50 năm ca khúc 'Như có Bác trong ngày đại thắng'

50 năm ca khúc 'Như có Bác trong ngày đại thắng'
một ngày trướcBài gốc
Bài hát ngay lập tức đã đi vào trái tim hàng triệu người con đất Việt, được hát vang trên khắp mọi miền Tổ quốc. Đến nay, bài hát vẫn có sức sống mãnh liệt, bền bỉ...
Gặp nghệ sĩ lĩnh xướng ở bản thu âm đầu tiên
Ở tuổi 83, NSND Tuyết Thanh gầy đi nhiều sau 2 lần bị ngã nhưng trí nhớ của bà vẫn vô cùng minh mẫn cùng giọng nói ngân vang. Nhắc tới NSND Tuyết Thanh, khán giả cả nước nhớ đến một nghệ sĩ với giọng hát cao vút, đầy “lửa”, từng làm rung động hàng triệu trái tim khán thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc, cũng như hàng vạn chiến sĩ trên mặt trận. Bà đã khẳng định dấu ấn riêng ở các ca khúc như “Bài ca Hà Nội" (Vũ Thanh), “Nổi trống lên, rừng núi ơi” (Hoàng Vân), “Tiếng hò trên đất Nghệ An” (Tân Huyền), “Bến cảng quê hương tôi” (Hồ Bắc)...
NSND Tuyết Thanh là người lĩnh xướng ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng” ở bản thu thanh đầu tiên.
Cả cuộc đời làm nghệ thuật gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, tất cả đều in dấu kỷ niệm trong trái tim người nghệ sĩ. Là một trong những nghệ sĩ gạo cội của Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, NSND Tuyết Thanh vinh dự là người thể hiện đầu tiên nhiều ca khúc trên sóng phát thanh như “Nổi trống lên rừng núi ơi” (nhạc sĩ Hoàng Vân), “Bài ca Hà Nội” (nhạc sĩ Vũ Thanh)... Và, “Như có Bác trong ngày đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng mang đến cho bà một vinh dự lớn lao, một kỷ niệm đẹp.
Trong dòng hồi tưởng nhớ về ngày 30/4 lịch sử, NSND Tuyết Thanh chia sẻ: “Thời đó, lịch thu thanh của chúng tôi tại Đài là 2 buổi/tuần. Ngày 30/4/1975, chúng tôi có lịch thu thanh tại Đài nên anh chị em nghệ sĩ có mặt đông đủ. Nhưng, vừa thu, chúng tôi vừa nghe tin chiến thắng gửi về. Trong lòng vui sướng vô cùng. Tới 11h30, qua giọng đọc của chị Kim Cúc, chúng tôi nghe được tin báo miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thống nhất. Không thể hình dung nổi chúng tôi vui sướng vỡ òa thế nào. Đang thu thanh mà tất cả cùng ôm nhau, người khóc, người cười, người vỗ tay, người nhảy lên reo vang...
Vừa lúc ấy, bản nhạc “Như có Bác trong ngày đại thắng” được đưa tới, chúng tôi nhận nhiệm vụ phải tập và thu luôn. Tôi cùng nghệ sĩ Đặng Hùng được giao lĩnh xướng cùng dàn nhạc 40 người dưới sự chỉ huy của nhạc sĩ Cao Việt Bách. Nói thật là khi đó ai cũng xúc động, phấn chấn, vừa hát vừa khóc nên nếu xét về kỹ thuật thì chưa phải xuất sắc đâu. Nhạc sĩ Cao Việt Bách - khi ấy là chỉ huy trưởng Dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam vừa chỉ huy vừa khóc. Cả dàn nhạc cũng khóc vì vui mừng. Đã 50 năm trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ như in không khí buổi thu thanh đó. Mọi người say sưa hát thông trưa, quên ăn quên nghỉ, không ai còn cảm thấy đói nữa. Bài hát được hoàn thành ngay trong buổi chiều”.
Cuối giờ chiều ngày 30/4/1975, bài hát được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, ngay sau bản tin Việt Nam tuyên bố chính thức giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ra thế giới. Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam được nhà báo Trần Lâm, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam khen ngợi vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Dù sau này, ca khúc có thêm vô số những bản thu âm mới nhưng bản thu đầu tiên của Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, với sự lĩnh xướng của NSND Tuyết Thanh và nghệ sĩ Đặng Hùng vẫn chứa đựng giá trị lịch sử đặc biệt. Nhạc sĩ Phạm Tuyên từng tâm sự: “Tôi chưa bao giờ dự cuộc thu thanh âm nhạc nào mà từ người chỉ huy cho tới người hát đều... khóc. Khóc vì vui sướng. Khi ca khúc được thu âm xong thì chính tôi cũng khóc”.
NSND Tuyết Thanh chia sẻ thêm, khi nghe tin chiến thắng, một không khí vui tươi, nhộn nhịp bao trùm khắp Đài. Thu thanh xong, mọi người kéo nhau từ phòng nọ sang phòng kia cùng nhau chúc mừng niềm vui chiến thắng.
“Ở Đài, mỗi khi vào dịp lễ, Tết hoặc có sự kiện quan trọng của đất nước, cậu ở bộ phận thường trực đảm nhiệm việc treo cờ. Tin vui thống nhất tới nên thường trực nhận lệnh sẽ thay lá cờ cũ bằng lá cờ mới. Vì vui và xúc động quá mà cậu thường trực run tay mãi mới treo được lá cờ mới lên. Hay, cuối năm 1975, tôi có chuyến công tác vào miền Nam. Khi đi qua cầu Hiền Lương, từng dòng người ngược xuôi ra Bắc vào Nam nhộn nhịp trên cầu. Trong ba lô của anh bộ đội nào từ miền Nam ra cũng đều có một con búp bê làm quà. Tôi ngồi trong xe ô tô, phía sát cửa kính liên tục thò tay ra ngoài để vẫy chào những người bên ngoài. Ai cũng vui vẻ, hân hoan cho ngày đoàn tụ”, NSND Tuyết Thanh tâm sự.
Nhiều điều đặc biệt trong một ca khúc
Như có Bác trong ngày đại thắng” là bài hát vỏn vẹn 60 ca từ, giai điệu giản dị, trong sáng, gần gũi đã được nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Đầu tháng 4/1975, khi ấy nhạc sĩ Phạm Tuyên đang công tác tại Ban Văn nghệ (Đài Tiếng nói Việt Nam) thì được nhà báo Trần Lâm - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam giao nhiệm vụ sáng tác một tác phẩm lớn để chuẩn bị cho ngày đất nước toàn thắng.
Bản viết tay ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên khi ấy đã chuẩn bị một bản hợp xướng 4 chương nhưng bản thân ông thấy vẫn chưa ổn. Khi vẫn còn đang băn khoăn, do dự thì ngày 28/4/1975, khi nghe tin về sự kiện phi công ta ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Đêm đó, nhạc sĩ Phạm Tuyên không ngủ được, lòng thầm dự đoán ngày giải phóng chỉ đến trong nay mai. Nghĩ tới chiến thắng cận kề, nhạc sĩ nghĩ tới việc phải viết một bài hát như tiếng reo vui nức lòng, mọi người cùng đổ ra đường ngày toàn thắng. Trong niềm vui hân hoan đó, nhạc sĩ chợt nhớ tới lời trong bài thơ chúc Tết của Bác Hồ “Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn” và thầm nghĩ, nếu còn sống, chắc hẳn Bác Hồ sẽ rất vui...
Với cảm xúc trào dâng, chỉ từ 21h30 đến 23h đêm 28/4, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết xong bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” mà không phải sửa một chữ nào. Sáng 29/4, nhạc sĩ Phạm Tuyên mang bài hát lên Đài nhưng Ban Biên tập định sắp xếp để đến dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ thu và phát. Nhưng, trưa hôm sau, nghe tin quân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, nhà báo Trần Lâm cho gọi nhạc sĩ Phạm Tuyên tới hỏi về tác phẩm cho ngày toàn thắng.
Ngay tại cầu thang, sau khi nghe nhạc sĩ Phạm Tuyên hát xong, nhà báo Trần Lâm vỗ tay rồi nói: “Chỉ cần bài này thôi” rồi yêu cầu đoàn ca nhạc của Đài tập và thu để 5h chiều, khi Trung ương cho phép phát tin chiến thắng ra toàn thế giới thì sẽ dùng bài này ngay sau đó. Nhạc sĩ Phạm Tuyên sau này còn kể, 17h ngày 30/4/1975, bài hát mới được phát đi nhưng ngay sáng hôm sau, ngày 1/5, khi ông đạp xe từ nhà lên cơ quan ở Quán Sứ, đi qua hồ Hoàn Kiếm đã thấy đoàn quân nhạc chơi bài đó. Hóa ra, sau khi phát đi bản tin đại thắng, cho đến tận sáng cứ phát tin xong là lại phát bài này nên anh em quân nhạc thuộc từ lúc nào không hay.
Ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng” có sức lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ trong nước mà còn tới cả thế giới. Cho tới nay, nhiều người nước ngoài cũng đều có thể nắm tay hát vang những giai điệu “Việt Nam - Hồ Chí Minh, Việt Nam - Hồ Chí Minh”. Bài hát cũng mang về cho nhạc sĩ Phạm Tuyên niềm vui đặc biệt, đó là 10 năm sau, vào năm 1985, nhạc sĩ được tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng”. Đây là điều từ trước đến nay chưa có tiền lệ. Sau này, một đồng nghiệp người Nhật Bản hỏi nhạc sĩ Phạm Tuyên: “Ông sáng tác ca khúc trong thời gian bao lâu?”. Nhạc sĩ trả lời ngắn gọn: “Chỉ 2 giờ. Nhưng, cho cả cuộc đời”.
Giới âm nhạc từng nhận định: nếu “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao là dấu mốc của thời kỳ giành chính quyền cách mạng (1945), “Chiến thắng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận là ghi dấu chấm dứt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1954) thì “Như có Bác trong ngày đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên là mốc son trong cuộc chiến tranh giành độc lập, thống nhất non sông (1975). Đã 50 năm trôi qua, bài hát vẫn mang một sức sống mãnh liệt, không chỉ bởi ra đời trong một thời khắc đặc biệt của lịch sử mà còn là tiếng lòng của toàn dân tộc, là thông điệp của thời đại Hồ Chí Minh gửi tới bạn bè quốc tế.
Thảo Duyên
Nguồn VNCA : https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/50-nam-ca-khuc-nhu-co-bac-trong-ngay-dai-thang-i764713/