5 bệnh viện đầu ngành của Hải Phòng phải đưa BAĐT vào sử dụng chính thức từ tháng 9/2025

5 bệnh viện đầu ngành của Hải Phòng phải đưa BAĐT vào sử dụng chính thức từ tháng 9/2025
một ngày trướcBài gốc
Đối với các đơn vị còn lại, Sở chỉ đạo xây dựng đề án triển khai, trong đó nêu rõ phương án tài chính, tiến độ và so sánh giữa hai mô hình: thuê toàn bộ hạ tầng và phần mềm (PA1) hoặc mua sắm hạ tầng và thuê phần mềm (PA2). Các đề án này sẽ được tổng hợp, báo cáo lên UBND thành phố để xem xét phê duyệt phương án triển khai chung.
Bệnh án điện tử không chỉ là bước chuyển mình trong quản lý y tế mà còn là giải pháp tất yếu để hiện đại hóa hệ thống khám chữa bệnh, hướng tới nền y tế thông minh. Tuy vậy, để đề án này thực sự đi vào thực tiễn một cách đồng bộ và hiệu quả, Hải Phòng cần một cú hích từ chính sách, cơ chế tài chính và nguồn lực đầu tư phù hợp – đặc biệt là đối với các đơn vị y tế công lập đang trong giai đoạn tự chủ đầy khó khăn.
Trong nhiều năm qua, một số bệnh viện lớn tại Hải Phòng đã chủ động ứng dụng bệnh án điện tử (BAĐT) vào quy trình làm việc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tiến trình triển khai BAĐT vẫn còn khó khăn, phần lớn do vướng mắc về hạ tầng công nghệ và nguồn kinh phí hạn chế.
Nhiều thách thức trong triển khai bệnh án điện tử
Bệnh án điện tử (BAĐT) được Bộ Y tế xác định là một trong những giải pháp cốt lõi trong tiến trình chuyển đổi số ngành y tế.
Theo lộ trình triển khai bệnh án điện tử, tất cả các bệnh viện, viện có giường bệnh phải hoàn thành trước ngày 30/9/2025 song tại Hải Phòng, số lượng cơ sở y tế đã triển khai hệ thống này vẫn còn khá khiêm tốn.
Dù đã triển khai nhiều năm nay nhưng nhiều bệnh viện vẫn gặp khó khăn để hoàn thiện đồng bộ BAĐT.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp – bệnh viện tuyến cuối của thành phố và là đơn vị tự chủ tài chính bậc I, quy mô lớn với hai cơ sở hoạt động song song, việc triển khai bệnh án điện tử (BAĐT) được thiết kế theo lộ trình 5 giai đoạn kéo dài từ năm 2023 đến 2028. Hiện bệnh viện đang trong giai đoạn 2, tập trung nâng cấp hệ thống hạ tầng mạng và phần mềm lõi.
Thạc sĩ Nguyễn Việt Anh – Trưởng phòng Công nghệ thông tin của bệnh viện cho biết, trở ngại lớn nhất chính là chi phí đầu tư. Hai cơ sở đồng thời hoạt động yêu cầu xây dựng hai phòng máy chủ độc lập nhưng đồng bộ hóa, dẫn đến chi phí đầu tư gần như tăng gấp đôi – một áp lực lớn đối với đơn vị tự chủ hoàn toàn.
Do máy chủ và phần mềm của TTYT Cát Hải đã cũ, không đáp ứng hoạt động thực tế nên hiệu quả chưa cao.
Tương tự, Bệnh viện Kiến An đã ứng dụng phần mềm khám chữa bệnh từ năm 2012 và đạt mức 4 theo Thông tư 54 của Bộ Y tế về tiêu chí hạ tầng và phần mềm His. Tuy vậy, ông Phạm Thành Trung – Trưởng phòng Công nghệ thông tin của bệnh viện cho rằng, việc triển khai BAĐT đồng bộ cần một nguồn kinh phí rất lớn, chưa kể đến chi phí duy trì, cập nhật phần mềm và đào tạo đội ngũ chuyên môn.
Tại Trung tâm Y tế huyện Cát Hải – một đơn vị y tế tuyến cơ sở ở đảo xa đất liền – quá trình tiếp cận BAĐT đang diễn ra một cách chậm chạp và đầy thử thách. Cả trung tâm hiện có 2 máy chủ với 60 máy trạm nhưng từ 2015 đến nay, những thiết bị này đã xuống cấp, lỗi thời dù nhiều lần đơn vị đã nâng cấp, sửa chữa. Trung tâm cũng lo lắng, với cấu hình của máy chủ thấp và máy trạm lỗi thời như hiện nay, khó có thể đáp ứng được công việc như đề án đề ra.
Bác sĩ CKI Nguyễn Văn Huân – Giám đốc TTYT Cát Hải chia sẻ: "Là đơn vị tự chủ nhóm 3, nguồn kinh phí triển khai hệ thống BAĐT rất khó khăn. Ngoài ra, việc vận hành còn đòi hỏi nhân lực công nghệ thông tin có trình độ cao – điều mà các đơn vị tuyến cơ sở xa đất liền như chúng tôi đang thiếu hụt trầm trọng. Chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Bộ Y tế, Thành phố và Sở Y tế sớm đầu tư nâng cấp hệ thống CNTT lên phần mềm His cũng như thêm nhân lực trình độ cao về CNTT .., như thế TTYT mới đảm bảo dược việc triển khai BAĐT"
Hiệu quả bước đầu từ BAĐT
Mặc dù chưa thể đồng bộ toàn diện theo yêu cầu của Bộ Y tế, nhưng việc triển khai bệnh án điện tử (BAĐT) bước đầu đã mang lại những hiệu quả rõ rệt, đặc biệt là trong khâu tiếp nhận, lưu trữ và truy xuất dữ liệu người bệnh.
Dù chưa đồng bộ BAĐT nhưng qua giai đoạn đầu triển khai cho thấy tính hiệu quả đề án mang lại.
Chia sẻ từ bà Phạm Thị Chung (60 tuổi, Hải An) – một bệnh nhân từng khám tại Bệnh viện Việt Tiệp – cho thấy sự tiện lợi của hệ thống: chỉ với thẻ căn cước công dân (CCCD), bà có thể hoàn tất thủ tục nhanh chóng, không còn cảnh chờ đợi xếp hàng như trước. bác sĩ nắm được thông tin bệnh sử hay kết quả xét nghiệm, chiếu chụp film ngay trên máy tính của bà mà không phải cầm bệnh án giấy như trước. "Không cần cầm theo hàng đống giấy tờ như trước, không phải xếp hàng chờ đợi lấy số, nhận phim chụp qua mã QR trên tờ kết quả, chữ bác sĩ rõ ràng hơn, không phải vừa đọc, vừa luận như viết tay trước đây. Tôi rất bất ngờ và hài lòng với sự đổi mới này của bệnh viện !" – bà nói.
Theo các bác sĩ, BAĐT giúp nâng cao hiệu quả quản lý thông tin y tế, giảm thời gian chờ đợi nhờ kết nối hệ thống xét nghiệm (LIS) và hình ảnh (PACS), đồng thời hỗ trợ ban lãnh đạo trong việc quản lý tài chính, lập kế hoạch phát triển bệnh viện thông qua dữ liệu trực quan, minh bạch.
Tuy nhiên, vướng mắc lớn hiện nay là do Thông tư 23/2024/TT-BYT chưa quy định chi phí cho ứng dụng công nghệ thông tin – đặc biệt là hệ thống PACS – trong cơ cấu giá dịch vụ y tế, khiến một số dịch vụ như chẩn đoán hình ảnh không được thanh toán, làm chậm quá trình đầu tư và triển khai.
Minh Lý - Tiến Sinh
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/5-benh-vien-dau-nganh-cua-hai-phong-phai-dua-badt-vao-su-dung-chinh-thuc-tu-thang-9-2025-169250414172411739.htm