Tại phiên chất vấn sáng 9/7 của HĐND TP Hà Nội về an toàn thực phẩm, đại biểu Trần Khánh Hưng cho biết, mỗi ngày thị trường Hà Nội tiêu thụ khoảng 550 tấn thịt gia súc, gia cầm đã được kiểm soát, tương đương khoảng 60% nhu cầu. Đại biểu đặt câu hỏi về 40% còn lại: Nguồn gốc, mức độ kiểm soát ra sao?
Liên quan nội dung này, đại biểu Hoàng Thị Tú Anh nêu thực trạng trên địa bàn vẫn còn hơn 700 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư, chưa đáp ứng các điều kiện an toàn thực phẩm.
Trong khi đó, thành phố mới có 3/8 cơ sở giết mổ tập trung được xây dựng và đi vào hoạt động, nhưng công suất chỉ đạt gần 40% so với thiết kế.
Trước thực trạng này, đại biểu đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội làm rõ nguyên nhân hoạt động kém hiệu quả của các cơ sở giết mổ tập trung, đồng thời đưa ra giải pháp xử lý dứt điểm các cơ sở tự phát không đảm bảo vệ sinh.
Trả lời chất vấn, ông Nguyễn Xuân Đại – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội – cho biết, 40% lượng thịt còn lại chủ yếu đến từ các tỉnh ngoài hoặc nguồn nhập khẩu. Hà Nội đã ký kết liên kết cung cấp thực phẩm với 40 tỉnh, thành, nhưng vẫn còn tình trạng thịt không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm soát đầy đủ.
Ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở Nông nghiệp - Môi trường Hà Nội trả lời chất vấn.
Về giải pháp, ngành nông nghiệp đang xây dựng cơ chế kiểm soát chặt, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Các vùng chăn nuôi sẽ được quy hoạch, kiểm soát đầu vào, đầu ra; những cơ sở không nằm trong vùng quy hoạch sẽ được kiến nghị xóa bỏ.
Lý giải việc giết mổ tập trung hoạt động kém hiệu quả, ông Đại cho rằng người dân còn có thói quen giết mổ tại nhà do chi phí đưa vào cơ sở tập trung cao (100.000–200.000 đồng/con), trong khi lợi nhuận từ mỗi con lợn chỉ khoảng 1,3–1,8 triệu đồng.
Thời gian tới, Sở sẽ trình 13 nội dung liên quan lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, trong đó có các chính sách hỗ trợ cao hơn cho chăn nuôi và giết mổ tập trung. Đồng thời, xây dựng chế tài để xử lý nghiêm, tiến tới loại bỏ hơn 700 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và 126.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ra khỏi khu dân cư.
Trả lời thêm về hệ thống chợ đầu mối, ông Đại cho biết Hà Nội hiện có 2 chợ đầu mối chính và 5 chợ hoạt động tương tự. Tuy nhiên, hạ tầng các chợ này đã xuống cấp, hệ thống sơ chế, bảo quản không đáp ứng yêu cầu; công tác quản lý còn chồng chéo giữa các sở, ngành và địa phương.
Thành phố sẽ xây dựng lại quy trình hoạt động chợ, chuyển công tác quản lý về một đầu mối thống nhất, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền.
Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, thành phố chủ trương quy hoạch lại hệ thống giết mổ tập trung, đưa các cơ sở nhỏ lẻ ra khỏi khu dân cư để bảo đảm an toàn thực phẩm và môi trường.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều cơ sở tập trung không đủ sức hút đầu vào do chi phí đầu tư và vận hành cao, khó cạnh tranh với mô hình nhỏ lẻ. UBND thành phố đã giao Sở Nông nghiệp chủ trì cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu và trình cơ chế hỗ trợ tại kỳ họp tới nhằm tháo gỡ khó khăn này.
Ông Quyền cũng nhấn mạnh, nếu các cơ sở tập trung có đủ cơ chế hỗ trợ và hoạt động hiệu quả, thành phố sẽ từng bước thu hẹp, tiến tới xóa bỏ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ còn tồn tại.
Nguyễn Hữu Thắng