50 gia đình giàu nhất Anh nắm nhiều tài sản hơn của 34 triệu người nghèo nhất. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại London, số lượng tỷ phú ở Anh đã tăng mạnh, từ 15 người vào năm 1990 lên 165 người vào năm 2024, cùng với sự gia tăng đáng kể trong bất bình đẳng phân phối tài sản tổng thể của Anh.
Theo một nghiên cứu của tổ chức từ thiện Equality Trust của Anh, các tỷ phú ở nước này đã trở nên giàu có một cách “kỳ lạ”, với tài sản trung bình của họ trong năm 2024 tăng vọt hơn 1.000% so với năm 1990. Hiện 50 gia đình giàu nhất ở Anh nắm giữ nhiều tài sản hơn 50% dân số nghèo nhất của nước này, tức khoảng hơn 34 triệu người. Trong năm 2024, hai tỷ phú giàu nhất Anh sở hữu tổng tài sản nhiều hơn tất cả tỷ phú trong danh sách giàu có năm 1990 cộng lại.
Theo bà Priya Sahni-Nicholas, đồng Giám đốc điều hành của Equality Trust, vấn đề về sự giàu có tột độ thực sự mang tính sống còn, bởi sự gia tăng tài sản đó có thể là do khai thác những bất công trong xã hội, do đó có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề xã hội và cản trở những nỗ lực của chính phủ trong triển khai các cải cách nhất định, chẳng hạn như về phát triển công nghiệp mới, tăng trưởng xanh, hay chấm dứt cuộc khủng hoảng nhà ở. Vì vậy, bà kêu gọi chính phủ nghiêm túc thay đổi các cấu trúc kinh tế và thiết kế các chính sách chấm dứt sự tồn tại của sự giàu có bất thường này.
Còn theo bà Julia Davies, thành viên của Patriotic Millionaires UK - một tổ chức phi đảng phái gồm các triệu phú người Anh vận động đánh thuế tài sản nhà giàu, việc tài sản tập trung vào tay ngày càng ít người đang trực tiếp gây phương hại cho những người khác.
Theo bà Fernanda Balata, một chuyên gia nghiên cứu kinh tế chính trị tại New Economics Foundation - cơ quan thúc đẩy công bằng môi trường, kinh tế và xã hội, hiện nay đã có sự đồng thuận rộng rãi rằng mức độ bất bình đẳng tài sản cực độ đang gây ra nhiều thiệt hại cho xã hội, đồng thời cho rằng các nhà hoạch định chính sách của đất nước cần bắt đầu xem xét vấn đề này.
Trong khi đó, Tiến sĩ Benjamin Tippet, giảng viên về kinh tế và bất bình đẳng tài sản tại trường King’s College London, đã đề cập về phương thức phân phối lại tài sản trong xã hội thông qua biện pháp đánh thuế tài sản đối với giới siêu giàu. Tiến sĩ Tippet tính toán rằng việc áp dụng mức thuế tài sản 2% đối với những tỷ phú sẽ mang lại nguồn thu khoảng 6 tỷ bảng (8,02 tỷ USD) mỗi năm.
Phong Hà - Nguyễn Hà/TTXVN