Lễ hội Prayag Kumbh Mela 2025 hay Maha Kumbh 2025 sẽ được tổ chức tại nơi hợp lưu của sông Triveni Sangam, ngã ba sông Hằng, Yamuna và Saraswati ở Prayagraj (tiểu bang Uttar Pradesh) từ ngày 13/1 - 26/2/2025.
Lần cuối cùng lễ hội diễn ra ở đây là vào năm 2013, thu hút 120 triệu người.
Kumbh Mela là lễ hội tâm linh lớn nhất ở Ấn Độ và trên thế giới. Ảnh: A.D
Khoảng 150.000 nhà vệ sinh đã được dựng lên, cùng với mạng lưới bếp ăn cộng đồng có thể phục vụ đồng thời tới 50.000 người. 68.000 cột đèn LED đã được lắp đặt để phục vụ lễ hội, lớn đến mức ánh sáng từ khu vực này có thể nhìn thấy từ ngoài không gian.
Chính quyền và lực lượng cảnh sát đã thiết lập mạng lưới các trung tâm tìm kiếm trên ứng dụng điện thoại, nhằm kết nối với khách bị lạc trong đám đông khổng lồ.
Là quốc gia đông dân nhất thế giới với 1,4 tỷ người, Ấn Độ đã quen với việc tổ chức các sự kiện có quy mô lớn.
Năm 2019, quốc gia này tổ chức Ardh Kumbh Mela" hay "Kumbh Mela nửa kỳ", một phiên bản nhỏ hơn của lễ hội Kumbh Mela, thu hút 240 triệu tín đồ, theo thống kê của chính phủ. Trong tiếng Hindi, từ "ardh" có nghĩa là "một nửa". Lễ hội này được tổ chức xen kẽ giữa hai kỳ Kumbh Mela chính, diễn ra 12 năm một lần.
Chính phủ gọi Kumbh Mela là sự hòa quyện sống động của các nền văn hóa, truyền thống và ngôn ngữ, thể hiện một Ấn Độ thu nhỏ, nơi hàng triệu người cùng tụ hội.
Người Hindu tin rằng tắm trong các dòng nước sẽ giúp thanh tẩy tội lỗi, giải thoát khỏi vòng luân hồi và đạt được sự cứu rỗi. Nhiều tín đồ chọn sống đơn giản trong thời gian diễn ra lễ hội, cam kết không bạo lực, giữ giới hạnh, bố thí cho người nghèo, tập trung vào cầu nguyện và thiền định.
Kumbh Mela (lễ hội của Bình đựng nước thiêng) là một trong những lễ hội tôn giáo lớn nhất thế giới, lễ hội diễn ra 4 năm/lần, luân phiên giữa bốn thành phố linh thiêng ở Ấn Độ là Allahabad, Haridwar, Ujjain và Nasik. Lễ hội được UNESCO xếp hạng là di sản văn hóa phi vật thể năm 2017.
Nhiều hãng thông tấn thế giới đánh giá, Kumbh Mela 2025 không chỉ là một trong những sự kiện văn hóa hoành tráng nhất hành tinh, mà còn là cơ hội để ngành du lịch Ấn Độ bùng nổ. Tuy nhiên, họ cũng không loại trừ khả năng lễ hội này sẽ góp phần gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường đang ở mức cực kì nguy hiểm của đất nước tỉ dân...
UNESCO đã công nhận Kumbh Mela là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới năm 2017. Đây là sự công nhận quan trọng đối với lễ hội, ghi nhận giá trị văn hóa, tôn giáo và cộng đồng của Kumbh Mela, cũng như tác động của nó đối với hàng triệu tín đồ tham gia mỗi năm.
Minh Châu