Bài viết này sẽ giới thiệu những loại trà tiêu biểu có công dụng thanh nhiệt, giải độc, là những lựa chọn tuyệt vời để chăm sóc sức khỏe trong mùa hè.
1. Tác dụng chung của các loại trà thanh nhiệt, giải độc
Theo Đông y, mùa hè là thời điểm khí nóng (nhiệt tà) dễ xâm nhập cơ thể khi sức đề kháng suy yếu, gây ra tình trạng "nóng trong" như khát nước, nổi mụn, táo bón…
Các loại trà thanh nhiệt giải độc có tác dụng làm mát, thải độc, bổ sung nước và tân dịch, đồng thời hỗ trợ các tạng phủ như can, thận, phế, tỳ, vị hoạt động tốt hơn. Nhờ đó, cơ thể thích nghi tốt hơn với thời tiết nắng nóng, phòng tránh được các bệnh do nhiệt tà gây ra.
2. Một số loại trà thanh nhiệt, giải độc cơ thể trong mùa hè
Dưới đây là một số loại trà phổ biến, dễ kiếm và có hiệu quả cao trong việc thanh nhiệt, giải độc:
2.1 Trà atiso
Thành phần chính: Chủ yếu sử dụng nụ hoa, lá, thân và rễ cây atiso.
Tính vị: Vị đắng nhẹ, tính mát. Quy kinh Can, Đởm.
Công dụng: Atiso nổi tiếng với công dụng thanh nhiệt giải độc gan, lợi mật, lợi tiểu. Gan là nơi chuyển hóa và xử lý độc tố quan trọng của cơ thể. Khi chức năng gan suy giảm do nhiệt độc tích tụ, các triệu chứng như mụn nhọt, mẩn ngứa, vàng da, mệt mỏi sẽ xuất hiện. Atiso giúp tăng cường chức năng gan, thúc đẩy quá trình đào thải độc tố qua đường mật và đường tiểu, làm mát cơ thể từ bên trong.
Cách dùng: Dùng nụ hoa tươi hoặc khô (khoảng 50-100g tươi hoặc 10-20g khô) hãm với nước sôi hoặc sắc lấy nước uống hàng ngày. Lá hoặc thân khô cũng có thể dùng để sắc uống với liều lượng tương tự. Lưu ý: Người tỳ vị hư hàn (biểu hiện ăn uống khó tiêu, dễ đầy bụng, tiêu chảy), phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú nên tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng; không nên lạm dụng.
Trà atiso thanh nhiệt, giải độc gan.
2.2 Trà hoa cúc
Thành phần chính: Nụ hoặc bông hoa cúc khô, thường dùng cúc hoa trắng (bạch cúc hoa) hoặc cúc hoa vàng (hoàng cúc hoa).
Tính vị: Vị ngọt, hơi đắng, tính hơi hàn (lương); quy kinh Phế, Can.
Công dụng: Hoa cúc có công dụng thanh nhiệt, giải độc, sơ phong tán nhiệt (giúp giải cảm nhiệt nhẹ), bình can, minh mục (làm mát gan, sáng mắt). Trong mùa hè, trà hoa cúc giúp làm dịu cảm giác nóng trong, giảm khô miệng, khát nước; đặc biệt tốt cho các trường hợp do can nhiệt gây ra như mắt đỏ, sưng đau, hoa mắt, chóng mặt.
Cách dùng: Dùng khoảng 5-10g hoa cúc khô hãm với nước sôi trong 5-10 phút là có thể dùng được; có thể kết hợp với mật ong hoặc một vài lát cam thảo để tăng hương vị và công dụng.
Lưu ý: Người tỳ vị hư hàn, dễ bị lạnh bụng, tiêu chảy nên dùng ít hoặc không uống khi bụng đói.
Trà hoa cúc sơ phong tán nhiệt.
2.3 Trà rau má
Thành phần chính: Toàn bộ cây rau má (Centella asiatica) tươi hoặc khô.
Tính vị: Vị đắng, ngọt, tính hàn; quy kinh Can, Tỳ, Thận.
Công dụng: Rau má có công dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi thấp, lợi niệu (trừ ẩm thấp, lợi tiểu). Đây là loại trà giải nhiệt rất hiệu quả cho mùa hè, giúp làm mát, tiêu viêm; thường được dùng để hỗ trợ điều trị các chứng do nhiệt tà gây ra như rôm sảy, mụn nhọt, mẩn ngứa, tiểu buốt, kiết lỵ do nhiệt.
Cách dùng: Rau má tươi rửa sạch, ngâm nước muối loãng, sau đó giã hoặc xay nhuyễn, lọc lấy nước cốt để uống; có thể thêm chút đường cho dễ uống. Rau má khô dùng 10-20g hãm hoặc sắc nước uống.
Lưu ý: Rau má có tính hàn mạnh, người tỳ vị hư hàn (hay đầy bụng, đi ngoài phân lỏng), huyết áp thấp, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú nên thận trọng khi dùng hoặc tham khảo ý kiến chuyên gia y tế; không nên lạm dụng uống thay nước hoàn toàn trong thời gian dài.
Trà rau má lợi thấp, lợi niệu.
2.4 Trà đậu đen rang
Thành phần chính: Hạt đậu đen xanh lòng (loại đậu đen hạt nhỏ, bên trong có màu xanh).
Tính vị: Vị ngọt, tính bình; quy kinh Tỳ, Thận.
Công dụng: Đậu đen có công dụng bổ thận âm, bổ huyết, thanh nhiệt giải độc (chủ yếu qua đường tiểu), hành thủy (giúp lưu thông nước trong cơ thể). Mặc dù tính không hàn mạnh như các loại trên, trà đậu đen rang vẫn có khả năng làm mát cơ thể, giải trừ nhiệt độc thông qua việc tăng cường chức năng thận và bàng quang để bài tiết, rất tốt cho người bị nóng trong, mệt mỏi, tiểu tiện khó, da khô sạm.
Cách dùng: Đậu đen xanh lòng rửa sạch, rang trên bếp đến khi thơm và vỏ nứt nhẹ; dùng khoảng 20-30g đậu đã rang hãm với khoảng 1 lít nước sôi trong 10-15 phút, uống thay nước trong ngày.
Lưu ý: Người tỳ vị hư hàn, dễ đầy bụng, tiêu chảy hoặc người đang dùng thuốc Đông y có tính ấm nóng nên hỏi ý kiến thầy thuốc.
Trà đậu đen rang làm mát cơ thể, giải trừ nhiệt độc.
Mùa hè nóng bức dễ khiến cơ thể tích tụ nhiệt độc, gây mệt mỏi, nổi mụn, mẩn ngứa... Theo Đông y, việc thanh nhiệt, giải độc là cần thiết để duy trì cân bằng và bảo vệ sức khỏe. Các loại trà thảo mộc như atiso, hoa cúc, rau má, đậu đen rang không chỉ giúp giải khát mà còn hỗ trợ gan thận đào thải độc tố, làm mát cơ thể từ bên trong. Tuy nhiên, do mỗi người có thể trạng khác nhau, cần chọn loại trà phù hợp và dùng đúng cách.
BSNT. Nguyễn Thanh Hằng