4 món ăn dưỡng tâm, an thần trong mùa hè

4 món ăn dưỡng tâm, an thần trong mùa hè
4 giờ trướcBài gốc
Ngoài ra mùa hè cũng là lúc dương khí thịnh, âm huyết dễ hao tổn, mồ hôi ra nhiều lại làm hao tổn tâm âm rất cần dưỡng tâm, an thần...
Dưới đây là 4 món ăn đơn giản hỗ trợ cải thiện tình trạng này.
1. Cháo hạt sen long nhãn dưỡng tâm, an thần
Nguyên liệu: Gạo tẻ 100g, hạt sen tươi 30g, long nhãn khô 15g, đường phèn vừa đủ.
Cách làm: Hầm nhừ gạo và hạt sen, sau cùng cho long nhãn và đường phèn vào, ăn buổi chiều hoặc tối.
Theo Đông y, hạt sen còn gọi là liên nhục, có vị ngọt, chát, tính bình, vào các kinh tâm, tỳ, thận, có tác dụng dưỡng tâm, an thần, ích thận bổ tỳ, sáp trường, an thai, lợi thủy. Hạt sen có tác dụng giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, giảm hồi hộp, lo âu, hỗ trợ điều trị các chứng mất ngủ, suy nhược thần kinh.
Long nhãn còn gọi là quế viên, là phần cùi của quả nhãn sấy khô, cũng được sử dụng rộng rãi để bồi bổ sức khỏe, đặc biệt trong việc dưỡng tâm, an thần. Long nhãn có vị ngọt, tính ấm, vào hai kinh tâm và tỳ, có tác dụng bổ tâm tỳ, ích trí, dưỡng huyết, an thần, tăng cường trí nhớ, giảm lo âu, hỗ trợ tiêu hóa.
Cháo hạt sen long nhãn là món ăn có nhiều lợi ích với sức khỏe, giúp điều hòa tâm tỳ, dưỡng tâm, an thần, ích trí.
Long nhãn kết hợp với hạt sen giúp dưỡng tâm, an thần.
2. Canh tim lợn hầm đương quy, táo đỏ
Nguyên liệu: Tim lợn 1 cái, đương quy 10g, táo đỏ 10 quả, gừng tươi, một ít muối.
Cách làm: Rửa sạch tim, trụng sơ, sau đó hầm với đương quy và táo đỏ trong 1,5–2 tiếng. Dùng nóng trong bữa cơm chiều.
Tim lợn cũng được Đông y từ xa xưa sử dụng như một vị thuốc bổ dưỡng. Tim lợn còn gọi là Trư tâm, có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ dưỡng tâm khí, an thần, trấn tĩnh, hỗ trợ điều trị các chứng bệnh liên quan đến tâm thần như mất ngủ, hồi hộp, lo âu.
Trong Đông y, Đương quy là vị thuốc hàng đầu để bổ huyết, điều kinh, hỗ trợ điều trị nhiều chứng bệnh. Đương quy vào ba kinh tâm, can, tỳ, có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, điều kinh, thông kinh, nhuận táo, nhuận trường, thường xuyên được sử dụng trong các bài thuốc trị các chứng mất ngủ, thần kinh suy nhược, hồi hộp, hay quên và ra mồ hôi trộm.
Theo các nghiên cứu y học hiện đại, đương quy còn có tác dụng giảm trầm cảm nhờ vào khả năng kích thích tinh thần và giải phóng dopamine, serotonin trong cơ thể. Táo đỏ là vị thuốc quen thuộc trong các bài thuốc, đồng thời cũng là nguyên liệu thường gặp trong nhiều món ăn. Táo đỏ trong cả Đông y và đời sống được sử dụng rộng rãi để bồi bổ cơ thể, hỗ trợ điều trị nhiều chứng bệnh.
Với tác dụng bổ khí, ích huyết, dưỡng tâm, an thần của mình, táo đỏ thường được ứng dụng để điều trị các chứng bệnh như mất ngủ, thần kinh suy nhược, hồi hộp, hay quên và ra mồ hôi trộm.
Canh tim lợn hầm đương quy, táo đỏ có tác dụng bổ huyết, dưỡng tâm, định chí, rất thích hợp với những người mất ngủ, hay hồi hộp.
3. Chè kỷ tử, táo đỏ, hạt sen
Nguyên liệu: Hạt sen 30g, táo đỏ 10 quả, kỷ tử 15g, đường phèn.
Cách làm: Hầm hạt sen cho nhừ, sau đó cho táo đỏ và kỷ tử vào đun thêm 10 phút, đến khi có vị ngọt dịu, dùng buổi chiều tối.
Bên cạnh táo đỏ, hạt sen là những vị thuốc có tác dụng dưỡng tâm, an thần; kỷ tử cũng là một vị thuốc quý trong Đông y, nổi tiếng với tác dụng bổ thận dưỡng huyết, giúp sáng mắt và an thần, thường được sử dụng để điều trị các chứng bệnh liên quan đến tâm thần như mất ngủ, hồi hộp, lo âu, hay quên, suy nhược thần kinh.
Chè kỷ tử, táo đỏ, hạt sen là món chè dễ thực hiện nhưng rất tốt cho sức khỏe, có tác dụng bổ can thận, dưỡng tâm huyết, sáng mắt và an thần.
4. Trứng gà hấp nấm trùng thảo
Nguyên liệu: 1–2 quả trứng gà ta, nấm trùng thảo 3–5 sợi, mật ong, một ít muối.
Cách làm: Đập trứng ra chén, cho nấm trùng thảo vào hấp cách thủy khoảng 15 phút, cho thêm mật ong hoặc muối vừa đủ theo khẩu vị, dùng khi còn ấm, tốt nhất vào chiều tối.
Trứng gà còn gọi là kê đản, ngoài là thực phẩm quen thuộc trong đời sống hàng ngày còn được coi là một vị thuốc bổ dưỡng, đặc biệt có tác dụng dưỡng tâm, an thần, bổ huyết và ích khí. Trong nhiều bài thuốc Đông y, trứng gà được sử dụng để điều trị các chứng bệnh liên quan đến tâm thần như mất ngủ, hồi hộp, lo âu, hay quên, suy nhược thần kinh.
Đông trùng hạ thảo là một vị thuốc quý trong Đông y. Ngày nay vì sự quý hiếm và giá thành cao của đông trùng hạ thảo, người ta thường thay thế vị thuốc này bằng nấm trùng thảo. Nấm trùng thảo có nhiều tác dụng tương tự đông trùng hạ thảo như giúp bổ phế, ích thận, bổ tinh tủy, cầm máu, hóa đờm, chữa hư lao sinh ho, ho ra máu, liệt dương, lưng gối đau mỏi, di tinh, có thể sử dụng để điều trị các chứng bệnh liên quan đến tâm thần như mất ngủ, hồi hộp, lo âu, hay quên.
Trứng gà hấp nấm trùng thảo là món ăn có tác dụng bổ tâm phế, ích thận tinh, dưỡng huyết, an thần.
BS. Nguyễn Huy Hoàng
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/4-mon-an-duong-tam-an-than-trong-mua-he-16925051313171174.htm