Nguồn cung dồi dào, đặc biệt từ Thái Lan, khiến giá sầu riêng tại Trung Quốc giảm mạnh, kéo theo sự thay đổi mạnh mẽ trong cuộc đua giành thị phần tại thị trường mà Thái Lan từng là “kẻ độc tôn”.
Thái Lan vẫn dẫn đầu nhờ đường sắt, thế mạnh logistics
Từng được xem là “ông hoàng không ngai” của thị trường sầu riêng Trung Quốc, Thái Lan tiếp tục giữ vững ngôi đầu. Trong 10 tháng đầu năm 2024, Thái Lan xuất khẩu tới 78.000 tấn sầu riêng tươi sang Trung Quốc, đạt giá trị 27,49 tỷ NDT (tương đương 93.500 tỷ đồng), chiếm gần 50% tổng sản lượng nhập khẩu.
Tham tán Nông nghiệp Thái Lan tại Trung Quốc, trong một sự kiện xúc tiến thương mại mới đây, tiết lộ: “Năm 2024, 60-70% lượng sầu riêng Thái Lan được xuất khẩu sang Trung Quốc”.
Vào giữa tháng 5/2025, lượng sầu riêng nhập khẩu từ Thái Lan qua tuyến đường sắt Trung - Lào tăng đột biến, kéo giá giảm mạnh tại thị trường Trung Quốc, tờ Quang Minh Nhật Báo đưa tin.
Vào chính vụ, lượng sầu riêng nhập khẩu từ Thái Lan qua tuyến đường sắt Trung - Lào tăng đột biến. Ảnh minh họa: Baidu
Đây chính là bước ngoặt lớn, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển và giảm mạnh chi phí logistics. Nhờ đó, giá sầu riêng Thái Lan tại các chợ đầu mối như Kim Mã Chính Xương (Côn Minh) chỉ còn từ 18 NDT/kg (khoảng 60.000 đồng/kg), khiến mặt hàng từng được mệnh danh là “Hermès của trái cây” trở nên gần gũi hơn bao giờ hết.
“Giá sầu riêng đã giảm khoảng 15-20 tệ/kg (khoảng 50.000-65.000 đồng/kg) so với hồi đầu tháng 5. Một ngày, tôi bán gần 1 tấn sầu riêng cả sỉ và lẻ”, một thương lái chia sẻ.
Tại một cửa hàng, nhân viên cho biết các loại sầu riêng chín mềm, nhu cầu tiêu thụ nhanh đang được bán với giá chỉ 18-28 NDT/kg (khoảng 60.000-95.000 đồng/kg), trong khi loại cao cấp vẫn giữ mức 48-58 tệ/kg (160.000-195.000 đồng/kg).
Công ty Đường sắt Côn Minh cho biết hiện có ba chuyến tàu lạnh chuyên dụng chở trái cây tươi từ Thái Lan qua Lào vào Trung Quốc mỗi ngày. Khoảng 2.000 container sầu riêng đang được trung chuyển qua Côn Minh mỗi năm để phân phối tới các đô thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Trùng Khánh.
Cục Đường sắt Trung Quốc còn phối hợp doanh nghiệp hậu cần sử dụng container lạnh BNX70 thế hệ mới, giữ nhiệt độ ổn định dưới 0,1°C, điều kiện lý tưởng cho việc bảo quản sầu riêng trong hành trình dài ngày.
Việt Nam vươn lên, Malaysia và Philippines nhập cuộc
Trong khi đó, các quốc gia Đông Nam Á khác lần lượt được cấp phép xuất khẩu, thay đổi cán cân thị trường. Trong đó, báo chí Trung Quốc nhận định Việt Nam nổi lên như một “ngựa ô” (đối thủ không được kỳ vọng nhiều ban đầu nhưng lại bất ngờ thể hiện xuất sắc) trong cuộc chơi này.
Theo truyền thông Trung Quốc, chỉ sau hai năm được cấp phép xuất khẩu, Việt Nam đã xuất khẩu tới 69.250 tấn sầu riêng tươi trong 10 tháng đầu năm 2024, đạt giá trị 19,538 tỷ NDT (khoảng 71.000 tỷ đồng), suýt soán ngôi Thái Lan.
Lợi thế về địa lý giúp thời gian vận chuyển sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc chỉ bằng một nửa so với Thái Lan, thông qua cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn đưa giá bán xuống mức dễ chịu hơn, đặc biệt hấp dẫn người tiêu dùng tại các thành phố cấp 3, cấp 4.
Sầu riêng Việt Nam nhanh chóng trở thành lựa chọn phổ biến nhờ giá ổn định và chất lượng ngày càng cải thiện.
Sầu riêng đang dần trở thành mặt hàng bình dân tại Trung Quốc. Ảnh: Yuri Momoi/Nikkei Asia
Tuy nhiên, thách thức vẫn còn. Năm 2024, 35 vùng trồng tại Việt Nam bị tạm ngừng nhập khẩu với lý do phía Trung Quốc đưa ra là “phát hiện hàm lượng cadmium vượt mức quy định”.
Malaysia chính thức gia nhập “cuộc chơi lớn” vào tháng 8/2024, với dòng sầu riêng Musang King - loại cao cấp được mệnh danh là “vua của các loại sầu riêng”.
Trong lần xuất khẩu đầu tiên, Malaysia đã bán được gần 241 tấn, giá trị 29,24 triệu NDT (khoảng 105,3 tỷ đồng). Nhờ hương vị ngọt đậm, béo mịn đặc trưng, Musang King nhanh chóng xuất hiện tại các cửa hàng trái cây cao cấp trên khắp Trung Quốc.
Philippines dù gia nhập thị trường từ sớm, vẫn đang loay hoay với bài toán chất lượng và giá thành. Trong năm 2024, nước này chỉ xuất khẩu được 10.200 tấn sầu riêng, đạt 177 triệu NDT (khoảng 638,2 tỷ đồng). Giới chuyên gia cho rằng sản lượng thấp, chất lượng chưa ổn định và các yếu tố địa chính trị đã khiến sầu riêng Philippines chưa tạo được dấu ấn rõ nét.
Từ xa xỉ thành phổ thông dưới làn sóng RCEP
Cuộc cạnh tranh đa quốc gia này làm lung lay thế độc quyền của Thái Lan - vốn từng chiếm hơn 90% thị phần sầu riêng tại Trung Quốc, nay giảm còn khoảng 50%. Sầu riêng giờ đây không còn là món hàng “xa xỉ phẩm” dành cho giới thượng lưu, mà đang trở thành trái cây phổ biến trong bữa ăn của các gia đình trung lưu tại quốc gia hơn 1 tỷ dân.
Sầu riêng, sau lớp vỏ gai góc là cả một chuỗi cung ứng nông sản tinh vi, trải dài từ nông trại Đông Nam Á đến bàn ăn của người Trung Quốc, với một chuỗi trị giá hơn 50 tỷ NDT (khoảng 180.000 tỷ đồng) mỗi năm.
Đằng sau sự chuyển mình mạnh mẽ này là lực đẩy từ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Đây là công cụ giúp gỡ bỏ rào cản thuế quan, thúc đẩy tự do thương mại nông sản giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.
Theo chuyên gia Chu Sỹ Tân thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, khu vực thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN và RCEP đã giúp định hình một chuỗi ngành hàng hoàn chỉnh, tạo điều kiện cho trái cây Đông Nam Á thâm nhập sâu hơn vào thị trường Hoa lục.
Tuy nhiên, an toàn thực phẩm vẫn là rào cản lớn nhất. Các vụ việc liên quan đến dư lượng kim loại nặng trong sầu riêng từ một số nước Đông Nam Á cho thấy sự cần thiết của một hệ thống kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc minh bạch. Đây yếu tố sống còn để chinh phục người tiêu dùng tại thị trường hơn 1,4 tỷ dân.
(Theo Quang Minh Nhật Báo, Baidu)
Tử Huy