine bao gồm cá cơm, cá mòi, trai, sò điệp, cá hồi, cá ngừ. Do đó người bệnh gout nên hạn chế tiêu thụ những thực phẩm này.
Nếu bạn bị bệnh gout và muốn thay đổi chế độ ăn uống để giảm triệu chứng và cải thiện sức khỏe, tốt nhất nên hỏi ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để được giúp thiết kế chế độ ăn uống phù hợp.
Việc hạn chế purin rất quan trọng nhưng điều cần thiết hơn nữa là phải xem xét lại chế độ ăn uống nói chung và thực hiện những thay đổi lành mạnh như tăng lượng trái cây, rau quả và ưu tiên các nguồn protein thực vật.
Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi chế độ ăn nào. Chuyên gia dinh dưỡng cũng có thể đề xuất các loại thực phẩm bổ sung có thể bù đắp những thiếu hụt trong chế độ ăn như dầu cá và các sản phẩm có thể giúp làm giảm các cơn gout như vitamin C.
Thiên Châu
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/4-loai-thuc-pham-tot-cho-nguoi-mac-benh-gout-169250219174320601.htm