Giày dép là nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch tỷ USD chỉ trong nửa đầu tháng 1/2025.
Theo Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 1/2025, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 16,25 tỷ USD, tăng gần 6,3% so với cùng kỳ 2024 (tương đương kim ngạch tăng gần 1 tỷ USD).
5 nhóm hàng đạt kim ngạch tỷ USD trong 15 ngày đầu năm mới, gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may; giày dép.
So với cùng kỳ năm ngoái, số nhóm hàng có kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên tăng 1 nhóm, đó là giày dép. Nhóm hàng này đã có kim ngạch tăng mạnh 22,55% so với cùng kỳ.
Hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta trong 15 ngày đầu tháng 1 đều có tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mức độ sụt giảm sẽ lớn hơn theo thông lệ sẽ ở vào khoảng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, tức tuần cuối của tháng 1 và những ngày đầu tháng 2/2025.
Sau khi xuất khẩu của năm 2024 cán đich kim ngạch gần 406 tỷ USD, cũng đánh dấu kỷ lục của xuất khẩu hàng hóa nước ta, xuất siêu gần 25 tỷ USD, năm 2025 này, Bộ Công thương đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu khoảng 12%, tức cán mốc trên 450 tỷ USD.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, tăng trưởng xuất khẩu đạt từ 12% trở lên trong năm nay là một mục tiêu rất thách thức. Vì như vậy, trung bình mỗi tháng xuất khẩu phải tăng 4 tỷ USD so với mức bình quân tháng của năm 2024 trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường.
"Xuất khẩu mặc dù phục hồi, nhưng chưa bền vững, chịu nhiều tác động bởi các yếu tố bên ngoài, cùng đó là kim ngạch xuất khẩu của nước ta 70% thuộc về khu vực FDI, phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu và chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia", ông Diên nói thêm.
Việt Nam cũng đứng trước thách thức về cạnh tranh xuất khẩu về giá do gia tăng các chi phí về logictics và đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của các thị trường xuất khẩu.
Cùng đó là đối diện với các thách thức lớn về việc Mỹ có thể thực hiện việc áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam do thặng dư thương mại cao với thị trường này; các xu hướng về đầu tư núp bóng sang Việt Nam, gian lận nguồn gốc xuất xứ để tránh thuế…
Để đạt được mức tăng trưởng 12% trong bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen, ngành Công thương sẽ tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm huy động lợi thế cạnh tranh, tận dụng cơ hội về thị trường xuất khẩu thông qua việc thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng khai thác có hiệu quả các thị trường truyền thống còn nhiều tiềm năng.
Cùng đó là tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, phát huy và nâng cao vai trò của cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc nắm bắt thông tin, phản ánh kịp thời những diễn biến của kinh tế thế giới và các chủ trương, chính sách của các nước sở tại, giúp các cơ quan nhà nước có những phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia.
Đa dạng hình thức xúc tiến, gắn hoạt động xúc tiến thương mại với phát triển sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước và phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số. Tăng cường cảnh báo sớm rủi ro và đồng hành với doanh nghiệp khi phát sinh các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Thế Hải