Tổng thống Donald Trump ngay khi bước vào Nhà Trắng đã ký một loạt các sắc lệnh hành pháp.
Trước đó, khi phát biểu với đông đảo những người ủng hộ, ông Trump nói rằng sẽ thu hồi 80 sắc lệnh hành pháp mang cực đoan của chính quyền trước.
"Hoa Kỳ sẽ không phá hoại các ngành công nghiệp của mình trong khi Trung Quốc vẫn tiếp tục gây ô nhiễm mà không bị trừng phạt", ông phát biểu trong tiếng vỗ tay vang dội.
Ông Trump đã thể hiện điều này thông qua việc ký sắc lệnh rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. Ông cũng hủy bỏ các chính sách về bảo vệ môi trường, trong đó có thúc đẩy việc sử dụng xe điện của chính quyền tiền nhiệm.
Đánh giá về các tác động của chính sách mới của chính quyền Donald Trump, Tech Radar cho rằng ngành xe điện sẽ gặp phải 5 vấn đề sau:
Xe điện có thể trở nên đắt đỏ hơn
Trước khi rời nhiệm sở vào tháng 1 năm 2025, chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden đã triển khai một loạt chính sách nhằm thúc đẩy việc sử dụng xe điện tại Mỹ.
Một trong những mục tiêu quan trọng là đảm bảo rằng đến năm 2030, 50% số ô tô bán ra tại Mỹ là xe điện. Để hỗ trợ mục tiêu này, chính quyền đã phân bổ 7,5 tỷ USD để xây dựng mạng lưới 500.000 trạm sạc xe điện trên toàn quốc vào năm 2030.
Ngoài ra, chính quyền cựu Tổng thống Biden đã đưa ra các ưu đãi thuế lên đến 7.500 USD cho người mua xe điện mới, 4.000 USD cho xe điện đã qua sử dụng trong lần chuyển đổi đầu tiên, bắt đầu áp dụng từ đầu năm 2024.
Tuy nhiên, vào ngày 20/1/2025, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp bãi bỏ các chính sách này. Ông Trump đã chấm dứt mục tiêu 50% xe điện vào năm 2030, dừng phân bổ các khoản tiền chưa sử dụng từ quỹ 5 tỷ USD dành cho trạm sạc xe điện và xem xét bãi bỏ các ưu đãi thuế cho người mua xe điện.
Chính sách này khiến cho việc sở hữu một chiếc xe điện ở Mỹ trở nên đắt đỏ hơn do không còn được hưởng các ưu đãi.
Sạc xe công cộng trở nên khó khăn hơn
Như đã đề cập ở trên, toàn bộ ngân sách dành cho xây dựng các trạm sạc xe điện được cung cấp thông qua Chương trình công thức cơ sở hạ tầng xe điện quốc gia; Chương trình tài trợ tùy ý cho cơ sở hạ tầng sạc và tiếp nhiên liệu - của chính quyền cựu Tổng thống Biden, đều sẽ bị tạm dừng. Chính quyền mới của ông Trump đang xem xét lại "quy trình, chính sách và chương trình cấp tiền tài trợ, cho vay, hợp đồng hoặc bất kỳ khoản giải ngân tài chính nào khác".
Việc tạm dừng cấp vốn sẽ dẫn đến tạm dừng triển khai các trạm sạc xe điện công cộng mới và khả năng hủy bỏ các dự án công cộng quy mô lớn. Nghĩa là cơ sở hạ tầng sạc sẽ không được mở rộng thêm và cá nhân sở hữu xe sẽ phải lắp đặt điểm sạc tại nhà.
Theo thống kê của Cox Automotive, vào năm 2024, khách hàng Hoa Kỳ đã mua 1,3 triệu xe điện - tăng 7,3% so với năm trước.
Sự lựa chọn của người tiêu dùng bị hạn chế
Chính quyền cựu Tổng thống Biden đã hạn chế nhập khẩu các loại xe điện giá rẻ được sản xuất tại Trung Quốc bằng cách áp dụng mức thuế thương mại lớn.
Người ta vẫn chưa chắc chắn liệu Tổng thống Trump có duy trì các chính sách này hay không, nhưng ông đã đe dọa sẽ áp thuế thương mại 25% đối với Mexico và Canada, những nước láng giềng của Hoa Kỳ - là hai khu vực quan trọng về sản xuất và xuất khẩu xe điện.
General Motors, Ford, Volkswagen Group, BMW và Mercedes-Benz đều sản xuất ô tô tại Mexico. Đồng thời, nhiều nhà sản xuất ô tô và nhà sản xuất pin đã dành khoản tiền lớn cho các nhà máy sản xuất xe và pin mới tại Canada.
Nhiều dự án sản xuất xe đã bị hủy, với lý do là người dân chưa mặn mà với xe điện ở Canada và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, mức thuế 25% mà ông Trump đề xuất có khả năng tàn phá ngành công nghiệp ô tô đang phát triển mạnh mẽ của Canada.
Theo tạp chí Maclean's Canada, gần 90% xe sản xuất tại Canada được xuất khẩu sang Hoa Kỳ và hơn 60% phụ tùng ô tô sản xuất tại Canada được vận chuyển đến các nhà máy lắp ráp tại Hoa Kỳ.
Sẽ không mất nhiều thời gian để một số nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới ngừng cung cấp xe điện cho thị trường Bắc Mỹ. Điều này có nghĩa là sự lựa chọn của người tiêu dùng sẽ bị giới hạn ở một số ít mẫu xe đang được tiêu thụ tốt trên thị trường.
Xe điện sẽ gặp khó khăn khi sạc bằng năng lượng sạch
Mục tiêu tối thượng của việc sở hữu xe điện là khả năng sạc đầy pin cho xe với giá rẻ và từ các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, mặt trời và thủy điện, vì điều này không đòi hỏi phải đốt nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện và do đó giúp giảm đáng kể lượng khí thải carbon.
Tuy nhiên, chính sách mới của ông Trump là dừng mua điện gió ngoài khơi, với lý do là mối đe dọa tiềm tàng đối với sinh vật biển.
Theo The Verge, ông Trump phát biểu tại cuộc mít tinh với người ủng hộ rằng: "Chúng ta sẽ không khai thác gió". Thay vào đó, ông chuyển trọng tâm sang việc tăng cường khoan khí đốt và dầu mỏ.
Như vậy, năng lượng sạch để cung cấp cho trạm sạc xe điện sẽ sụt giảm khi chính sách của tân Tổng thống không ưu tiên cho phát triển năng lượng sạch.
Sự đổi mới trong lĩnh vực xe điện có thể chậm lại
Mặc dù nhiều sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump sẽ tác động trực tiếp đến những khách hàng tiềm năng của xe điện ở Bắc Mỹ, nhưng chúng cũng sẽ có hiệu ứng lan tỏa đến phần còn lại của thế giới.
Chỉ riêng hành động rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris - có nghĩa Hoa Kỳ không còn cam kết làm chậm lại những tác động tàn phá của biến đổi khí hậu.
Nhưng quan trọng hơn thế, việc hạ thấp giá trị của xe điện khiến nó trở thành lựa chọn kém hấp dẫn hơn đối với các nhà sản xuất ô tô tại Mỹ, nghĩa là mong muốn đổi mới của họ trong lĩnh vực này bị cản trở bởi mong muốn kiếm lợi nhuận nhanh chóng - chủ yếu bằng cách bán những loại xe chạy xăng và dầu diesel đã làm trong nhiều thập kỷ.
Nhiều hãng sản xuất ô tô truyền thống đã tụt hậu rất xa so với các đối thủ Trung Quốc khi nói đến công nghệ xe điện. Tuy nhiên, khoảng cách này chắc chắn sẽ ngày càng lớn hơn nếu một trong những siêu cường thế giới quay lưng lại với điện khí hóa.
Theo Tech Radar
Đăng Khoa