Chuyển cơ quan công an xác minh, điều tra, xử lý 7 vụ việc
Ngày 9/7, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 25, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI đã diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện quy định về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Phát biểu phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, trong những năm qua, công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm luôn được Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội quan tâm, tập trung chỉ đạo. Công tác thông tin tuyên truyền triển khai các đề án, kế hoạch, thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm để đảm bảo tăng cường, đẩy mạnh, các lực lượng chức năng của thành phố cũng đã rất tích cực.
"Điển hình như Công an thành phố đã khám phá nhiều vụ việc và trong ngày 8/7/2025, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP. Hà Nội đã phát hiện và bắt giữ rất kịp thời vụ việc liên quan đến hoạt động giết mổ, tiêu thụ lợn nghi nhiễm bệnh tại các xã Thường Tín, Hòa Xá và phường Đại Mỗ", ông Nguyễn Ngọc Tuấn dẫn chứng.
Quang cảnh kỳ họp.
Tại Hà Nội, số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn cũng rất lớn, khoảng hơn 80.000 cơ sở, nhưng sản xuất thực phẩm của thành phố mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại nhập từ các tỉnh và nhập khẩu. Việc triển khai mạng lưới giết mổ tập trung theo Quyết định số 761 ngày 17/2/2020 của UBND thành phố chưa đạt yêu cầu đề ra. Vẫn còn hơn 700 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ tồn tại trong khu dân cư chưa được kiểm soát.
Tuy nhiên, qua ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các cuộc tiếp xúc của các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND TP. Hà Nội, giám sát của Thường trực HĐND TP. Hà Nội cho thấy, thực trạng công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố còn diễn biến rất phức tạp, đáng báo động.
Nhiều vấn đề bất cập kéo dài qua nhiều năm, chưa được xử lý, giải quyết một cách hiệu quả, triệt để, dứt điểm.
Theo ghi nhận, sau 1 tháng thực hiện cao điểm Tháng hành động về an toàn thực phẩm năm 2025 (từ 15/4-15/5/2025), 627 đoàn kiểm tra liên ngành cùng 12 đoàn chuyên môn và 610 đoàn kiểm tra các địa phương đã kiểm tra, giám sát gần 12.800 cơ sở. Toàn thành phố đã phát hiện hơn 1.400 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt gần 12 tỷ đồng. 54 cơ sở bị buộc tiêu hủy số lượng hàng hóa trị giá trên 5 tỷ đồng. Hai cơ sở bị đình chỉ. Các cơ quan chức năng đã khởi tố 2 vụ án, 8 bị can về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm. 7 vụ việc đã được chuyển cơ quan công an xác minh, điều tra, xử lý.
Hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại, sử dụng nguyên liệu không có hóa đơn chứng từ, không có truy xuất nguồn gốc vẫn diễn ra trên địa bàn thành phố. Trong tháng cao điểm, vụ triệt phá đường dây sản xuất và buôn bán hàng giả quy mô lớn với khoảng 100 tấn thực phẩm chức năng và trang thiết bị y tế giả đã gây chấn động dư luận.
Các đại biểu tham gia đặt câu hỏi tại phiên chất vấn.
Cần một chiến dịch tổng lực từ kiểm tra, giám sát đến xử lý nghiêm minh
Bên cạnh đó, Hà Nội hiện có khoảng 3.600 bếp ăn tập thể tại các trường học, khu công nghiệp, bệnh viện, văn phòng. Hàng trăm nghìn người dân, từ học sinh, công nhân, đến nhân viên văn phòng đang “phụ thuộc” vào những bữa ăn mỗi ngày tại đây.
Ngày 16/4, đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm số 1 của TP. Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất bếp ăn tập thể của Công ty TNHH Đồ chơi Chee Wah Việt Nam tại Khu Công nghiệp Phú Nghĩa. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ bếp ăn xuống cấp, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Xét nghiệm nhanh khay inox đựng thức ăn cũng cho kết quả, 100% mẫu xét nghiệm không đạt tiêu chuẩn.
Tình trạng thịt gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc bị phát hiện, xử lý còn nhiều. Ngoài 60% sản lượng thịt gia súc, gia cầm được kiểm soát, 40% lượng thịt nhập từ các địa phương, vẫn còn tình trạng hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc, nhập lậu từ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.
Có thể thấy, Hà Nội đang đối diện với nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Một lượng lớn thực phẩm nhập từ các tỉnh hoặc nhập khẩu nên khó khăn trong công tác thống kê, rà soát và quản lý. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm do nhiều cơ quan ban hành còn chồng chéo, thiếu đồng bộ dẫn đến không hiệu quả. Công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm còn mang tính hình thức…
Vì thế, thành phố rất cần một chiến dịch tổng lực từ kiểm tra, giám sát đến xử lý nghiêm minh trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, để bảo vệ thị trường tiêu dùng, và trên hết, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Hà Nội sẽ tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm phục vụ các sự kiện chính trị trọng đại cuối năm 2025. Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được triển khai “từ sớm, từ xa”, thực hiện giám sát đầu vào, kiểm nghiệm đầu ra, giám sát liên tục trong suốt thời gian từ ngày 01/7 đến 31/12/2025, cao điểm từ 01/7 đến 30/9/2025, tập trung tại các khu vực diễn ra lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành, sự kiện chính trị và tiếp đón đại biểu.
Khánh Linh