Đã đến lúc Việt Nam cần thay đổi tư duy sản xuất, chuẩn hóa chất lượng để mở rộng thị trường và gia tăng giá trị xuất khẩu. Ảnh: Trần Thắng.
Thị trường chủ lực lao dốc
Trong bức tranh xuất khẩu nông sản Việt Nam, rau quả từng là mảng sáng rực rỡ với tốc độ tăng trưởng ấn tượng và liên tục phá kỷ lục. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2025 lại chứng kiến một bước lùi đáng lo ngại. Xuất khẩu sụt giảm, thị trường chủ lực lao dốc, mặt hàng sầu riêng sa sút phong độ… tất cả đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh: nếu không gỡ điểm nghẽn và tìm lối đi mới, ngành hàng này sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh trong thời gian tới.
Theo số liệu từ Cục Hải quan, trong tháng 4/2025, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam chỉ đạt khoảng 520 triệu USD, giảm mạnh 13% so với cùng kỳ năm 2024. Lũy kế 4 tháng đầu năm, ngành chỉ thu về hơn 1,6 tỷ USD, thấp hơn 10,5% so với năm ngoái. Đây là mức giảm đáng báo động với một ngành từng tạo ra đột phá về kim ngạch và thị trường. Đáng chú ý, Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn nhất của rau quả Việt Nam, chiếm gần 46% tổng giá trị lại ghi nhận sự lao dốc mạnh: chỉ đạt 777 triệu USD, giảm gần 33% so với cùng kỳ. Trong đó, sầu riêng xuất khẩu giảm tới 74%, chỉ đạt 130 triệu USD so với con số 500 triệu USD cùng kỳ năm trước.
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết, Trung Quốc đã siết chặt kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu. Các yêu cầu về kiểm dịch, dư lượng chất cadmium, vàng O, truy xuất nguồn gốc đều được nâng lên mức khắt khe. Nhiều lô hàng không đạt chuẩn bị trả về, gây đứt gãy chuỗi cung ứng và tác động nặng nề đến tổng kim ngạch. Không chỉ sầu riêng, toàn ngành rau quả đang bộc lộ điểm yếu cố hữu: sự phụ thuộc vào một vài thị trường và mặt hàng chủ lực. Khi “gà đẻ trứng vàng” như sầu riêng gặp trục trặc, cả ngành lập tức lao đao. Dù sản phẩm rau quả Việt đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng phần lớn vẫn tập trung vào Trung Quốc, thị trường dễ tính nhưng nay đã thay đổi tiêu chuẩn.
Trong khi đó, các thị trường cao cấp như EU, Mỹ, Nhật Bản vẫn là “miền đất hứa” nhưng rào cản kỹ thuật và yêu cầu khắt khe khiến nhiều DN chưa thể vươn tới. Những quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tiêu chuẩn môi trường, truy xuất nguồn gốc, thậm chí điều kiện lao động… đang trở thành bài kiểm tra thực sự đối với năng lực tuân thủ của sản xuất nông nghiệp Việt Nam.
Cần chuẩn hóa tiêu chuẩn chất lượng
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, một trong những nguyên nhân sâu xa khiến rau quả Việt tụt dốc là do năng lực sản xuất chưa đồng bộ và thiếu hệ thống kiểm soát chất lượng. Nhiều DN vẫn chưa chú trọng đến đầu tư thiết bị, kiểm nghiệm, hay xây dựng chuỗi sản xuất đạt chuẩn quốc tế. Trong khi đó, phần lớn rau quả Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng tươi sống, hình thức dễ bị tác động bởi thời tiết, vận chuyển và nhu cầu thị trường. Các quốc gia cạnh tranh như Thái Lan, Ấn Độ, Philippines đã đầu tư mạnh vào chế biến để tạo ra các sản phẩm như trái cây sấy, nước ép, đông lạnh… thì Việt Nam vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Một điểm nghẽn khác khiến xuất khẩu rau quả gặp khó là vấn đề truy xuất nguồn gốc. Trong bối cảnh nhiều quốc gia lo ngại gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, việc không bảo đảm minh bạch chuỗi cung ứng khiến sản phẩm Việt bị “cấm cửa”. Theo ông Đặng Phúc Nguyên, đây là khâu cần được cải thiện cấp bách, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt. Các công nghệ hiện đại như blockchain, mã QR, hệ thống dữ liệu sản xuất đang được nhiều quốc gia áp dụng để kiểm soát từ nông trại đến bàn ăn. Việt Nam nếu không nhanh chóng cập nhật, sẽ mãi là người đi sau trong cuộc chơi toàn cầu.
Trong bối cảnh này, việc chuẩn hóa tiêu chuẩn chất lượng không chỉ là “giấy thông hành” để vào các thị trường cao cấp, mà còn là chìa khóa để nâng cao giá trị sản phẩm. Các bộ tiêu chuẩn như GlobalGAP, HACCP, ISO 22000 cần được phổ biến sâu rộng đến từng hộ nông dân, hợp tác xã và DN. Bên cạnh đó, cần đầu tư mạnh mẽ vào khâu sau thu hoạch và chế biến. Khi sản phẩm được kéo dài thời gian bảo quản, đa dạng hóa chủng loại và hình thức, khả năng tiếp cận thị trường sẽ cao hơn. Đây là cách để rau quả Việt vươn lên chuỗi giá trị toàn cầu thay vì mãi dừng ở “đồng ruộng”.
Sự tụt dốc của ngành rau quả trong thời gian gần đây là lời cảnh báo. Nếu biết tận dụng thời điểm này để tái cấu trúc, đầu tư vào công nghệ và chuẩn hóa sản xuất, ngành rau quả hoàn toàn có thể trở lại mạnh mẽ hơn. Từ việc gỡ điểm nghẽn chất lượng, đa dạng hóa thị trường, đầu tư vào chế biến và truy xuất nguồn gốc.
Nguyễn Đăng