Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 10/2025 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Quy định 178/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Theo đó, chương trình đưa ra năm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để các Bộ ngành, địa phương liên quan thực hiện.
Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt, phổ biến đúng, đầy đủ mục đích, ý nghĩa và nội dung của Quy định 178, nhất là nguyên tắc, nội dung, phương thức, trách nhiệm kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Cạnh đó là các hành vi tham nhũng, tiêu cực; trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; xử lý hành vi vi phạm nhằm kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
"Trong các hội nghị, tập huấn về công tác xây dựng pháp luật của bộ, ngành, địa phương cần lồng ghép quán triệt, phổ biến về Quy định 178” – Chương trình hành động nêu rõ và yêu cầu nâng cao nhận thức, trách nhiệm về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật hôm 7-1-2025. Ảnh: BÁO NHÂN DÂN
Chương trình hành động cũng yêu cầu phải phát huy vai trò của Chính phủ trong việc xây dựng các văn bản, đề án bảo đảm kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật.
Trong đó, cần tăng cường trách nhiệm xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền của Đảng về nội dung văn bản quy phạm pháp luật; tiếp tục xây dựng các đề án như bảo đảm và tăng cường nguồn lực đầu tư, đổi mới cơ chế phân bổ, sử dụng hiệu quả kinh phí xây dựng và thi hành pháp luật; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đến năm 2030.
Chính phủ cũng yêu cầu bộ, ngành, địa phương lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Song song đó là giám sát, kiểm tra công tác xây dựng pháp luật nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật và kịp thời sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật.
“Căn cứ tính chất, mức độ vi phạm để xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực bằng các biện pháp, hình thức kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính, xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự theo quy định” – Nghị quyết nêu rõ.
Chính phủ cũng yêu cầu trưởng các bộ, ngành, đơn vị liên quan xây dựng, ban hành Kế hoạch công tác phù hợp với tình hình thực tế của bộ, ngành mình. Cạnh đó, chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo cơ sở pháp lý thực hiện nhiệm vụ kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Quy định 178 được Bộ Chính trị ban hành hồi tháng 7-2024 đã nêu rõ sáu hành vi tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật.
Cụ thể, cố ý chủ trì ban hành hoặc tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thể hiện lợi ích nhóm, cục bộ; cố ý trì hoãn việc đình chỉ, bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật vì mục đích lợi ích nhóm, cục bộ.
Nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc các lợi ích khác dưới mọi hình thức để ban hành hoặc tác động đến cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật nhằm ban hành văn bản quy phạm có nội dung thể hiện lợi ích nhóm, cục bộ.
Đưa hối lộ, môi giới hối lộ cho người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật nhằm ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thể hiện lợi ích nhóm, cục bộ.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong công tác xây dựng pháp luật để định hướng truyền thông không bảo đảm khách quan và không đúng sự thật về nội dung chính sách trong công tác xây dựng pháp luật vì vụ lợi.
Lạm quyền, câu kết với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác để trục lợi trong công tác xây dựng pháp luật...
Cùng đó, Quy định này cũng nhận diện cụ thể các hành vi tiêu cực trong xây dựng pháp luật.
Đáng chú ý, theo Quy định 178, lãnh đạo cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị bị xem xét tăng trách nhiệm trong trường hợp phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật mà không lãnh đạo, chỉ đạo áp dụng các biện pháp theo quy định, hoặc các biện pháp cần thiết khác để ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ.
NGUYỄN THẢO