Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.
Chính quyền tân Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 22/1 cảnh báo nhân viên liên bang có thể sẽ đối mặt với “hậu quả bất lợi” nếu họ không gửi thông tin về những đồng nghiệp từ chối tuân thủ lệnh xóa bỏ nỗ lực về đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI).
Theo mẫu email từ Văn phòng Quản lý Nhân sự (OPM), các quan chức sẽ không chấp nhận “việc ngụy trang các chương trình này bằng cách sử dụng ngôn ngữ ám chỉ hoặc không rõ ràng”. Đồng thời, nhân viên liên bang có 10 ngày để báo cáo những gì họ quan sát được tới một địa chỉ email đặc biệt mà không gặp rủi ro pháp lý.
“(Bạn) sẽ không gặp hậu quả bất lợi nào khi gửi thông tin kịp thời”, New York Times dẫn lời mẫu email gửi tới các lãnh đạo bộ, cơ quan nêu rõ. “Tuy nhiên, (bạn) không báo cáo thông tin trong vòng 10 ngày có thể dẫn tới hậu quả bất lợi”.
“Những chương trình này chia rẽ người Mỹ theo chủng tộc, lãng phí tiền thuế của người dân và dẫn tới phân biệt đối xử”, mẫu email nêu thêm.
Hành động ngay lập tức
Một số cơ quan, như Bộ Giáo dục hay Bộ Ngoại giao Mỹ, đã gửi thông điệp tới nhân viên vào ngày 22/1. Có những bên chỉnh sửa một vài điểm mới gửi email đi, như Bộ An ninh Nội địa nhấn mạnh việc phớt lờ hoạt động DEI “sẽ dẫn tới hậu quả bất lợi”.
Theo New York Times, email này đánh dấu sự leo thang đáng kể trong chiến dịch của ông Trump nhằm chống lại các chương trình đa dạng đảo ngược tình trạng bất bình đẳng có hệ thống kéo dài hàng thập niên. Động thái trên cũng thuộc một phần nỗ lực nhắm tới lực lượng liên bang, vốn bị tổng thống Mỹ coi là “bộ máy quan liêu cồng kềnh”. Ông Trump cam kết xóa bỏ các bộ phận và ra lệnh cho người làm việc từ xa trở lại văn phòng.
Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Trump sẽ ngăn chặn nỗ lực “đưa chủng tộc và giới tính vào mọi khía cạnh đời sống công tư”. “Chúng ta sẽ xây dựng một xã hội không phân biệt màu da và dựa trên thành tích”, ông tuyên bố.
Ông Trump ký hàng loạt sắc lệnh ngay sau lễ nhậm chức. Ảnh: Reuters.
Tối 21/1, chính quyền mới công bố bản ghi nhớ yêu cầu mọi nhân viên làm việc trong các văn phòng DEI sẽ bị cho nghỉ tạm thời trước 17h chiều 22/1 (giờ địa phương), bước đầu tiên hướng tới đóng cửa hoàn toàn các văn phòng và chương trình tương tự. Các cơ quan được lệnh lập kế hoạch sa thải nhân viên trước ngày 31/1.
"Bức bình phong" để cắt giảm quy mô liên bang?
Everett Kelley - Chủ tịch Liên đoàn công chức chính phủ Mỹ - cho biết việc ông Trump nhắm vào D.E.I “chỉ là bức bình phong để sa thải công chức”. "Chính phủ liên bang tuyển dụng và thăng chức hoàn toàn dựa trên năng lực", ông Kelley nói.
Dariely Rodriguez - cố vấn đến từ Ủy ban Luật sư về Quyền công dân theo Luật - nhận định các lệnh này phản ánh sự hiểu lầm cơ bản về mục đích của các sáng kiến D.E.I và chính phủ liên bang vẫn phải tuân thủ luật về quyền công dân. "D.E.I. không phải là về chế độ đối xử ưu đãi, mà là xóa bỏ các rào cản", bà Rodriguez cho biết.
Gần đây, ông Trump cũng thu hồi một sắc lệnh hành pháp có từ 60 năm trước, trong đó cấm phân biệt đối xử trong các hoạt động tuyển dụng thuộc chính phủ liên bang. Đồng thời, tổng thống chỉ đạo Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) dừng tuyển dụng tìm kiếm sự đa dạng, công bằng và hòa nhập, khẳng định điều này gây nguy hiểm cho các hành khách.
Chính quyền Trump cáo buộc dưới thời người tiền nhiệm, FAA “đã tìm cách tuyển và thuê những cá nhân có bệnh nghiêm trọng gây ảnh hưởng tới thực hiện nhiệm vụ cứu sinh thiết yếu”, nhưng không đưa ra được dẫn chứng nào.
Một số nhóm bảo thủ ca ngợi động thái của ông Trump. Yukong Mike Zhao - Chủ tịch Liên minh Giáo dục người Mỹ gốc Á - gọi các lệnh mới là “cột mốc quan trọng trong tiến trình đấu tranh giành quyền công dân của người Mỹ và là bước tiến thiết thực hướng tới xây dựng một xã hội không phân biệt màu da”. Ông Zhao cho rằng "các chương trình đặc cách hay D.E.I thức tỉnh thực chất là hành động phân biệt chủng tộc trá hình”.
Một số nhân viên cho biết hàng loạt nỗ lực trong những ngày gần đây đã gieo rắc nỗi sợ hãi và hoang mang trong lực lượng lao động liên bang.
Một số cơ quan tuyên bố ý định tuân thủ các quy tắc mới. Hôm 22/1, phát ngôn viên CIA cho biết cơ quan này đã giải thể văn phòng đa dạng và hòa nhập, và hiện các nhân viên “tập trung cao độ vào nhiệm vụ tình báo”.
Có những bên chưa hiểu rõ về tác động của các sắc lệnh mới. Tại Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), một số nhân viên không chắc liệu họ có được đi làm vào ngày 23/1 không.
Matthew Tejada - cựu Phó trợ lý quản trị viên về công lý môi trường dưới thời Tổng thống Joe Biden - cho biết ông đã tuyển dụng nhiều người có thể gặp rủi ro.
"Mọi người không làm việc tại EPA vì muốn có một công việc liên bang", ông Tejada nói. "Họ làm việc tại EPA vì muốn bảo vệ môi trường và sức khỏe của mọi người".
Trí Ân