Vì sao ông Trump sa thải hàng nghìn người từ chính quyền trước

Vì sao ông Trump sa thải hàng nghìn người từ chính quyền trước
7 giờ trướcBài gốc
Cựu Tổng thống Joe Biden tại lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump hôm 20/1. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh trong vòng vài giờ sau khi nhậm chức hôm 20/1 nhằm mở đường cho việc dễ dàng sa thải hơn với hàng nghìn nhân viên của cơ quan liên bang và thay bằng những người trung thành chính trị. Sắc lệnh này, về cơ bản giống với sắc lệnh ông Trump từng ban hành vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên của mình, đang phải đối mặt với vụ kiện của một liên đoàn người lao động lớn và có khả năng sẽ gây ra nhiều thách thức pháp lý hơn.
Sắc lệnh có nội dung như thế nào?
Phần lớn trong số hơn 2,2 triệu nhân viên của chính phủ liên bang là công chức sự nghiệp được tuyển dụng dựa trên năng lực và phục vụ tất cả các chính quyền.
Các vị trí công chức này vẫn duy trì khi một chính quyền kết thúc và chỉ có thể bị sa thải khi có lý do chính đáng. Trong các chính quyền tổng thống trước đây, một vài nghìn viên chức liên bang được xem là diện bổ nhiệm chính trị. Sắc lệnh của ông Trump tạo ra một danh mục mới lớn hơn nhiều các nhân viên liên bang được gọi là Schedule Policy/Career không có các biện pháp bảo vệ thông thường dành cho công chức và có thể bị sa thải tùy ý. Sắc lệnh này áp dụng cho các công việc "mang tính chất bí mật, quyết định chính sách, hoạch định chính sách hoặc ủng hộ chính sách".
Trong nhiều năm, ông Trump đã chỉ trích bộ máy quan liêu liên bang, bị ông dán nhãn là "nhà nước ngầm", tuyên bố rằng các viên chức không có trách nhiệm vì họ được bảo vệ không bị sa thải. Sắc lệnh mới sẽ trao cho ông Trump quyền sa thải tới 50.000 viên chức như vậy và có thể thay thế bằng những người trung thành chính trị.
Vì sao tổng thống có quyền miễn trừ vị trí viên chức liên bang
Quốc hội trao cho tổng thống quyền miễn trừ các vị trí viên chức khi "cần thiết" và "là các điều kiện đảm bảo chính quyền tốt". Trong sắc lệnh của mình, ông Trump cho biết việc tạo ra Schedule Policy/Career là cần thiết để các cơ quan có thêm sự linh hoạt và tùy ý trong việc tuyển dụng. Ông cho biết sắc lệnh này là phản ứng đối với "nhiều trường hợp được ghi chép rõ ràng về các nhân viên liên bang chuyên nghiệp chống lại và phá hoại các chính sách và chỉ thị của lãnh đạo điều hành".
Điều gì đã xảy ra với nỗ lực phân loại viên chức liên bang đầu tiên của ông Trump?
Ông Trump lần đầu tiên đưa ra hành động miễn trừ trong một sắc lệnh hành pháp năm 2020 trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, khi đó gọi là Biểu F. Nhưng cựu Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đã hủy bỏ sắc lệnh này vào năm 2021, trước khi bất kỳ người lao động nào bị phân loại lại. Sắc lệnh của ông Trump lúc đó đã phải đối mặt với thách thức pháp lý ngay lập tức từ Liên đoàn Nhân viên Ngân khố Quốc gia (NTEU), đại diện cho 150.000 nhân viên tại 37 cơ quan liên bang. Vụ kiện trở nên vô hiệu khi ông Biden rút lại sắc lệnh.
NTEU đã khởi kiện lại vào cuối ngày 20/1, tuyên bố rằng sắc lệnh mới tước bỏ quyền được xét xử hợp pháp của người lao động liên bang một cách không đúng mực và ông Trump đã không giải thích tại sao sắc lệnh mới lại cần thiết, theo yêu cầu của luật liên bang.
Sắc lệnh này có thể có hiệu lực ngay lập tức không?
Không.
Chính quyền Biden đã thông qua một quy định vào năm 2024 nhằm ngăn chặn việc ông Trump khôi phục Biểu F. Quy định này nêu rõ những người lao động được miễn trừ bắt buộc vẫn được giữ nguyên các biện pháp bảo vệ pháp lý đã được hưởng và tạo ra một quy trình để họ phản đối việc phân loại lại viên chức liên bang. Văn phòng Quản lý Nhân sự Mỹ dự kiến sẽ đề xuất bãi bỏ quy định này, một quá trình sẽ mất nhiều tháng hoặc lâu hơn.
Sắc lệnh này cho phép người đứng đầu cơ quan có 90 ngày để đánh giá sơ bộ và 210 ngày để hoàn tất đánh giá đầy đủ các vị trí có thể được chuyển sang danh mục mới.
Người lao động có thể kiện không?
Các liên đoàn chắc chắn sẽ đệ đơn kiện, nhưng những người lao động cá nhân được phân loại lại theo sắc lệnh mới sẽ phải trải qua một quy trình hành chính trước Hội đồng Bảo vệ Hệ thống Công việc, một hội đồng độc lập gồm ba thành viên do tổng thống bổ nhiệm.
Cho đến khi quy định năm 2024 bị bãi bỏ, những người lao động bị phân loại lại có thể tận dụng quy trình này để kháng cáo những quyết định đó lên hội đồng công việc. Nhân viên có thể lập luận rằng công việc của họ nằm ngoài phạm vi của Schedule Policy/Career, rằng các cơ quan đã vi phạm quyền tố tụng hợp pháp của họ khi không tuân theo các thủ tục thích hợp hoặc rằng họ bị nhắm mục tiêu với lý do phân biệt đối xử.
Dương Lam
Nguồn Znews : https://znews.vn/vi-sao-ong-trump-sa-thai-hang-nghin-nguoi-tu-chinh-quyen-truoc-post1526421.html